Toàn cảnh cuộc chiến năng lượng Nga-phương Tây

15:36 | 13/03/2022

|
(PetroTimes) - Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo cấm nhập khẩu dầu khí của Nga. Ngay lập tức, nước Anh cũng theo chân Mỹ, nhưng các đồng minh châu Âu lại tỏ ra dè dặt do bị lệ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga. Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga trả đũa bằng việc cắt toàn bộ nguồn năng lượng hóa thạch cho châu Âu?
Toàn cảnh cuộc chiến năng lượng Nga-phương Tây

Thông báo này của Mỹ ngay lập tức đã có những tác động tiêu cực. Giá thùng dầu thô trên thị trường thế giới, vốn đã vượt ngưỡng kỷ lục hơn 130 đô la/thùng, sáng ngày 9/3 đã tăng thêm 2 đô la.

Nhưng giới quan sát cho rằng quyết định trên của Washington chỉ mang tính biểu tượng. Hoa Kỳ nhập khẩu rất ít dầu và khí đốt từ Nga. Do vậy, lệnh cấm vận này không mấy gì tác động đến nền kinh tế Mỹ, theo như giải thích của chuyên gia về năng lượng Pierre Terzian, chủ biên tuần báo Petrostratégies: “Mỹ có lẽ chỉ sẽ bị tác động rất ít, bởi vì họ là một nước sản xuất dầu lớn, và cũng là quốc xuất khẩu khí đốt lớn trên thế giới. Hơn nữa giá khí đốt tại Mỹ là chưa tới 5 đô la cho một foot khối khí, trong khi tại châu Âu, giá khí đốt hiện nay là 73 đô la/foot khối. Do vậy nền kinh tế Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng gì, còn châu Âu có nguy cơ sẽ bị đánh gục”.

Từ khi Nga bắt chiến dịch tại Ukraine ngày 24/2/2022, các nước phương Tây đều biết rằng biện pháp trừng phạt hiệu quả nhất chống lại Nga có lẽ chính là ngưng hoàn toàn nhập khẩu dầu khí, nguồn thu ngoại tệ chính của Nga. Đây là biện pháp cho đến giờ các nước thành viên khối EU từ chối nhắm đến, bởi một lẽ đơn giản: hiện tại, EU lệ thuộc vào 40% khí đốt, 27% dầu và 46% than đá của Nga. Tỷ lệ phụ thuộc này dao động tùy theo từng nước. Nhập khẩu khí đốt từ Nga vào Pháp chỉ chiếm có 17%, nhưng tại Đức là hơn 65%, Ba Lan 55% hay các nước Đông – Bắc Âu như Latvia hay Phần Lan là gần như 100%, nhưng có những nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hầu như không nhập khí đốt Nga, theo như số liệu từ Eurostat.

Vẫn theo nhận định của ông Pierre Terzian, nhìn chung, có một sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt Nga, khó thể mà thay thế được. Với 8 triệu thùng dầu bán ra mỗi ngày, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thứ hai, sau Ả Rập Xê Út. Về khí đốt, Nga đứng hàng đầu thế giới với 260 triệu m3 xuất khẩu mỗi ngày, trong đó 160 triệu m3 là sang châu Âu.

Và nguồn khí đốt này của Nga đi vào châu Âu thông qua ba đường ống dẫn chính : Yamal – Europe, đi qua ngả Belarus rồi đến Đức; Brotherhood – nối với Đức qua điểm trung chuyển Ukraine và Nord Stream cũng đi từ Nga sang Đức thông qua biển Baltic. “Những đường ống dẫn khí đốt này là điều cốt lõi trong chiến lược gây ảnh hưởng của Nga ở phương Tây. Trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga bị tố cáo giao khí đốt với một lượng tối thiểu cho châu Âu bằng đường ống dẫn đi qua Kiev, cũng có được một nguồn thu nhập khi cho phép trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ của mình”, theo như phân tích của bà Anna Creti, giáo sư Trung tâm địa chính trị về năng lượng, đại học Paris Dauphine.

Ngay từ khi lên cầm quyền từ năm 2000, khí đốt đã được Điện Kremlin sử dụng như là một công cụ địa chiến lược, vừa để phục hồi nền kinh tế đất nước, vừa là một vũ khí cho chính sách đối ngoại. Mỗi một lần xung đột xảy ra, Moscow không ngần ngại sử dụng khí đốt như là một công cụ dọa dẫm, đôi khi đi đến cả hành động triệt để “khóa vòi” cung cấp năng lượng như trong các lần xung khắc với Ukraine (2005), Estonia (2007), phong trào Maidan ở Ukraine (2015)… Và mỗi lần như thế giá khí đốt lại tăng vọt.

