2021 - Thời điểm các công ty dầu mỏ xác định lại chiến lược

14:54 | 22/01/2021

|
(PetroTimes) - Đây là nhận định của Energy Intelligence (EI) về tình hình thị trường dầu toàn cầu trong năm nay. Với việc vắc-xin Covid-19 bắt đầu được triển khai tiêm phòng rộng rãi và giá dầu Brent quay trở lại mức 50 USD/thùng, có thể nói cuộc khủng hoảng thị trường dầu mỏ chưa từng có trong lịch sử đã ở lại phía sau.
Dầu khí Mỹ có thể sẽ bị mất lợi ích và ưu đãi dưới thời Tổng thống BidenDầu khí Mỹ có thể sẽ bị mất lợi ích và ưu đãi dưới thời Tổng thống Biden
IEA hạ thấp dự báo mức phục hồi nhu cầu dầu mỏIEA hạ thấp dự báo mức phục hồi nhu cầu dầu mỏ
2021 - Thời điểm các công ty dầu mỏ xác định lại chiến lược

Tuy nhiên, năm 2021 sẽ mang đến nhiều thay đổi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu toàn cầu. Sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi năng lượng và những bài học kinh nghiệm về các sự kiện trên thị trường gần đây đã cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của ngành đối với rủi ro sụt giảm nhu cầu và giá dầu thấp. Do đó, các công ty dầu khí quy mô lớn và nhỏ sẽ buộc phải thay đổi chiến lược, định vị lại thị trường và đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi thị trường.

Châu Âu: xác định tốc độ chuyển đổi năng lượng phù hợp

Các công ty dầu khí lớn tại châu Âu phải làm rõ cách thức hiện thực hóa các tham vọng khí hậu dài hạn là trung hòa carbon vào giữa thế kỷ XXI và hướng tới đạt các mục tiêu trung hạn, trong khi vẫn phải thuyết phục các cổ đông của mình về khả năng vốn hóa bền vững (có tăng trưởng) trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Trong số các công ty dầu khí hàng đầu, Royal Dutch Shell và BP cần xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư do cổ phiếu của hai hãng đã có lúc giảm 50% vào năm ngoái. Đối với Shell, giải quyết thách thức này sẽ bắt đầu với một bản cập nhật chiến lược hoạt động vào tháng 2 tới. Theo đó, Shell dự kiến công bố chi tiết kế hoạch chuyển đổi từ một nhà sản xuất dầu khí thành một công ty năng lượng đa dạng, có lợi nhuận hấp dẫn. Các khoản thu gần đây của Shell cho thấy đã có một "cuộc chiến" trong ban lãnh đạo tập đoàn này về tốc độ chuyển đổi năng lượng. Nếu các nhà đầu tư nhận thấy lợi nhuận chậm, áp lực từ các bên liên quan có thể sẽ tăng lên để có những hành động quyết đoán hơn. Nếu kế hoạch được cho là quá nhanh, các nhà đầu tư có thể sẽ lo lắng về tiềm năng thu lợi nhuận trung hạn. Tổng giám đốc điều hành Shell Ben van Buerden kỳ vọng sẽ tìm ra một sự kết hợp đảm bảo rằng công ty vừa có thể tạo ra lợi nhuận cốt lõi vừa hỗ trợ cho một tương lai "xanh" dựa trên tăng trưởng.

Hãng dầu khí BP đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích do đang bị tụt hậu so với các đối thủ Shell và Total về kế hoạch chuyển sang năng lượng carbon thấp. Tuy nhiên, các khoản nợ cao của hãng đồng nghĩa với việc phải tăng chi tiêu đáng kể cho dầu khí đến năm 2030. BP sẽ cần thuyết phục các nhà đầu tư rằng, họ vẫn có thể đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận trong ngắn, trung và dài hạn.

