5 mỏ dầu ngoài khơi có trữ lượng còn lại lớn nhất thế giới
1. Cụm mỏ Marjan- trữ lượng 17.238.800.384 thùng dầu quy đổi (boe)
Cụm mỏ Marjan nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Ả Rập Saudi, bao gồm các mỏ Marjan, Maharah, Lawhah và Hamur và do công ty Saudi Aramco điều hành. Đây là cụm mỏ có trữ lượng còn lại lớn nhất thế giới với hơn 17,2 tỷ thùng dầu quy đổi (BBOe), trong đó bao gồm 15,6 tỷ thùng dầu (BMbbl) và 9.747,96 tỷ feet khối khí tự nhiên (Bcf). Sản lượng khai thác hiện tại của mỏ là khoảng 50.000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày (boepd).
Saudi Aramco hiện vẫn tiếp tục triển khai công tác phát triển cụm mỏ Marjan, trao các hợp đồng thiết kế kỹ thuật vào tháng 9/2018 và tháng 2/2019 trong dự án phát triển thăm dò khai thác lớn nhất của công ty năm 2019.
![]() |
2. Mỏ Safaniya - trữ lượng 17.136.224.734 boe
Mỏ Safaniya cũng thuộc sở hữu của Saudi Aramco và nằm trong Vịnh Ba Tư, cách thành phố Dhahran 200 km về phía Bắc. Mỏ được phát hiện vào năm 1951 và bắt đầu khai thác từ năm 1957, bao gồm hơn 624 giếng khai thác và rất nhiều giàn khoan khác nhau.
Mặc dù mỏ Safaniya chỉ đứng thứ hai về trữ lượng còn lại với hơn 17,1 BBOe, song đây là mỏ dầu có trữ lượng thu hồi lớn nhất thế giới (37 tỷ thùng dầu và 5.360 tỷ mét khối khí tự nhiên).
Hiện nay, mỏ Safaniya đang trong giai đoạn khai thác giữa đời mỏ và thu hồi được khoảng 54% tổng trữ lượng. Tổng sản lượng khai thác hiện tại mỏ đạt khoảng 1 triệu boepd.
3. Mỏ North Field Expansion - trữ lượng 11,509,802,413 boe
Mỏ North Field Expansion nằm ngoài khơi Qatar, dự kiến sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2023, với mức sản lượng đỉnh dự kiến là 4,6 tỷ mét khối khí mỗi ngày vào năm 2045, tuổi đời mỏ dự kiến là 58 năm. Qatar Oil là nhà điều hành của mỏ này, với 100% cổ phần.
North Field Expansion là mỏ dầu có tổng trữ lượng thu hồi lớn thứ ba thế giới với hơn 11,5 BBOe, bao gồm 2,1 BMbbl dầu và 56,554.84 Bcf khí tự nhiên. Nằm ngoài khơi phía Đông Bắc bán đảo Qatar, diện tích khoảng 6.000km2, North Field là một trong những mỏ khí thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Trong dự án mở rộng phát triển mỏ, Qatar Petroleum dự kiến sẽ triển khai chương trình khoan nhằm nâng mức sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của quốc gia này từ 77 lên 110 triệu tấn mỗi năm (Mtpa) vào năm 2024.
4. Mỏ Zuluf - trữ lượng 11.366.711.770 boe
Mỏ Zuluf cũng thuộc sở hữu của Saudi Aramco, nằm trong vùng nước nông (40m nước), cách bờ biển phía Đông Bắc Ả Rập Xê út khoảng 40km.
Đến nay mỏ đã khai thác được khoảng 34% tổng trữ lượng thu hồi và vẫn chưa đạt đến giai đoạn khai thác giữa đời mỏ. Trữ lượng còn lại của mỏ đạt trên 11,3 BBOe, bao gồm 11 BMbbl dầu và 1.766,64 Bcf, sản lượng hiện tại là khoảng 764 nghìn boepd.
Vào tháng 11 năm 2017, Saudi Aramco thông báo một kế hoạch phát triển thăm dò khai thác tại các vỉa chứa dầu thô nặng của mỏ Zuluf, dự kiến sẽ bổ sung 600.000 bopd thùng dầu thô nặng vào năm 2023.
5. Mỏ Upper Zakum - trữ lượng 11,064,572,697 boe
Nằm cách bờ biển phía Tây Bắc của Abu Dhabi khoảng 84km, mỏ Upper Zakum là mỏ dầu ngoài khơi lớn thứ hai trên thế giới về trữ lượng thu hồi (16 BBoe) và lớn thứ năm thế giới về trữ lượng còn lại.
Mỏ Upper Zakum được phát hiện vào năm 1963 và đi vào hoạt động vào năm 1967. Đến nay, mỏ đã khai thác được khoảng 33,4% tổng trữ lượng, sản lượng hiện tại đạt khoảng 728.000 thùng dầu/ngày.
Mỏ được sở hữu và điều hành bởi Công ty Phát triển Zakum, một liên doanh của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), với 60% cổ phần. Đối tác còn lại gồm có ExxonMobil (28%) và Công ty Phát triển Dầu Nhật Bản (12%).
Trong những năm tới, dự án phát triển mở rộng mỏ dự kiến sẽ giúp gia tăng sản lượng khai thác lên mức 750 nghìn boepd, và mức 1 triệu boepd vào năm 2024.
Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI)
| Total dự kiến bán cổ phần tại mỏ dầu khổng lồ Kashagan ở Kazakhstan |
| Total tổ chức lễ first oil mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi Angola |
| Na Uy: Tăng đánh giá trữ lượng một mỏ dầu khổng lồ |
- Trữ lượng hydro trắng toàn cầu khơi dậy một cuộc đua khai thác mới
- Trung Quốc xây dựng dự án điện hạt nhân chưa từng có
- Aramco ra mắt nhà máy thử nghiệm thu hồi trực tiếp CO2 từ không khí
- Nhờ AI, Úc phát hiện 6 mỏ chiến lược chứa kim loại hiếm
- Đột phá trong công nghệ lưu trữ: Nhật Bản phát triển pin sạc uranium đầu tiên