Cuộc chiến với Ukraine lần này không là một ngoại lệ. Ngay khi chiến dịch quân sự của Nga mở màn, giá năng lượng ở châu Âu đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2021. Điện Kremlin bị quy trách nhiệm có hành động thao túng này để bảo vệ các lợi ích địa chính trị của mình. Xung đột bùng nổ, áp lực buộc châu Âu phải từ bỏ nguồn năng lượng để gây sức ép với Nga, đặt EU trước một bài toán hóc búa.

Liệu khối 27 nước thành viên có thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga? Bà Catherine MacGregor, CEO tập đoàn khai thác và cung cấp năng lượng Engie, cảnh báo, sự phụ thuộc này khó thể ngưng trong một sớm một chiều mà không có sự chuẩn bị, không có một giải pháp thay thế. Bà giải thích: “Vấn đề thật sự nằm ở điều chúng tôi cho là ở trung hạn, nghĩa là, cho mùa đông sắp tới. Bởi vì, vào cuối mùa đông này, kho dự trữ đã bị cạn, và do vậy người ta phải đợi đến mùa hè để lấp đầy kho dự trữ. Nếu như một quyết định ngưng mua khí đốt Nga được đưa ra, thì việc tích trữ khí đốt sẽ gặp khó khăn, nguồn dự trữ sẽ bị thiếu và đầu mùa đông tới, chúng ta sẽ không có đủ khí đốt so với những năm trước đây”.

Mặt khác, cấm vận hoàn toàn khí đốt Nga gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số nước thành viên, đặc biệt là Đức, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt (55%), dầu hỏa (42%) và than đá từ Nga để chạy các nhà máy điện. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong vòng 3 tuần tới Đức chỉ còn có vài ngày có điện do ban hành cấm vận?”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock chất vấn. Cũng theo bà, “dù ngày mai, tại Đức và châu Âu, ánh đèn bị tắt, vậy điều đó có ngăn chặn được các xe tăng Nga hay không?” Còn theo lời Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, lệnh cấm vận dầu khí Nga “có nguy cơ đe dọa an bình xã hội” Đức.

Trong bối cảnh này, việc thay thế khí đốt Nga và nhiều nguồn nhiên liệu khác trong ngắn và trung hạn là khó thực hiện. Nhưng EU cũng ý thức được rằng cần phải giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt Nga, ít nhất là 2/3 từ đây đến cuối năm. Nhưng bằng cách nào? Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng? Theo giới quan sát, nguồn cung thì nhiều, nhưng khó bù đắp vào khoản thiếu hụt to lớn, và chưa tính đến yếu tố cơ sở hạ tầng. EU có thể quay sang các nhà cung cấp nội bộ như Hà Lan, Na Uy, hay ngoài châu Âu như Algeri hay Azerbaidjan… Nhưng những nguồn cung này chỉ có thể cung cấp cho EU một khối lượng nhỏ, khoảng gần 10 tỷ m3 trong tổng số cầu là hơn 155 tỷ m3.

EU cũng có thể trông cậy vào Mỹ và Qatar với nguồn khí hóa lỏng LNG để thay thế khoảng 20 tỷ m3 khối khí ga. Tuy nhiên, ngày 22/2/2022, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Saad Sherida al-Kaabi cảnh báo, EU chớ có quá kỳ vọng vào nước này để thay thế hoàn toàn nguồn cung ứng Nga. Ông nói: “Nhiều nước cho rằng Qatar có thể cung cấp và thay khí đốt Nga, nhưng tôi đã từng tuyên bố chính thức rằng nước Nga bảo đảm từ 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu, tôi nghĩ không một nước nào có thể thay thế được ngần ấy khối lượng. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp những gì sẵn có cho châu Âu. Chúng tôi sẽ làm mọi khả năng để giúp cho châu Âu”.

Ngoài ra, việc EU dồn sang mua LNG có nguy cơ làm tăng thêm giá nguồn nhiên liệu này trên thị trường thế giới do có sự cạnh tranh mạnh mẽ về nhu cầu với các nước châu Á, theo như phân tích của bà Anne Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu Centre on Global Energy Policy, trường đại học Columbia. “Người ta sẽ phải nói với những nước khác rằng "chúng tôi cần khí hóa lỏng để thay thế khí đốt tự nhiên của Nga. Quý vị vui lòng cung cấp chúng cho chúng tôi". Đây cũng là những gì đang diễn ra. Giá bán LNG cho châu Âu cao hơn ở châu Á đến mức đã có hiện tượng đổ xô LNG sang châu Âu hồi tháng Giêng và Hai vừa qua. Có điều châu Âu còn muốn nhiều hơn nữa và một cách lâu dài. Điều này đang đặt ra một câu hỏi lớn, nghĩa là "châu Âu sẽ phải hành xử ra sao đối với LNG? Liệu EU có thể mua LNG từ những nước khác một cách ổn định? Liệu châu Âu có ký kết hợp đồng dài hạn cho khí hóa lỏng được không?”

