Bản tin chiều 3/4

16:30 | 03/04/2020

|
(PetroTimes) - Năng lượng quốc tế xin gửi quý bạn đọc thông tin mới nhất về ngành Dầu khí thế giới.    

1. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: Hôm thứ 5 (2/4), các nước sản xuất dầu mỏ không đàm phán về bất kỳ thỏa thuận mới nào, trái ngược với hy vọng của Tổng thống Trump cho rằng Ả Rập Saudi và Nga sẽ đi đến thỏa thuận nào đó.

2. Sản lượng trung bình quý I ở Nga 11,31 triệu thùng/ngày

Trong quí I/2020, sản lượng khai thác dầu và condensate ở Nga tăng 0,7% so với cùng kỳ 2019, lên 140,35 triệu tấn, tương đương 11,31 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô sang các nước ngoài khối CIS đạt 62,98 triệu tấn (tăng 3%), tương đương 5,07 triệu thùng/ngày. Trong đó, Rosneft xuất khẩu 28,66 triệu tấn, Surgutneftegaz 8,07 triệu tấn, Lukoil 5,77 triệu tấn, Gazpromneft 2,26 triệu tấn, Tatneft 2,48 triệu tấn, các công ty dầu khí còn lại khoảng 3,63 triệu tấn.

Cùng kỳ, sản lượng khai thác khí đốt giảm 6%, xuống 185,34 tỷ m3.

3. Tổng thống Trump cho biết, Ả Rập Saudi và Nga có thể cắt giảm sản lượng khoảng từ 10 đến 15 triệu thùng một ngày, chiếm khoảng 10-15% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên ông không nói về việc cắt giảm sản lượng của Mỹ.

4. Mỹ cho thuê kho chứa dầu chiến lược quốc gia

Chính phủ Mỹ cho biết nước này có thể sẽ cho các công ty năng lượng thuê kho chứa dầu chiến lược quốc gia. Hệ thống này vẫn còn thừa thể tích chứa do vừa qua Quốc hội đã phủ quyết kế hoạch mua 77 triệu thùng dầu dự trữ. Động thái này cho thấy chính quyền Mỹ đang làm tất cả để duy trì giá dầu thấp.

5. Mỹ xuất khẩu LNG sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh trong tháng 01/2020

Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (31/3), nước này đã xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 924 triệu m3 khí đốt dưới dạng nhiên liệu LNG trong tháng 01/2020, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ 3 của Mỹ sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh nhập khẩu LNG của Mỹ xuất phát chủ yếu từ giá LNG của Mỹ đang rất cạnh tranh so với khí đốt bằng đường ống tại thị trường châu Âu do sản lượng khí thiên nhiên của Mỹ dư thừa kỷ lục. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Gazprom, song sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga đã giảm trong những năm gần đây. Riêng năm 2019, nhập khẩu đã giảm 35% xuống còn 15,51 tỷ m3 so với năm 2018.

6. Iraq đã chứng kiến doanh thu từ dầu mỏ giảm gần một nửa trong tháng 3 khi giá dầu sụp đổ, mặc dù Iraq (nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC) đã xuất khẩu dầu vào tháng 3 nhiều hơn so với tháng 2. Theo thống kê từ Bộ dầu mỏ Iraq, doanh số bán dầu của nước này trong tháng 3 là 105 triệu thùng thu về 2,99 tỷ USD, trong khi doanh số bán ra vào tháng 2 là 98,3 triệu thùng thu về 5,5 tỷ USD.

7. Brazil: Cơ quan quản lý ngành năng lượng của Brazil ANP tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả các cuộc đấu thầu dầu dự kiến trong năm nay do nền kinh tế thế giới bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19.

8. Công ty dầu mỏ Equinor của Na Uy đã huy động được 5 tỷ đô la nợ mới để giảm tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Thời gian đáo hạn của trái phiếu khoảng từ năm 2025 đến năm 2040.

9. Pháp phê duyệt xây dựng 1.700 MW công suất điện mặt trời mới

Bộ trưởng sinh thái Pháp Elisaberth Borne (01/4) thông báo đã phê duyệt gần 300 dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió với tổng công suất lắp đặt khoảng 1.700 MW. Bà Borne cho biết, Bộ cũng phê duyệt giãn tiến độ các dự án bị gián đoạn vì dịch Covid-19 bùng phát tại Pháp.

Trong số 300 dự án được phê duyệt có 35 dự án điện gió đất liền với tổng công suất 750 MW, còn lại là các dự án điện mặt trời. Các dự án mới sẽ cung cấp thêm 2,6 tỷ Kwh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.

10. Hôm nay (3/4), giá dầu giảm sau khi tăng mạnh. Tại châu Á, dầu WTI giảm 1,14 đô la, tương đương 4,5% xuống còn 24,18 đô la/thùng, dầu Brent giảm 0,70 đô la, tương đương 2,67% xuống 29,24 USD/thùng.

11. Giá dầu Urals xuống thấp nhất kể từ năm 1999

Ngày 30/03 giá Urals giao tại cảng cảng Rotterdam đã giảm xuống mức 13 USD/thùng. Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng giá đã giảm gần 4 lần từ 50 USD/thùng. Giá trung bình (mức giá sử dụng trong dự toán) tháng 3 đã giảm xuống mức 29 USD/thùng. Theo Quy tắc ngân sách, ở mức giá này, Ngân hàng Trung Ương Nga sẽ phải bán USD từ Quỹ phúc lợi liên bang tương đương 100 tỷ rúp trong tháng 4, với tỷ giá hiện nay 78-79 rúp/1 USD sẽ khoảng 60 triệu USD/ngày. Trên thực tế, riêng trong tháng 3 Ngân hàng Trung Ương Nga đã phải bán ra khoảng 2 tỷ USD để bình ổn tỷ giá. Thông tin cập nhật mới nhất, ngày 01/04 Urals tiếp tục giảm xuống 10,54 USD/thùng thấp nhất kể từ năm 1999.

PV