Tin Thị trường: Thuế carbon của EU ảnh hưởng đến LNG toàn cầu

15:01 | 25/03/2024

|
(PetroTimes) - Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại khi các cuộc tập kích UAV vào các cơ sở lọc dầu Nga tiếp diễn; Thuế carbon của EU ảnh hưởng đến thị trường LNG toàn cầu;...
Tin Thị trường: Thuế carbon của EU ảnh hưởng đến LNG toàn cầu

Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại

Giá dầu thế giới hôm nay tăng trở lại trong bối cảnh Ukraine tiếp tục tấn công loạt nhà máy lọc dầu tại Nga. Các nguồn tin cho biết Mỹ đã cảnh báo Ukraine về việc ngưng tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga vì điều này có thể gián tiếp đẩy giá dầu tăng cao.

Cụ thể, vào đầu giờ sáng nay 25/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 85,66 USD/thùng trong khi giá dầu thô Mỹ WTI đạt 80,88 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã giảm nhẹ, chưa đến 1%, sau khi đạt mức đỉnh 4 tháng.

Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, có ít nhất 15 nhà máy lọc hóa dầu và kho chứa dầu trên khắp nước Nga đã bị tấn công, bao gồm cả các nhà máy đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực hóa dầu của nước này. Một số nhà máy hiện chỉ hoạt động từ 50 - 70% công suất thiết kế, thậm chí ở mức thấp hơn để sửa chữa, gây tác động lớn đến nguồn cung các sản phẩm dầu thành phẩm.

Hãng tin Reuters mới đây ước tính, các cuộc tấn công của Ukraine đã khiến Nga mất đi khoảng 7% tổng công suất lọc hóa dầu trong Quý I/2024 và có thể sẽ cần nhiều thời gian để Nga khắc phục mức thiệt hại trên.

Tờ Financial Times dẫn nguồn tin cho biết, Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Ukraine ngưng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga do lo ngại về tác động tiềm tàng đối với giá dầu toàn cầu. Theo hãng phân tích thị trường hàng hóa StoneX, các cuộc tấn công của Ukraine vào Nga đang khiến nguồn cung xăng dầu thành phẩm trên toàn cầu giảm khoảng 350.000 thùng/ngày và giá dầu thô tại Mỹ tăng thêm khoảng 3 USD/thùng.

Đồng quan điểm, hãng nghiên cứu kinh tế SEB Research cảnh báo, ngay cả khi các cuộc tấn công của Ukraine chưa khiến công suất lọc hóa dầu tại Nga giảm mạnh thì cũng gây ra hiệu ứng lan tỏa, đẩy mặt bằng giá xăng dầu toàn cầu tăng lên do các nhà nhập khẩu lo ngại rủi ro suy giảm nguồn cung.

Nga tăng tốc xây dựng đường ống khí đốt mới

Gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga đang bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá hàng tỷ USD, mở rộng nguồn cung để đáp ứng các cam kết xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bắc Kinh là một trong những trọng tâm trong nỗ lực của Moscow nhằm mở rộng xuất khẩu khí đốt sang các thị trường khác sau khi Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu nhiên liệu của Nga - liên quán tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Gazprom cho biết, đường ống mới sẽ liên kết hai mạng lưới hiện có, bao gồm đường ống Power of Siberia 1 ở Đông Siberia và đường ống Sakhalin - Khabarovsk - Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. Đường ống mới dài 828 km sẽ chạy từ Khabarovsk đến thị trấn Belogorsk ở vùng Amur, nơi nó sẽ kết nối với đường ống Power of Siberia 1.

Gazprom không tiết lộ cụ thể về dự án đường ống khí đốt mới, đặc biệt là các khoản đầu tư ước tính, vì chính phủ cho phép tập đoàn giữ kín thông tin.

Việc xây dựng đường ống được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó công việc do nhà thầu xây dựng chính của Gazprom là Gazstroyprom và các đối tác GSP-1, GSP-2 và GSP-7 quản lý.

Theo hai hợp đồng do Gazprom ký với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Nga sẽ cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm chỉ từ hai mỏ - Chayanda và Kovykta - thông qua đường ống Power of Siberia 1 từ năm 2025 trở đi. Đồng thời, cung cấp 10 tỷ m3 mỗi năm thông qua một nhánh của đường ống Sakhalin - Khabarovsk - Vladivostok sang Trung Quốc.

Thuế carbon của EU ảnh hưởng đến thị trường LNG toàn cầu

Thị trường LNG toàn cầu có thể phải đối mặt với sự thay đổi lớn về giá cả và dòng chảy thương mại vào cuối thập kỷ này nếu Liên minh châu Âu đưa LNG vào loại thuế biên giới carbon của mình.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM), thường được gọi là "thuế biên giới carbon", đã được đưa ra vào ngày 1/10 năm ngoái trong giai đoạn chuyển tiếp đầu tiên để nhập khẩu một số nhóm sản phẩm sử dụng nhiều carbon vào Liên minh châu Âu.

LNG hiện không bị áp thuế biên giới carbon, vì vậy hàng nhập khẩu hiện không bị đánh thuế bổ sung. Tuy nhiên, EU đã mở rộng Chương trình mua bán khí thải (ETS) sang vận chuyển, điều đó có nghĩa là hàng hóa LNG vào Châu Âu sẽ phải chịu thuế carbon từ năm 2024.

Các nhà phân tích của Wood Mackenzie viết trong một báo cáo: "Hiện tại, dự thảo đầu tiên chỉ đề cập đến các hợp đồng nhập khẩu LNG mới, nhưng không thể loại trừ thuế metan đối với tất cả hàng nhập khẩu LNG vượt quá giới hạn xác định". WoodMac lưu ý rằng EU có thể tiến xa hơn và đưa LNG vào CBAM, đặt thuế nhập khẩu theo giá carbon hiện hành trong ETS.

Bình An