Bản tin Năng lượng xanh: Na Uy đầu tư vào điện mặt trời của Ấn Độ, Nhật Bản khởi động lại điện hạt nhân

09:55 | 26/08/2022

|
(PetroTimes) - Quỹ Đầu tư Khí hậu và Quỹ hưu trí lớn nhất của Na Uy KLP sẽ đầu tư vào một dự án điện mặt trời 420 megawatt đang được phát triển ở Rajasthan, Ấn Độ.

Hai bên sẽ đầu tư khoảng 2,8 tỷ rupee Ấn Độ (khoảng 35 triệu USD) cho 49% cổ phần của dự án Thar Surya 1, do công ty Enel Green Power của Ý xây dựng. Tổ chức tài chính phát triển của Na Uy Norfund, quản lý Quỹ đầu tư khí hậu, và Enel Green Power đã thiết lập quan hệ đối tác đầu tư chiến lược tập trung vào Ấn Độ. Tellef Thorleifsson, Giám đốc điều hành của Norfund, cho biết đây là khoản đầu tư đầu tiên mà họ thực hiện với Enel và có tham vọng đóng góp lớn bằng các khoản đầu tư tương tự ở Ấn Độ trong những năm tới.

Bản tin Năng lượng xanh: Na Uy đầu tư vào điện mặt trời của Ấn Độ, Nhật Bản khởi động lại điện hạt nhân

Theo thông báo từ Đại sứ quán Na Uy tại Ấn Độ, Quỹ Đầu tư Khí hậu dự kiến ​​sẽ phân bổ 10 tỷ Krone Na Uy (tương đương 1 tỷ USD) cho các dự án trong vòng 5 năm tới và Ấn Độ được coi là một “thị trường ưu tiên”.

Mục tiêu của Ấn Độ

Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo của Ấn Độ cho biết, trong bảy năm rưỡi qua, công suất năng lượng mặt trời của Ấn Độ đã tăng từ khoảng 2,6 gigawatt (GW) lên hơn 46 gigawatt.

Ấn Độ muốn công suất năng lượng tái tạo của mình, không bao gồm thủy điện lớn, đạt 175 GW trong năm nay, một mục tiêu đầy thách thức. Theo một tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Ấn Độ về Năng lượng mới và Tái tạo, công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt, không bao gồm thủy điện lớn, đã đạt mức 114,07 GW vào ngày 30/6/2022.

Bất chấp các mục tiêu về năng lượng tái tạo, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. theo Bộ Điện lực Ấn Độ, cuối tháng 6, thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong tổng công suất phát điện lắp đặt của Ấn Độ ở mức 58,5%.

Sự quan tâm của Châu Âu đối với năng lượng tái tạo ở Ấn Độ

Sự quan tâm của Na Uy đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo của Ấn Độ là biểu hiện mới nhất về công cuộc đầu tư của các tổ chức và doanh nghiệp lớn đang thực hiện ở nước này.

Đầu năm nay, Tập đoàn năng lượng khổng lồ RWE của Đức và Công ty Tata Power của Ấn Độ đã công bố sự hợp tác tập trung phát triển các dự án gió ngoài khơi ở Ấn Độ.

Sven Utermohlen, Giám đốc điều hành của RWE Renewables về gió ngoài khơi, cho biết trong một tuyên bố: “Ấn Độ có nguồn tài nguyên gió tuyệt vời, có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước”. “Nếu các quy định rõ ràng và một kế hoạch đấu thầu hiệu quả được áp dụng, chúng tôi hy vọng ngành công nghiệp gió ngoài khơi của Ấn Độ sẽ đạt được động lực thực sự.”

Nhật Bản báo hiệu một sự thay đổi lớn về năng lượng hạt nhân trong tương lai hậu Fukushima

Hôm thứ Tư (24/8), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ khởi động lại nhiều hơn nhà máy điện hạt nhân không hoạt động và xem xét tính khả thi của việc phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo.

Phát biểu của Thủ tướng Fumio Kishida được đưa vào thời điểm Nhật Bản, một nhà nhập khẩu năng lượng lớn, đang tìm cách củng cố các lựa chọn của mình trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang không ổn định và cuộc xung đột Ukraina.

Nếu được thực hiện đầy đủ, động thái này sẽ thể hiện sự thay đổi chính sách năng lượng của Nhật Bản sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Đầu tháng Tám, một cựu giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết sự ủng hộ của công chúng ở Nhật Bản cho việc tái khởi động hạt nhân hiện ở mức hơn 60%.

Nhật Bản đang đặt mục tiêu trung lập các-bon vào năm 2050. Theo Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 6 của Nhật Bản, dự kiến ​​năng lượng tái tạo chiếm 36% đến 38% cơ cấu sản xuất điện vào năm 2030, trong đó hạt nhân chiếm 20% đến 22% và việc sử dụng ổn định điện hạt nhân sẽ được thúc đẩy trên cơ sở chính là phải đạt được sự tin tưởng của công chúng đối với điện hạt nhân và đảm bảo an toàn./.

Thanh Bình