Dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng cho dự án LNG lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương

17:14 | 08/11/2024

|
(PetroTimes) - Tập đoàn năng lượng quốc gia Petronas của Malaysia đã dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng về nguồn cung khí đốt cho MLNG Dua, một trong bốn dự án hóa lỏng tạo nên Khu phức hợp LNG Petronas gồm chín đơn vị sản xuất với công suất hơn 29 triệu tấn mỗi năm tại Bintulu, Sarawak.
ADNOC cung cấp khí đốt cho Đức từ dự án LNG mớiADNOC cung cấp khí đốt cho Đức từ dự án LNG mới
Phía sau việc Châu Âu tăng cường dự trữ LNG trước mùa đôngPhía sau việc Châu Âu tăng cường dự trữ LNG trước mùa đông
Dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng cho dự án LNG lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương
Ảnh Reuters

Hôm thứ Năm 7/11, Petronas cho biết công ty vui mừng thông báo về việc dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng về nguồn cung khí đốt cho MLNG Dua, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11.

“Quyết định này được đưa ra sau khi Jerun và Kasawari được đưa vào vận hành thành công vào đầu năm nay, đây là hai mỏ khí mới ở Sarawak hiện đang cung cấp nguồn khí đốt đầu vào đáng tin cậy cho dự án này”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Vào tháng 9 năm 2022, Petronas đã tuyên bố bất khả kháng về nguồn cung khí đốt đến MLNG Dua, sau sự cố sụt lún trên một đoạn Đường ống dẫn khí Sabah-Sarawak (SSGP) – đoạn đường ống vận chuyển khí đốt từ các mỏ ngoài khơi Sabah cho MLNG.

Song song với công tác sửa chữa đó, công ty đã tiến hành điều tra về tình trạng gián đoạn nguồn cung cho dự án MLNG Dua có công suất hóa lỏng là 9,6 triệu tấn/năm.

Sau đó, công ty đưa ra quyết định không sử dụng SSGP dài 512 km để cung cấp khí đốt cho MLNG nữa — đường ống chính có đường kính 36 inch có công suất 750 triệu feet khối khí đốt mỗi ngày.

Khi cân nhắc có nên chuyển hướng SSGP quanh khu vực sụt lún hay không, Giám đốc điều hành Petronas, Tengku Muhammad Taufik, trước đó đã nói: “Về việc chuyển hướng đường ống, chúng tôi đã cân nhắc điều này… trên thực tế, điều đó có lẽ sẽ an toàn hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với việc đưa nguồn cung cấp thay thế.”

MLNG Dua có hợp đồng bán hàng dài hạn với nhiều khách hàng, trong đó có các công ty Nhật Bản như Mitsubishi, cũng là đối tác của dự án, và Tohoku Electric.

Petronas cho biết thêm rằng công ty xin gửi lời “cảm ơn chân thành” tới các bên liên quan, đối tác và khách hàng vì sự tin tưởng và hợp tác trong suốt thời gian xảy ra tình trạng bất khả kháng.

“Nhìn về phía trước, Petronas tái khẳng định cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng, đảm bảo nguồn cung LNG ổn định và đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu năng lượng của khách hàng.”

Petronas nắm giữ 80% cổ phần do MLNG Dua điều hành, trong khi Mitsubishi và chính quyền bang Sarawak mỗi bên nắm giữ 10% cổ phần.

Yến Anh

Upstream