Nhìn rộng hơn, các công ty dầu khí lớn của châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với câu hỏi lớn trong năm 2021 là làm thế nào để hiện thực hóa kế hoạch giảm phát thải tuyệt đối đầy thách thức ở phía trước. Điều này sẽ đòi hỏi họ phải đầu tư dài hạn lớn vào lĩnh vực thu gom carbon, năng lượng hydro, các giải pháp môi trường và bù đắp sản lượng dầu khí và khí đốt mà các công ty có kế hoạch duy trì trong dài hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư sẽ không trông đợi vào các khoản đầu tư mới sẽ thúc đẩy thay đổi chiến lược căn bản theo hướng gia tăng NLTT. Lĩnh vực sản xuất vẫn là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư vì nó mang lại dòng tiền.

EI dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 60 USD/thùng vào cuối năm 2021, xong điều này vẫn đòi hỏi các công ty dầu khí thận trọng trong cách chi tiêu của mình. Các nhà đầu tư sẽ giám sát chặt chẽ cách đội ngũ quản lý ưu tiên hiệu quả tài chính, lợi nhuận của cổ đông và tái đầu tư.

Mỹ: các nhà đầu tư đang chờ đợi các giải pháp thuyết phục

Các công ty dầu khí lớn nhất của Mỹ hiện cũng đang trong năm chuyển tiếp, song có thể tránh được yêu cầu đi theo con đường "xanh" giống như các công ty dầu khí châu Âu. Đối với ExxonMobil, ngay cả khi giá dầu phục hồi như mong đợi, các vấn đề lâu nay của tập đoàn này sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn. Các nhà đầu tư ngày càng không hài lòng về việc tập đoàn thiếu các mục tiêu chiến lược rõ ràng. ExxonMobil sẽ gặp thách thức khi phải đưa ra các quan điểm mới thuyết phục các nhà đầu tư về khả năng duy trì trả cổ tức và đảo ngược tỷ suất lợi nhuận đang giảm dần. Nếu ban lãnh đạo của Exxon không đưa ra được những điểm mới thuyết phục và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh vốn hóa ngày cảng giảm, hãng sẽ rơi vào tình trạng trì trệ. Ngoài ra, ExxonMobil khó có thể tìm được các nhà đầu tư hài lòng với các mục tiêu phát thải mới được xây dựng cho năm 2025. Tại Mỹ, ExxonMobil và đối thủ Chevron cần chứng minh bằng những nỗ lực cụ thể trong vấn đề giảm phát thải trong hoạt động sản xuất dầu khí, đồng thời đảm bảo lợi nhuận tốt trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Chevron có lợi thế hơn khi bắt đầu tích cực giải ngân các khoản đầu tư vào lĩnh vực carbon thấp trong ngắn hạn. Về mặt sản xuất, điều này khiến Chevron phải ưu tiên lợi nhuận hơn trong chu kỳ đầu tư ngắn hạn ở lưu vực Permian, cũng như tránh tăng thêm chi phí và đầu tư mở rộng mỏ Tengiz ở Kazakhstan.

Các công ty dầu khí quốc gia: những con đường khác nhau

Các công ty dầu khí quốc gia (NOC) sẽ phải hoàn thiện hơn nữa chiến lược của mình, phản ánh nhu cầu khác nhau đối với từng chính phủ. NOC ngày càng nhận thức rõ những rủi ro và thách thức liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng không phải tất cả các chính phủ đều đặt ra những yêu cầu giống nhau đối với các NOC. Một số NOC sẽ cần đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng để đáp ứng các nhiệm vụ mới từ chính phủ. Số khác sẽ duy trì và thậm chí mở rộng trọng tâm vào sản xuất dầu khí truyền thống để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và bổ sung ngân sách ngay cả khi các dự án carbon thấp thay thế được đồng triển khai trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia.