Một khó khăn khác không kém phần quan trọng: Cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, cất trữ và tái xử lý LNG. Nếu như Pháp có đến 4 kho cảng biển cho LNG, thì nước Đức lại không có đến một cơ sở nào. Trong tình cảnh này, ngày 5/3, Berlin vội vã thông báo cấp tốc xây dựng kho cảng đầu tiên ở miền bắc nước Đức. Giới chuyên gia lưu ý, việc xây dựng một kho cảng biển tái xử lý LNG đòi hỏi nhiều năm thi công.

Ông Thierry Bros, giáo sư trường Khoa học Chính trị Sciences Po, chuyên gia về năng lượng, cho rằng đây là một thất bại của người tiền nhiệm: “Khi xem xét các cơ sở tái khí hóa, chúng ta chỉ thấy chúng tại một vài nước có đường biên giới trên biển. Đức đúng là đã trì hoãn và đã quyết định hoãn xây dựng các cơ sở này. Đây chính là một thất bại về chính sách của bà Merkel trong vòng 15 năm qua”.

Vậy còn nguồn dầu thì sao? EU có thể tìm kiếm các nguồn thay thế ở đâu, nếu cấm vận dầu Nga? Về điểm này, ông Thierry Bros nhận định: “Khí là một loại nhiên liệu mà người ta đánh giá là không thể "sờ mó" được, nghĩa là khí đi từ Nga đến châu Âu, nó không thể đi đâu khác được. Nếu chúng ta ngưng cuộc trao đổi mậu dịch này, thì khí đốt cũng sẽ không rẽ hướng sang châu Á hay các thị trường khác được. Ngược lại, dầu thì rất khác. Chúng ta có thể hình dung nếu cấm vận dầu Nga, một phần lớn dầu Nga có thể chuyển hướng sang châu Á, và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều do giá bán rất rẻ. Đó là những gì chúng ta đang thấy trên các thị trường giao dịch, mà giá dầu thô của Nga rẻ hơn rất nhiều so với dầu đến từ vùng Biển Bắc. Đổi lại, chúng ta sẽ phải mua lượng dầu bị thiếu hụt từ Ả Rập Xê Út hay các nước sản xuất khác với giá cao hơn”.

Ủy ban Châu Âu thẩm định có thể giảm đến 2/3 mức nhập khẩu về khí đốt của Nga ngay từ năm nay, nếu khối này quyết định đa dạng hóa các nguồn cung và đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thông qua lời giám đốc điều hành, Fatih Birol, ước tính rằng với kế hoạch trung hòa khí cac-bon từ đây đến năm 2050 của EU được thông qua hồi đầu năm, nếu châu Âu có thể triển khai ồ ạt các nguồn năng lượng như mặt trời, điện gió, sinh khối cùng với thủy điện và có thể đạt thêm sản lượng 35TWh hơn dự kiến, thì khối này có khả năng bỏ qua được khoảng 6 tỷ m3 khí của Nga. Và nhất là, nếu có thể, IEA khuyến nghị các nước thành viên xem xét hoãn các kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, một nguồn năng lượng giờ được cho là ít thải khí các-bon nhất.

Cuối cùng, một trong số các giải pháp được cho là triệt để và khó thể bỏ qua cũng được giới báo chí và chuyên gia Pháp những ngày qua nhắc nhiều đến: Tiết kiệm năng lượng. Hạ nhiệt 1°C hệ thống sưởi ấm các tòa nhà và khu dân cư cho phép tiết kiệm được khoảng 10 tỷ m3. Để cho biện pháp này có hiệu quả năng lượng cao, việc xử lý cách nhiệt tốt giúp giảm bớt một lượng tiêu thụ khí đốt thêm 2 tỷ m3. Liệu dân Pháp có sẵn lòng vì người dân Ukraine, giảm bớt tiêu thụ khí đốt và nguyên nhiên liệu, chịu lạnh thêm 1°C cho mùa đông tới?

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga trả đũa bằng việc cắt toàn bộ nguồn năng lượng hóa thạch cho châu Âu? Theo ông Thomas Pellerin-Carlin, giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện Jacques-Delors, trước mắt không hề gì, vì mùa đông sắp qua, lượng khí đốt dự trữ đủ dùng đến tháng 11/2022. Vấn đề là chuẩn bị cho mùa đông năm tới. Châu Âu đề ra kế hoạch REPowerEU nhằm đạt được tự chủ năng lượng trước 2030, với một loạt biện pháp khẩn cấp. Ủy ban châu Âu cũng dự định buộc các thành viên phải dự trữ dưới lòng đất ít nhất 90% nhu cầu vào ngày 1/10 hàng năm.

Cuộc chiến năng lượng Nga - EU khó bề giải quyết?Cuộc chiến năng lượng Nga - EU khó bề giải quyết?
Cuộc chiến năng lượng khốc liệt ở Trung ÁCuộc chiến năng lượng khốc liệt ở Trung Á
Những cuộc chiến vì năng lượng nào sắp diễn ra?Những cuộc chiến vì năng lượng nào sắp diễn ra?

H.Phan

AFP