Tin Thị trường: Giá dầu chịu áp lực từ việc đồng USD tăng vọt
Ảnh: OP |
Giá dầu chịu áp lực từ việc đồng USD tăng vọt
Tính đến đầu giờ chiều 7/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 71,82 USD/thùng - tăng 0,18%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 75,14 USD/thùng - tăng 0,29%.
Theo Reuters, cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đã kéo theo một đợt bán tháo lớn khiến giá dầu có thời điểm giảm hơn 2 USD trong phiên giao dịch ngày 6/11 khi đồng USD tăng mạnh. Đồng USD mạnh đồng nghĩa với các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, gây sức ép lên giá.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group nhận thấy, mọi sự phấn khích và nhiệt tình bán ra ban đầu đã giảm dần. Theo nhà phân tích này, trong ngắn hạn khả năng tăng giá sẽ cao hơn là khả năng giảm giá. Ông cũng cho biết giá dầu biến động trong biên độ nhỏ do các nhà đầu tư đã chú ý nhiều hơn đến triển vọng cung cầu trong ngắn hạn.
Còn theo ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, thị trường dầu đã có phản ứng thái quá đối với kết quả bầu cử và chiến thắng của ông Donald Trump. Tuy nhiên, hạn chế giá dầu giảm là yếu tố xung đột ở Trung Đông.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử cũng có thể có nghĩa là lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela sẽ được gia hạn.
Giá khí đốt duy trì xu hướng tăng nhẹ
Giá khí đốt hôm nay tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do lo ngại về cơn bão tại Vịnh Mexico có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.
Tính đến đầu giờ chiều 7/11 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới tăng nhẹ 0,07%, đạt mức 2,749 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí giao tháng 12/2024.
Giá khí đốt tương lai của Mỹ đã tăng trở lại do lo ngại về cơn bão nhiệt đới Rafael hướng về Vịnh Mexico. Việc cơn bão này có thể gây gián đoạn nguồn cung đã khiến giá khí đốt tăng từ mức đáy gần đây là 2,514 USD. Đợt tăng giá này diễn ra sau một chuỗi ngày giảm giá do nhu cầu yếu vì thời tiết ôn hòa trên khắp nước Mỹ.
Trong nửa đầu năm 2024, LNG của Mỹ chiếm gần một nửa lượng nhập khẩu của Châu Âu. Bất chấp những cuộc tranh luận về việc phê duyệt các dự án LNG mới, chính quyền Mỹ vẫn cam kết duy trì xuất khẩu để hỗ trợ thị trường toàn cầu.
Xuất khẩu khí đốt giúp ổn định giá trong nước, đặc biệt khi nhu cầu tại Mỹ yếu do thời tiết ôn hòa. Hoạt động giao dịch khí đốt tự nhiên đạt kỷ lục mới với số lượng hợp đồng mở cao nhất từ trước đến nay. Theo CME Group, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, nhấn mạnh sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với thị trường khí đốt.
Nguồn cung dầu giá rẻ của Iran tới Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Iran, chiếm khoảng 13% lượng dầu nhập khẩu của quốc gia mua dầu lớn nhất thế giới, nếu Donald Trump tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt đối với Tehran sau khi ông trở lại Nhà Trắng.
Nhiều dự đoán cho rằng, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình, ông Trump sẽ tái áp dụng "chính sách gây sức ép tối đa", đồng nghĩa với việc tăng cường trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran vì lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này.
Một động thái như vậy sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu của Trung Quốc, gây áp lực lên ngành lọc dầu vốn đang phải chật vật với nhu cầu nhiên liệu thấp và biên lợi nhuận thu hẹp, với các nhà máy lọc dầu tư nhân sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran, cuối cùng dẫn đến việc dừng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vào cuối năm 2019, các nhà máy lọc dầu nhỏ của Trung Quốc đã tham gia với tư cách là khách hàng mua dầu thô Iran giá rẻ, lấp khoảng trống do các công ty dầu khí nhà nước của nước này để lại khi thận trọng với lệnh trừng phạt của Mỹ, giúp tiết kiệm được hàng tỷ USD và củng cố vị thế của Trung Quốc là thị trường dầu mỏ hàng đầu của Tehran.
Trên thực tế, Trung Quốc và Iran đã xây dựng một hệ thống giao dịch chủ yếu sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và một mạng lưới trung gian, tránh sử dụng đồng USD và tránh tiếp xúc với các cơ quan quản lý của Mỹ, khiến việc thực thi lệnh trừng phạt trở nên khó khăn.
Bình An
- OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu trong tháng thứ 5 liên tiếp
- Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/12: Giá dầu WTI cho thấy xu hướng tăng mạnh
- Vì sao thăm dò khí đốt ngoài khơi Bangladesh chưa thu hút được các công ty nước ngoài?
- Ả Rập Xê-út tăng khai thác khoáng sản, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ
- ExxonMobil thúc đẩy dự án P'nyang, hướng tới sự thống trị LNG