Trong năm 2021, các tập đoàn ADNOC (UAE) và Qatar Petroleum cần được theo dõi chặt chẽ. Mặc dù hai hãng đều tự định vị là nhà sản xuất dầu khí "sống sót cuối cùng". Bất kể nhu cầu trong tương lai sẽ hình thành như thế nào, hai tập đoàn vẫn đang đẩy nhanh các kế hoạch phát triển nguồn lực nhằm tối đa hóa thị phần trong trung hạn trước khi nhu cầu tiêu thụ hydrocarbon bắt đầu suy giảm. Các quyết định của ADNOC và Qatar Petroleum trong năm nay sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về tốc độ gia tăng thị phần của họ. Đáng chú ý, hai tập đoàn này cũng đang thúc đẩy các dự án thu giữ và lưu trữ carbon khi nhận thấy khách hàng ngày càng lựa chọn các nguồn tài nguyên phát thải carbon thấp. Việc Saudi Aramco có thực hiện chiến lược carbon thấp, chi phí thấp của mình hay không cũng cần được theo dõi. Tỷ lệ trả cổ tức cao có thể hạn chế khả năng mở rộng sản xuất của tập đoàn này trong thời gian tới.

Ngoài ra, các NOC hàng đầu châu Á cũng sẽ được các chính phủ ưu tiên hơn. Sau khi khởi động kế hoạch phát triển 5 năm trong giai đoạn 2021 - 2025 vào tháng 3 tới, các tập đoàn dầu khí nhà nước hàng đầu Trung Quốc có thể nhận được những hướng dẫn rõ ràng hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới. Nhiều thông tin chi tiết sẽ được công bố trong những tuần tới về mức độ giảm phát thải khí của các NOC và mức độ quan tâm đến các dự án carbon thấp của họ trên cơ sở phát triển năng lượng “xanh” tại Trung Quốc.

Sở hữu mô hình hoạt động đa dạng, tập đoàn Petronas (Malaysia) đang được chú ý với chiến lược "con đường thứ ba" nhằm đáp ứng nhu cầu dầu khí ngày càng tăng trong nước, cũng như mở rộng đáng kể trong lĩnh vực NLTT.

Các công ty dầu khí độc lập: chờ đợi để vượt khó

Các công ty dầu khí độc lập đang phải đối mặt với một năm thiếu vốn và hợp nhất dựa trên khả năng tiếp cận vốn của họ. Mô hình thăm dò và sản xuất độc lập phải đối mặt với những thách thức về khả năng thanh toán trong cả ngắn và dài hạn. Sự suy thoái của thị trường trong năm 2020 một phần đã cho thấy, chỉ những công ty dầu khí độc lập quy mô lớn và ổn định tài chính mới có đủ khả năng chống chịu khủng hoảng. Tuy nhiên, khó khăn với các công ty dầu khí độc lập đang tăng gấp đôi khi thị trường nợ và vốn ngày càng chọn lọc hơn đối với các công ty đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó là áp lực phải giải quyết vấn đề khí thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một số công ty lớn có thể đối phó với những thách thức này tốt hơn. Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) đã gia tăng tại Mỹ và Canada, dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay. Các thương vụ M&A riêng lẻ có thể sẽ được ký kết ở khu vực Biển Bắc và một số khu vực khác. Tuy nhiên, việc tăng quy mô công ty sẽ không giải quyết được vấn đề thăm dò và sản xuất bằng cách thu hút thêm các nhà đầu tư. Điểm mấu chốt vẫn là kết quả tài chính hiệu quả và lợi nhuận cho cổ đông. Điều này có nghĩa là các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ phải hạn chế chi phí cho tăng trưởng sản xuất cho đến khi gánh nặng nợ của họ được giảm bớt và các cổ đông của họ nhận được các khoản thanh toán đến hạn.

Các công ty dầu khí ngoài khơi độc lập của Mỹ có thể sẽ phải đa dạng hóa hoạt động nếu các hạn chế về cho thuê đất hoặc khoan tại các tiểu bang của Mỹ đi vào hiệu lực. Các công ty lâu năm trong lĩnh vực thăm dò sẽ phải chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Các công ty như Wintershall Dea sẽ phải thể hiện cam kết giảm phát thải nhằm tìm kiếm nguồn hỗ trợ tín dụng công. Theo dự báo của EI, ngành dầu khí năm 2021 có thể không đạt được nhiều kết quả nổi bật, xong phát thải thấp và không phát thải trong sản xuất đang dần trở thành tiêu chuẩn công nghiệp mới trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.

Viễn Đông