Liệu than có giúp châu Âu vượt khủng hoảng năng lượng?

08:39 | 01/08/2022

|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, các nước EU đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nguồn cung. Lúc này, than đá dường như là một giải pháp khi mùa đông đang cận kề. Do đó, châu Âu đang tăng nhập khẩu than.
Liệu than có giúp châu Âu vượt khủng hoảng năng lượng?

Than càng ngày càng phổ biến ở châu Âu, do được nhập vào để đối phó với vấn đề khủng hoảng năng lượng. Người dân châu Âu phải tạm gạt đi tầm nhìn xanh của họ để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện thời. Vì vậy, than là lựa chọn duy nhất trong ngắn hạn.

Mặc dù Nga đã đưa dòng khí đốt trở lại với Đức sau 10 ngày bảo trì ống dẫn khí Nord Stream 1, nhưng những lo ngại về nguồn cung vẫn còn. Ngoài ra, EU đã thông qua một biện pháp khẩn cấp buộc các quốc gia thành viên phải giảm 15% mức tiêu thụ khí.

Để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, châu Âu đã tăng cường nhập khẩu than. Hiện EU đang đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng để thay thế Nga.

Tình hình hiện tại ở châu Âu

Nhiệt điện than vốn là một nguồn gây ô nhiễm rất lớn. Hiện châu Âu vẫn đang cố gắng loại bỏ than nhằm đáp ứng các cam kết về về ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, EU đã bị dồn vào chân tường, khiến họ phải quay trở lại với than đá, và xu hướng này đang tăng dần. Trong tháng 6/2022, các nước châu Âu đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn than nhiệt, gấp đôi so với năm ngoái. Tuy vậy, lượng than nhập khẩu trong tháng 6 vẫn thấp hơn 2 triệu tấn khi so với số liệu của tháng 4 và tháng 5.

Hiện Đức đã quyết định kéo dài tuổi thọ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cho đến tháng 3/2024.

Theo báo cáo của Ngân hàng ING: “Ba Lan và Đức có thể thay khí đốt ra bằng cách vận hành hết công suất các nhà máy nhiệt điện than, với điều kiện họ trữ đủ than”.

Đa dạng nguồn cung cấp

Lượng than xuất khẩu từ Úc, Nam Mỹ, Colombia và Nam Phi đến châu Âu tăng lên.

Ví dụ, trong tháng 6, châu Âu nhập khẩu tận 1,2 triệu tấn than từ Colombia, theo công ty vận tải Braemar. Trong khi năm ngoái, cũng cùng thời gian này, chỉ có 287.000 tấn than được nhập khẩu. Những cơn mưa lớn cản trở hoạt động sản xuất cũng không ngăn cản được các chuyến hàng.

Trong những tháng gần đây, châu Âu đã tăng mua than nhiệt từ Úc. Tháng 6/2022, mức nhập khẩu cao nhất được ghi nhận là 1,1 triệu tấn than.

Còn Mỹ thì cung cấp 618.000 tấn than cho châu Âu. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận từ hồi tháng 1.

Ngoài ra, Nam Phi cũng gửi khoảng 854.000 tấn đến châu Âu trong tháng 6. Trong khi năm ngoái, không có chuyến hàng than nào đi đến châu Âu. Các nước châu Âu thậm chí phải nhờ đến các nhà cung cấp toàn cầu nhỏ từ châu Phi như Mozambique, Namibia và Nigeria.

Nền tảng dữ liệu hàng hải và hàng hóa Shipfix cũng ghi nhận ​​gia tăng lượng than nhập khẩu từ Indonesia đến châu Âu trong những tuần gần đây.

Dù cho có chất lượng than tương đương với than của Nga, các nhà sản xuất Úc, Mỹ hoặc Nam Phi sẽ không thể lấp đầy khoảng trống do Nga để lại. Nguyên nhân đến từ nhu cầu trong nước và cạnh tranh toàn cầu về nguồn cung.

Tiếp tục tẩy chay Nga

70% than dùng trong sản xuất điện toàn châu Âu được nhập khẩu từ Nga. Tuy vậy, từ giờ người dân châu Âu phải thích ứng với lệnh cấm nhập khẩu than mới của EU. Lệnh cấm này có hiệu lực từ giữa tháng 8.

Do đó, các nước châu Âu đang giảm dần hoạt động nhập khẩu hàng từ Nga. Trong tháng 6/2022, lượng hàng nhập khẩu chỉ đạt mức 2,3 triệu tấn. Theo dữ liệu của Braemar, đây là mức thấp nhất trong vòng 12 tháng qua.

Ngoài ra, Shipfix cho biết, trong tuần từ ngày 18/7, không hề có đơn đặt hàng nào cho than nhiệt Nga. Lệnh cấm của EU đang bắt đầu có hiệu lực.

Theo các nhà phân tích, hoạt động nhập khẩu của các nước thành viên EU và Anh dự kiến ​​sẽ tăng thêm vào năm tới, đạt mức 43%.

Do đó, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ gây tổn hại đáng kể đến hệ sinh thái. Các nhà phân tích ước tính cơn sốt than sẽ thải thêm 10 triệu tấn CO2 vào trong hệ khí quyển.

Liệu chuyển dịch năng lượng có giải quyết được khủng hoảng?Liệu chuyển dịch năng lượng có giải quyết được khủng hoảng?
Những gì diễn ra ở Ả rập Saudi đã làm hài lòng Tổng Thống Mỹ BidenNhững gì diễn ra ở Ả rập Saudi đã làm hài lòng Tổng Thống Mỹ Biden
EC sẽ không áp đặt giới hạn giá dầu NgaEC sẽ không áp đặt giới hạn giá dầu Nga

Ngọc Duyên

AFP