An ninh năng lượng và ngoại giao năng lượng: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam (Kỳ V)

09:00 | 30/05/2020

|
(PetroTimes) - Indonesia là một quốc đảo giàu tài nguyên với dân số trẻ và đông đảo, nền kinh tế đang phát triển nhưng chính sách năng lượng lại chưa khai thác được lợi thế tự nhiên để mang lại lợi ích an ninh – kinh tế – chính trị cho quốc gia này.

Kỳ V: Chính sách ngoại giao năng lượng của Indonesia

an ninh nang luong va ngoai giao nang luong kinh nghiem quoc te va ham y chinh sach cho viet nam ky v

Trữ lượng dầu của nước này đạt khoảng 22 tỷ thùng, tương đương với khoảng 10 năm sản xuất dầu và 50 sản xuất khí đốt. Trữ lượng than, tiềm năng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối và nhiên liệu sinh học cũng rất dồi dào. Tuy nhiên, theo dự báo, với mức tiêu thụ năng lượng tăng khoảng 5-6%/năm như hiện nay, đến năm 2030, Indonesia sẽ phải nhập khẩu khoảng 75% tổng cầu năng lượng. Điều này sẽ khiến nước này ngày càng dễ tổn thương hơn trước những biến động trên thị trường năng lượng thế giới.

Nhận thức được vấn đề này, chính phủ Indonesia đã có những điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và định hướng phát triển bền vững trong dài hạn theo Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Mục tiêu chính gồm: (i) đảm bảo năng lượng cho nhu cầu nội địa; (ii) đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững trong dài hạn; (iii) đảm bảo năng lượng cho các mục đích xuất khẩu; và (iv) cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo vệ mội trường.

Cụ thể, năm 2016, 2017 chính phủ Indonesia đã ban hành 3 văn bản pháp quy xác định các mục tiêu phát triển, quản lý năng lượng để đạt được sự độc lập về năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia để hỗ trợ sự phát triển bền vững của quốc gia. Theo đó, các mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia cơ bản của Indonesia là tăng tỷ lệ điện khí hóa lên mức gần 100% vào năm 2020, hoàn thành xây dựng một mạng lưới khí gas cho 4,7 triệu hộ gia đình kết nối và hầm khí ga cho 1,7 triệu hộ vào năm 2025; nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo lên mức 23% vào năm 2025 và ít nhất 31% năm 2050; về sử dụng hiệu quả năng lượng, Indonesia đặt mục tiêu giảm hao tổn năng lượng cuối cùng là 1%/năm và đạt độ co giãn năng lượng dưới 1 vào năm 2025, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.[13] Có thể nói, tuy là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng Indonesia vẫn chưa đánh giá đúng mực tính chiến lược của tiềm năng lượng của mình, quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hợp lý vì thiếu công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực có khả năng và ý chí chính trị. Những động thái gần đây của Indonesia đang cho thấy chuyển biến trong đánh giá tình hình trong đó an ninh năng lượng trở thành một trong những vấn đề quan trọng mà chính sách đối ngoại và ngoại giao của Indonesia ưu tiên. Indonesia đang thay đổi chiến lược phát triển năng lượng và ngoại giao năng lượng của mình để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn. Hơn thế nữa, nếu nhận thức được tiềm năng năng lượng trong chính sách đối ngoại, Indonesia có thể nâng cao vị thế của mình ở sân chơi chính trị khu vực và quốc tế.

Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng và Hàn Lam Giang