Bản tin năng lượng xanh: Thế giới nhọc nhằn giảm phát thải, Trung Quốc vẫn dẫn đầu

14:00 | 06/09/2021

|
(PetroTimes) - Hãng hàng không lớn nhất LB Nga - Aeroflot chuẩn bị cho việc áp dụng thu phí phát thải CO2 trên các chuyến bay quốc tế kể từ năm 2027 theo yêu cầu Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Bản tin năng lượng xanh: Thế giới nhọc nhằn giảm phát thải, Trung Quốc vẫn dẫn đầu

Wood Mackenzie ước tính, ngành công nghiệp dầu mỏ phát thải khoảng 1/3 tổng khối lượng CO2 toàn cầu, trong đó, quá trình vận chuyển chiếm tới 67%. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris, mỗi năm lĩnh vực tinh chế cần giảm 1-2 triệu bpd, và đến năm 2050 còn lại khoảng 35 triệu bpd công suất tinh chế, tương đương 550 nhà máy lọc dầu phải đóng cửa, chỉ còn lại 150 nhà máy có tính cạnh tranh cao nhất (nằm sát cảng biển). Ngân hàng TMCP Sberbank của Nga ước tính, chi phí chuyển đổi năng lượng, trung hòa phát thải đến năm 2050 khoảng 140.000 tỷ USD (3% GDP toàn cầu), xuất khẩu năng lượng LB Nga sụt giảm 192 tỷ USD, sản lượng khai thác dầu thô giảm 72%, khí đốt giảm 52%, than giảm 90%.

Hãng hàng không lớn nhất LB Nga - Aeroflot chuẩn bị cho việc áp dụng thu phí phát thải CO2 trên các chuyến bay quốc tế kể từ năm 2027 theo yêu cầu Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hiện công ty đã bắt đầu thảo luận với Gazprom Neft về việc cung cấp nhiên liệu máy bay xanh (SAF). Theo tính toán, số tiền các hãng hàng không thế giới phải bỏ hàng năm ra để bù trừ phát thải CO2 (Carbon Offsetting and Reduction Scheme for International Aviation - CORSIA) lên từ 1,5 đến 6,0 tỷ EUR vào năm 2025, tùy thuộc vào giá giao dịch CO2, trong đó, LB Nga chiếm tới 250 triệu EUR và Aeroflot chịu tới 50% chi phí này.

Theo nghiên cứu về triển vọng ngành điện của Trung Quốc đến năm 2030 của Global Data, công suất NLTT (không bao gồm thủy điện) ở nước này dự kiến sẽ tăng từ 572,89 GW (2020) lên 1772,05 GW (2030) với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%. Hầu hết động lực tăng trưởng sẽ đến từ lĩnh vực điện mặt trời và điện gió trên bờ. Trong đó, tổng công suất điện mặt trời của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng từ 253,69 GW (2020) lên 890,31 GW (2030) và tổng công suất điện gió trên bờ sẽ tăng từ 279,04 GW (2020) lên 742,62 GW (2030). Kết quả này sẽ vượt xa mục tiêu 1.200 GW công suất điện gió và điện mặt trời mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra trong năm 2020.

Sinopec (Trung Quốc) lên kế hoạch dành 4,6 tỷ USD cho phát triển năng lượng hydro đến năm 2025 và nâng sản lượng hydro lên 200.000 tấn mỗi năm. Nguồn hydro sẽ được sản xuất từ NLTT và phục vụ chủ yếu cho các phương tiện vận tải. Hiện tại, Sinopec đã xây dựng 20 trạm nạp hydro và đang lên kế hoạch xây dựng thêm 60 trạm nạp khác. Tập đoàn này đang sản xuất khoảng 3 triệu tấn hydro mỗi năm từ các nguồn năng lượng hóa thạch, sử dụng chủ yếu trong quá trình lọc dầu và hóa dầu. Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất hydro, chiếm ⅓ sản lượng hydro toàn cầu. Ngân hàng JPMorgan dự báo, thị phần xe chạy bằng pin nhiên liệu sẽ tăng lên 33% tại Trung Quốc vào năm 2050.

Viễn Đông