Cấm vận dầu thô Nga đẩy lạm phát lên cao

15:55 | 22/06/2022

|
(PetroTimes) - Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann khẳng định, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát lên cao hơn.
OECD cảnh báo tăng trưởng GDP 1,6% của khu vực đồng euro trong năm tới sẽ gặp rủi ro nếu ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga
OECD cảnh báo tăng trưởng GDP 1,6% của khu vực đồng euro trong năm tới sẽ gặp rủi ro nếu ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga

Theo ông Cormann, OECD không nghĩ về một cuộc suy thoái ở châu Âu do cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao, song OECD đã điều chỉnh giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế, kể cả ở châu Âu.

Ông Cormann cho hay, tác động từ lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ làm giảm nửa điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 và đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên, dự báo này giả định rằng không có phản ứng về nguồn cung từ các nước khai thác dầu khác. “OPEC và các quốc gia khác có thể thay thế nguồn cung dầu Nga nếu họ chọn điều đó và chúng ta rất mong họ làm như vậy”, ông Cormann nói.

Báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ còn khoảng 3% trong năm 2022 và 2,8% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức phục hồi được dự báo vào tháng 12-2020 là 4,46%.

Theo OECD, cuộc chiến ở Ukraine đã dập tắt hy vọng sự gia tăng lạm phát diễn ra đối với phần lớn nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ nhanh chóng giảm. Động lực bổ sung đối với giá thực phẩm, năng lượng và vấn đề chuỗi cung ứng cho thấy lạm phát giá tiêu dùng sẽ đạt đỉnh trễ hơn và ở mức cao hơn dự đoán trước đây.

Ông Cormann nhận định: “Các quốc gia trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa cao hơn, điều này làm tăng thêm áp lực lạm phát và hạn chế thu nhập cũng như chi tiêu thực tế”.

Trên thực tế, các nhà kinh tế và tổ chức quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2-2022. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,1% trong năm 2021 xuống còn 3,6% vào các năm 2022 và 2023. Con số này thấp hơn 0,8 và 0,2 điểm phần trăm cho năm 2022 và 2023 so với dự kiến vào tháng 1-2022.

Về phần mình, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm gia tăng sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bước vào giai đoạn có thể trở thành một thời kỳ kéo dài của tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng. WB hiện dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2,9% vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% được dự báo hồi đầu năm.

“Giá năng lượng cao hơn sẽ làm giảm thu nhập thực tế, tăng chi phí khai thác, thắt chặt điều kiện tài chính và hạn chế chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu năng lượng”, WB nhận xét.

Bình An