Châu Âu phải làm gì để đạt mục tiêu không phát thải?

12:22 | 11/12/2020

|
(PetroTimes) - Công ty tư vấn McKinsey mới đây đã xuất bản báo cáo "Sự cân bằng không phát thải ở châu Âu: Những con đường khử carbon và ý nghĩa kinh tế xã hội" nhằm đề xuất với các nhà hoạch định chính sách của EU những cách thức tối ưu về kinh tế - xã hội để đạt được các mục tiêu về khí hậu, bao gồm giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và không phát thải ròng carbon vào năm 2050.

Nhóm tác giả của báo cáo cho biết, tổng lượng khí thải của EU trong năm 2017 là 3,9 gigatonnes CO2 quy đổi, chiếm 7% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, những thành tựu về trung hòa carbon của EU có thể là một ví dụ điển hình để kích thích các nền kinh tế khác hành động quyết liệt hơn. Theo McKinsey, 28% lượng khí thải của EU đến từ lĩnh vực giao thông vận tải, 26% đến từ công nghiệp, 23% đến từ sản xuất điện năng, 13% đến từ bất động sản và 13% đến từ nông nghiệp. Trong tất cả các lĩnh vực, sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất, chiếm 80% tổng lượng khí thải.

Châu Âu phải làm gì để đạt mục tiêu không phát thải?

McKinsey đã đưa ra một số kết luận chính: EU có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 với chi phí ròng bằng 0. Giảm phát thải khí nhà kính sẽ làm tăng chi phí kinh doanh trong một số lĩnh vực. Đồng thời, hiệu quả tiết kiệm sẽ đạt được ở những lĩnh vực khác. Nếu những chi phí và khoản tiết kiệm này được chuyển đến tay người tiêu dùng, chi phí sinh hoạt bình quân của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm nhẹ.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tạo thêm 5 triệu việc làm mới. Việc không phát thải ròng sẽ khiến 6 triệu người mất việc làm trong một số lĩnh vực, xong tạo thêm 11 triệu việc làm ở những ngành khác vào năm 2050.

Các lĩnh vực khác nhau cần giảm phát thải song song và lần lượt đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Ngành năng lượng sẽ là ngành đầu tiên đạt chỉ tiêu vào giữa những năm 2040 vì hầu hết các công nghệ giảm phát thải đã có sẵn. Lĩnh vực giao thông vận tải sẽ đạt mục tiêu này vào năm 2045, tiếp theo là bất động sản vào cuối những năm 40, công nghiệp vào năm 2050 và sau đó là nông nghiệp.

Sẽ có nhiều công nghệ giảm phát thải mới được ứng dụng. Khoảng 25% lượng giảm phát thải sẽ đến từ việc ứng dụng các công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Việc đẩy nhanh sự phát triển và ứng dụng các công nghệ không carbon sẽ đóng vai trò quan trọng.

Cần quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống điện và sử dụng đất đai. Đến năm 2050, mức tiêu thụ dầu, khí đốt và than đá sẽ giảm hơn 90%; nhu cầu điện sẽ tăng gấp đôi và năng lượng tái tạo sẽ sản xuất hơn 90% điện năng. Điều này đòi hỏi phải đẩy nhanh phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Mức tăng trung bình hàng năm của năng lượng mặt trời trong giai đoạn 2030 - 2050 phải là 45GW và 24 GW đối với điện gió. Công suất của các hệ thống lưu trữ năng lượng dựa trên nền tảng pin điện sẽ tăng lên 25 GW vào năm 2030 và 150 GW vào năm 2050. Khoảng 30 triệu ha đất xấu nhất sẽ được dùng để sản xuất sinh khối.

Việc khử carbon ở châu Âu sẽ tiết kiệm được chi phí nếu trách nhiệm được chia sẻ hiệu quả. Các khu vực mà việc giảm phát thải đặc biệt hiệu quả về chi phí có thể hỗ trợ các khu vực khác giảm phát thải nhanh hơn, qua đó giảm chi phí tổng thể. Ví dụ, các nước Bắc Âu sở hữu các bể chứa carbon tự nhiên lớn có thể giúp bù đắp lượng khí thải nhà kính còn sót lại ở những nơi khác.

Cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ euro mỗi năm (tổng cộng khoảng 28.000 tỷ euro đến năm 2050), trong đó cần khoảng 800 tỷ euro/năm (khoảng 25% tổng chi tiêu vốn của EU) cho quá trình chuyển đổi từ công nghệ sử dụng nhiều carbon sang công nghệ carbon thấp.

Tăng cường các biện pháp chính sách về khuyến khích đầu tư. Chỉ 50% tổng đầu tư cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng không phát thải carbon sẽ thu được lợi nhuận. Nguồn vốn đầu tư công 4.900 tỷ euro có thể lấp đầy khoảng trống này. Ngoài ra, chính sách thuế carbon ở mức 50 euro/tấn CO2 sẽ giúp 75% khoản đầu tư có lãi, mức giá 100 euro/tấn sẽ làm cho 85% khoản đầu tư có lãi.

An ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh có thể được cải thiện. EU sẽ hầu như không phụ thuộc vào năng lượng từ bên ngoài, xong có thể phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu các thành phần công nghệ hoặc vật liệu. Bên cạnh đó, EU có cơ hội lớn để tăng tốc nghiên cứu và phát triển, duy trì vị thế dẫn đầu và thâm nhập vào các phân khúc xuất khẩu mới.

Tất cả các bên liên quan phải khẩn trương hành động. Những thách thức trước mặt của EU bao gồm việc mở rộng quy mô các công nghệ và doanh nghiệp hiện có để giảm phát thải khí nhà kính trong thập kỷ tới, tăng tốc độ đổi mới và đầu tư để đạt mục tiêu giảm phát thải sau năm 2030; đồng thời đầu tư và R&D các công nghệ sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi sang trung hòa khí hậu vào năm 2050.