Ả Rập Xê-út triển khai chính sách dầu mỏ cân bằng mong manh giữa Mỹ và Nga

14:43 | 01/07/2022

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 30/6/2022 trên cơ sở các nguồn thạo tin, có bài phân tích cho rằng việc Ả Rập Xê-út thúc đẩy nhanh chóng tăng sản lượng dầu tại cuộc họp cấp Bộ trưởng ngày 2/6/2022 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) liên quan đến hoạt động ngoại giao hậu trường, muốn đảm bảo rằng Nga ủng hộ động thái tăng sản lượng sau khi Mỹ có nhiều lần kêu gọi tăng nguồn cung OPEC.
Ả Rập Xê-út triển khai chính sách dầu mỏ cân bằng mong manh giữa Mỹ và Nga
Trụ sở OPEC tại Vienna, Áo. Ảnh: Reuters/Heinz-Peter Bader/Tư liệu.

Nhóm OPEC+ đã đạt được mức tăng sản lượng lớn hơn dự kiến, một bước đi được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh. Sắp tới, trong chuyến công du Trung Đông từ 13-16/7/2022, Tổng thống Biden sẽ thăm Ả Rập Xê-út lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Các nguồn tin cho Reuters mô tả chính sách ngoại giao hậu trường cho thấy sự cân bằng hành động của Riyadh khi tìm cách cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Mỹ trong khi củng cố một liên minh dầu mỏ với Nga mà Ả Rập Xê-út đã nỗ lực duy trì trong nhiều thập kỷ.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng trước việc Mỹ thúc đẩy tăng nhanh sản lượng dầu của OPEC+, Ả Rập Xê Út đã kiểm tra lại với Nga và Nga có vẻ đồng ý với việc tăng sản lượng đó.

Một nguồn tin thứ hai trong OPEC+ cũng khẳng định với Reuters rằng Riyadh đã tham khảo ý kiến ​​cẩn thận với Nga, nước đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Về áp lực muốn loại Nga ra khỏi OPEC+

Tổng thống Mỹ Biden đang chịu áp lực từ đảng Dân chủ buộc Riyadh phải loại Moscow ra khỏi nhóm OPEC+.

Nhưng việc loại bỏ Nga ra khỏi nhóm OPEC+ đó có nghĩa là Ả Rập Xê-út phải từ bỏ những nỗ lực kéo dài nhiều năm qua nhằm lôi kéo Nga vào một thỏa thuận phối hợp sản xuất dầu. OPEC+ được thành lập vào năm 2016 nhưng Riyadh đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Ả Rập Xê-út-Nga, hai trong số các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, từ rất lâu trước đó. Từ năm 2001, Ả Rập Xê-út đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa Nga gia nhập liên minh OPEC, mặc dù mãi đến khi OPEC+ được thành lập vào năm 2016, họ mới bắt đầu hợp tác và nhất trí về việc hạn chế sản lượng để nâng giá dầu yếu ngay sau đó.

OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng kỷ lục một lần nữa vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu và khiến giá thậm chí còn xuống thấp hơn. Thỏa thuận năm 2020 đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó khuyến khích.

Ả Rập Xê-út triển khai chính sách dầu mỏ cân bằng mong manh giữa Mỹ và Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman trong chuyến thăm Ả Rập Xê-út đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ảnh: CNN.

Một đại biểu OPEC + nói với Reuters rằng việc giữ Nga ở lại OPEC+ là rất quan trọng, nhắc lại bình luận của các nhà phân tích cho rằng Ả Rập Xê-út muốn giữ Nga ở lại OPEC+ để tăng đòn bẩy trên thị trường dầu mỏ hơn là vì bất kỳ lý do chính trị nào.

Một nguồn tin quen thuộc với suy nghĩ của Nga cho biết Moscow đã đạt được lợi ích khi trở thành một phần của OPEC+ vào thời điểm phương Tây muốn cô lập Nga nhất.

Nguồn tin cho biết Ả Rập Xê-út đang được hưởng mức giá dầu cao trong khi người Nga cần sự hỗ trợ đảm bảo từ OPEC + trong hoàn cảnh hiện tại.

Một nguồn tin của OPEC+ cho biết chính sách sản xuất dầu luôn dựa trên sự thống nhất giữa tất cả các thành viên OPEC+ và thỏa thuận ngày 2/6 nhằm đẩy nhanh việc tăng sản lượng là phản ứng đối với hoạt động kinh tế toàn cầu gia tăng và triển vọng tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu cao hơn sau giai đoạn bảo trì theo mùa.

Mối quan hệ “khá thân thiết” với Nga

Chuyến đi Riyadh của Tổng thống Mỹ Biden sẽ bao gồm cuộc gặp Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman, người lãnh đạo trên thực tế của Vương quốc, hiện có quan hệ căng thẳng với Tổng thống Mỹ trong một loạt các vấn đề.

Trong khi đó, nguồn tin Nga cho biết quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman "khá thân thiết". Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út không đưa ra bình luận nào về câu chuyện này. Bộ Năng lượng Nga và Văn phòng của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Nga vào tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman mô tả quan hệ Ả Rập Xê-út - Nga là "tốt như thời tiết ở Riyadh". Phó Thủ tướng Nga Novak cho biết Moscow có thể tiếp tục hợp tác với OPEC+ sau năm 2022.

Một nguồn tin của Nga cho biết cách thức hoạt động của OPEC+ khó có thể thay đổi trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11/2022, khi đảng Cộng hòa có thể giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ từ tay đảng Dân chủ.

Trong tháng 6 vừa qua, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã mô tả mối quan hệ đối tác OPEC+ là "nơi trú ẩn và là ngọn hải đăng của sự ổn định bất chấp mọi bất ổn do địa chính trị gây ra".

Gary Ross, chuyên gia quan sát OPEC kỳ cựu cho biết: "Liên quan đến các nỗ lực đưa Nga tham gia quản lý thị trường dầu mỏ trong hơn 20 năm qua, Ả Rập Xê-út sẽ không rời bỏ mối quan hệ quan trọng này."/.

Thanh Bình