Ai Cập tăng tốc chuyển dịch năng lượng

15:27 | 05/10/2022

|
(PetroTimes) - Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2022 (COP27), Ai Cập đã ký một số biên bản ghi nhớ để phát triển năng lượng tái tạo. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, Ai Cập đặc biệt mong muốn phát triển năng lượng khí hydro và năng lượng mặt trời tái tạo.
Ai Cập tăng tốc chuyển dịch năng lượng
Ai Cập đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2022 (COP27)

Hiện nay, cơ cấu năng lượng của Ai Cập đang dần có biểu hiện chuyển dịch. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dầu khí để sản xuất năng lượng.

Hợp tác với nước ngoài

Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, Ai Cập đang hướng đến các đối tác nước ngoài. Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZONE) đã ký 7 Biên bản ghi nhớ với nhiều tổ chức, công ty nước ngoài để phát triển sản xuất hydro tái tạo và amoniac. Các cơ sở sản xuất mới sẽ được xây dựng tại Sokhna.

Các bên tham gia bao gồm: Quỹ Chủ quyền của Ai Cập, Công ty Truyền tải điện Ai Cập, Cơ quan Năng lượng mới và tái tạo Ai Cập, cùng 7 công ty từ Anh, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ấn Độ. Có 7 công ty hiện hữu trong các bản ghi nhớ: Globaleq, Alfanar, Alcazar, K&K group, Mediterranean Energy Partners (MEP), ACME Group và Actis.

Ai Cập và Nhật Bản cũng đã hợp tác để khởi động một dự án điện mặt trời quy mô nhỏ.

Phát triển hydro tái tạo

Hydro tái tạo là một cơ hội cho Ai Cập giảm lượng khí thải CO2. Thực tế, hydro được sử dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất phân bón, amoniac và metanol. Tuy nhiên, loại hydro được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch giải phóng một lượng carbon rất lớn. Còn hydro tái tạo được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước, có ưu điểm là bền vững hơn và không phát thải CO2.

Hiện tại, sản xuất hydro tái tạo có chi phí cao hơn so với hydro sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, giá cả hydro phụ thuộc vào hai yếu tố: Giá năng lượng tái tạo và giá thành của thiết bị điện phân. Tuy nhiên, dự kiến các chi phí này sẽ giảm trong những năm tới.

Bà Lisa Pinsley, Giám đốc trụ sở Trung Đông và châu Phi về mảng năng lượng của Công ty Actis, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng hydro tái tạo sẽ là một phần quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Đối với ngành công nghiệp và một số lĩnh vực khó giảm phát thải, hydro vẫn là giải pháp tuyệt vời và bền vững cho hoạt động khử carbon”.

Do đó, các biên bản ghi nhớ được ký kết ở Ai Cập sẽ bao gồm một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho hydro tái tạo. Ví dụ, Globaleq sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất hydro tái tạo với công suất 2 triệu tấn/năm. ACME xây dựng nhà máy với công suất 2,2 triệu tấn/năm. Actis sẽ chịu trách nhiệm xây dựng nhiều nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm...

Theo Actis, Ai Cập có thể trở thành một trong những thị trường hydro tái tạo lớn nhất trên thế giới. Ai Cập có nhiều lợi thế, nhất là về vị trí địa lý (nằm ở ngã tư của châu Á và châu Âu). Hơn nữa, hydro tái tạo cũng cung cấp cho Ai Cập một giải pháp khử carbon đáng kể.

Ông Sherif ElKholy, Trưởng bộ phận cơ sở hạ tầng tại trụ sở Trung Đông và châu Phi của Actis, nêu ý kiến về quan hệ đối tác với Ai Cập: “Trong 20 năm qua, chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào những dự án và doanh nghiệp mang tính chiến lược nhất của đất nước. Đồng thời, chúng tôi cũng trở thành một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài chính tại Ai Cập. Quyết định đặt bút ký kết vào thời điểm này tượng trưng cho sự tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác giữa Actis và Ai Cập. Chính phủ Ai Cập có các kế hoạch chuyển dịch năng lượng đầy tham vọng. Ngoài ra, việc đăng cai COP27 và thực hiện các bước đi tích cực sẽ biến Ai Cập thành trung tâm hydro tái tạo lớn. Chúng tôi mong muốn duy trì mối quan hệ đối tác sâu sắc với Chính phủ Ai Cập và đóng góp vào chiến lược năng lượng tái tạo đến năm 2030 của họ thông qua nhiều dự án hiện tại và tương lai”.

Ai Cập tăng tốc chuyển dịch năng lượng
Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZONE) cho biết đã ký 7 biên bản ghi nhớ với các công ty quốc tế khác nhau để phát triển sản xuất hydro tái tạo và amoniac

Đầu tư vào điện mặt trời

Ngoài hydro tái tạo, Chính phủ Ai Cập cũng mong muốn phát triển điện mặt trời để hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng toàn quốc. Đó là một tham vọng không hề nhỏ của một quốc gia có tiềm năng phát triển điện mặt trời mạnh mẽ.

Do đó, Nhật Bản và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNPD) đã chung tay khởi động một dự án hệ thống điện mặt trời tại Ai Cập. Nhật Bản sẽ tài trợ cho dự án và giới thiệu các ứng dụng mới của công nghệ quang điện, chẳng hạn như tại các tòa nhà và nơi ở cho người có thu nhập khiêm tốn ở thủ đô Cairo. Dự án cũng bao hàm các khu vực nông thôn, nối hệ thống quang điện đến các làng xa.

Đối với Ai Cập, dự án này sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy điện khí hóa dựa trên năng lượng tái tạo và khuyến khích phát triển kinh tế địa phương.

Ông Alessandro Fracassetti, đại diện thường trú ở Ai Cập của UNPD, cho biết thêm: “Dự án sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Ai Cập trước thềm COP27, mở ra tiềm năng đổi mới điện mặt trời và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang phát triển bền vững của Ai Cập”.

Nhật Bản là đối tác lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Ai Cập. Nhật Bản đã gặt hái được rất nhiều từ kinh nghiệm từ lĩnh vực này. Trên thực tế, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo thứ hai được phát triển trong nước.

Chính phủ Ai Cập đánh giá cao sự hỗ trợ cụ thể của Nhật Bản, đặc biệt là khi Nhật Bản đã giúp thu hút các tổ chức Ai Cập tham gia thí điểm vào các công nghệ mới. Những loại công nghệ này chắc chắn sẽ nhanh chóng được áp dụng và nhân rộng toàn thị trường Ai Cập.

Trước đây, trong COP26, Nhật Bản nổi bật khi trở thành nhà ủng hộ chính cho kế hoạch UNOD - “Lời hứa khí hậu - Từ cam kết đến tác động”.

Các Biên bản ghi nhớ được ký kết ở Ai Cập sẽ bao gồm một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho hydro tái tạo. Globaleq sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất hydro tái tạo với công suất 2 triệu tấn/năm. ACME xây dựng nhà máy với công suất 2,2 triệu tấn/năm. Actis xây dựng nhiều nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm...

S.Phương