Mỹ dỡ bỏ trừng phạt dầu mỏ Iran?

10:56 | 08/06/2021

|
(PetroTimes) - Trong khi Mỹ đang dự tính quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời Iran tuyên bố sắp được quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, Bộ Năng lượng Mỹ công bố thương vụ mua dầu đầu tiên của Iran trong vòng 30 năm qua. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran chăng?
Mỹ dỡ bỏ trừng phạt dầu mỏ Iran?
Đàm phán về chương trình hạt nhân Iran

Dấu hiệu lịch sử

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 28-5 điều có thể là một dấu hiệu lịch sử trên thị trường dầu mỏ toàn cầu: Tháng 3-2021, lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, Mỹ mua 1,033 triệu thùng dầu thô từ Iran, dù khối lượng khiêm tốn so với các nhà cung cấp “vàng đen” hàng đầu cho Mỹ (Canada 139.869 triệu thùng; Nga 22.938 triệu thùng; Mexico 17.616 triệu thùng).

Lượng dầu mà Mỹ mua của Nga cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2009. Các chuyên gia giải thích, đó là do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, nhà cung cấp dầu nặng chính cho Mỹ. Trong trường hợp không có hàng từ Venezuela, các nhà máy lọc dầu của Mỹ phải tìm kiếm một giải pháp thay thế. Dầu thô Urals của Nga là nguồn thay thế tốt nhất cho dầu thô của Venezuela. Ngoài ra, tỷ lệ giá/chất lượng dầu thô của Nga rất hấp dẫn và việc mua dầu thô của Nga không bị trừng phạt.

Nhưng trong trường hợp của Iran, bối cảnh quốc tế mới là vấn đề đáng quan tâm chứ không phải con số. Giao dịch này được công khai trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang tiến triển tích cực. Các nhà ngoại giao Mỹ, châu Âu và Iran đã nói với truyền thông rằng, họ đang tiến tới, trừ khi bị bất ngờ, một thỏa thuận về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, điều này sẽ thúc đẩy nguồn cung dầu thô toàn cầu. “Chúng tôi rất tự tin rằng một thỏa thuận sẽ đạt được”, một quan chức của EU nói với Reuters.

Vấn đề cuối cùng hiện nay là Mỹ có chính thức trở lại bàn đàm phán về Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hay không? Mặt khác, trong khi các bên vẫn đang đàm phán, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran đã được dỡ bỏ. “Các cuộc đàm phán ở Vienna liên quan đến các vấn đề nhỏ. Họ (các quốc gia trong JCPOA) đã đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các lĩnh vực dầu mỏ và hàng hải của Iran, cũng như các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran và những tổ chức, cá nhân khác”, ông Rouhani thông báo vào ngày 20-5-2021 trong bài phát biểu trước Hội đồng Bộ trưởng.

Tuy nhiên, Iran sau đó thông báo rằng không có dữ liệu chính thức về nguồn cung dầu của Iran cho Mỹ như EIA đã công bố.

Mỹ dỡ bỏ trừng phạt dầu mỏ Iran?
Minh họa về dầu mỏ Iran

“Thất bại ngoạn mục”

Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran, Iran đã không công bố bất kỳ số liệu nào về xuất khẩu dầu của mình để không tiết lộ cung cấp dầu cho ai. Ước tính của một số công ty tư vấn là dựa trên dữ liệu về khai thác, dung lượng các bể chứa, việc cung cấp thiết bị và hoạt động vận tải biển. Theo ước tính của Fereidun Fesharaki, Chủ tịch kiêm người sáng lập Tập đoàn tư vấn FGE, xuất khẩu dầu của Iran trong tháng 5-2018 lên tới 3,2 triệu thùng/ngày, đã sụt xuống mức tối thiểu là 606.000 thùng/ngày vào tháng 2-2020.

Tháng 3-2021 được đánh dấu không chỉ bởi thương vụ mua dầu lịch sử của Mỹ với Iran, mà theo FGE, còn bởi sự gia tăng đáng kể xuất khẩu hydrocarbon từ Iran, từ sau mùa thu năm 2020 đã tăng lên 1,7 triệu thùng/ngày.

Thực tế là các lệnh trừng phạt không đạt được mục tiêu chấm dứt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Christopher S. Murphy gọi đó là “sự thất bại thảm hại của một chính sách trừng phạt.

“Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhưng các đối tác của chúng ta, thay vì hành động như Mỹ, thực sự đứng về phía Iran để giúp Iran hoạt động ngay cả bằng cách lách các lệnh trừng phạt của chúng ta” - ông Murphy tuyên bố tại diễn đàn Viện Trung Đông.

Theo thượng nghị sĩ Murphy, chiến dịch áp dụng các biện pháp trừng phạt mới do ông Donald Trump phát động nhằm vào Iran là một “thất bại ngoạn mục”.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc

Một tổ chức khác của Mỹ, United Against Nuclear Iran (UNAI), nói với New York Times rằng hầu hết lượng dầu xuất khẩu của Iran kể từ năm 2020 đều đến Trung Quốc.

Vào tháng 3-2021, theo UNAI, Trung Quốc đã mua gần 1 triệu thùng dầu của Iran. Syria, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Malaysia là 3 khách hàng lớn khác của Iran.

Fereidun Fesharaki, người sáng lập FGE, cho biết thêm rằng các nhà máy lọc dầu nhỏ của Trung Quốc mua nhiều dầu của Iran nhất với mức giá rất rẻ, lợi nhuận cao hơn, bất chấp nguy cơ phải phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

New York Times cho biết thêm, sự không hài lòng của Mỹ đối với việc Trung Quốc nhập khẩu dầu của Iran đã được bày tỏ trong cuộc họp với giới ngoại giao Trung Quốc từ ngày 18-19-3-2021 tại Anchorage. Cuộc gặp ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, lời kêu gọi của Washington yêu cầu Bắc Kinh ngừng mua dầu từ Iran dường như ít được các nhà chức trách và công ty của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lắng nghe.

Theo các nguồn tin thương mại, các nhà máy lọc dầu châu Âu đã đánh giá lại việc mua dầu thô để nhường chỗ cho dầu Iran trong nửa cuối năm 2021, với dự đoán Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Theo một nhà phân tích của tổ chức PVM, sự xuất hiện của nguồn cung dầu Iran không khiến OPEC lo lắng, bởi nhu cầu sẽ phục hồi trong những tháng tới.

Tháng 3-2021, lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, Mỹ mua 1,033 triệu thùng dầu thô từ Iran, dù khối lượng khiêm tốn so với các nhà cung cấp “vàng đen” hàng đầu cho Mỹ (Canada 139.869 triệu thùng; Nga 22.938 triệu thùng; Mexico 17.616 triệu thùng).

S.Phương