Yên bình Ninh Vân

11:13 | 17/06/2019

|
(PetroTimes) - Với hơn 3.000km bờ biển, các làng chài Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, từ địa đầu Móng Cái tới Mũi Cà Mau. Ngành kinh tế Việt Nam không chỉ có dầu khí, gạo, café,… nghề cá đã trở thành nghề chính của kinh tế biển Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vùng biển nước ta có hơn 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Các loài động vật thân mềm ở Biển Đông có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm được ưa thích như mực, hải sâm,... Vùng biển Ðông Nam Bộ có trữ lượng 2.075.900 tấn, khả năng cho phép khai thác 830.400 tấn/năm, vùng biển Tây Nam bộ có trữ lượng 506.700 tấn, khả năng cho phép khai thác 202.300 tấn/năm.

Các làng chài Việt Nam, nằm bên bờ cát vàng, biển xanh tạo nên dáng vẻ nên thơ không đâu có trên thế giới, với hàng dừa xanh mướt, mái ngói đỏ rực rỡ, rừng phi lao thướt tha,…Người dân chài từ bao đời cha truyền con nối theo nhau ra biển, sinh ra trên biển, sống với biển và ra đi vào lòng biển. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Mặc dù sự gia tăng về sản lượng cá biển có sự liên quan tới sự gia tăng về số lượng tàu và công suất khai thác, nhưng vấn đề đang nhìn thấy qua các con số là năng suất khai thác đang có xu hướng giảm xuống, thể hiện rõ ràng nhất là năng suất tính theo số tấn cá khai thác được trung bình trên một CV. Mức biến động lần lượt giảm 1/3 năng suất đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, giảm hơn 1/5 năng suất đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

yen binh ninh van

Như bao làng chài Việt Nam, Ninh Vân từ bao đời êm đềm bên bờ cát trắng hoang sơ, xa xa tít tắp khơi xa là ngôi nhà biển cả, những dãy núi trùng điệp vừa gần vừa xa ôm trọn vào lòng ngôi làng cổ xưa mộc mạc. Từ đất liền khi đến với Ninh Vân cuộc sống ồn ào đô thị dịu hẳn đi trước màu xanh ngắt mộng mơ, bầy trẻ con nô đùa ngụp lặn dưới làn nước mát trong văn vắt, đầu làng các chị em phụ nữ quây quần quanh quán nước dưới gốc cây cổ thụ xanh mượt bốn mùa, hồ hởi chào hỏi du khách. Bình yên, thơ mộng, cảm giác như bụi trần chả thể vướng nơi này.

Ninh Vân của hôm nay vẫn dịu dàng trong sáng bởi đường bộ đi đến đây chỉ mới được khai thông vài năm gần đây, trước đó chỉ có thể tới Ninh Vân bằng tàu cá hoặc ca-nô. Không gì thú hơn khi đến làng chài, được ngắm thỏa thích bức tranh biển cả hùng vĩ, được theo thuyền cá ra khơi trong một ngày nắng vàng rực rỡ, hóng làn gió mát lành của biển cả mêng mông. Theo thuyền cá của Thủy – môt dân chài từ trong máu, anh theo cha mẹ làm nghề chài lưới, từ Nghệ An ra đây lập nghiệp – chúng tôi ra khơi từ mờ sáng. Không gì miêu tả được cảm giác tận hưởng không gian thênh thang vô tận, xanh thẳm bốn bề, giớ biển mát rượi tận tâm can, người nhẹ bỗng như có thể bay lên được. Từng đàn hải âu chao lượn, cần cù. Biển nam Trung bộ từ Qui Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa vào tới Phan Rang, Phan Thiết biển được tô điểm bởi những rặng núi sừng sững, những tảng đá muôn hình muôn vẻ vươn ra sát mép nước, người dân địa phương gọi là “rạn”, rạn có thể con hải cẩu, con con theo sát con mẹ, rạn có thể là cả bức tường sắc đỏ của núi lửa đã tắt triệu năm trước,...Trên biển tàu to tàu nhỏ dập dềnh lượt sóng, tàu kéo theo thuyền thúng như mẹ dắt con thơ.

Ở bến tàu Ninh Vân tôi chỉ thấy một con tàu lớn, là tàu câu mực, với 2 gọng càng vươn rộng, còn lại tàu nhỏ đánh lưới ven bờ. Tàu lớn có thể đi hàng tuần, ra tận Trường Sa. Ven bờ cá chẳng còn nhiều, dân chài đánh bắt bằng lưới nhỏ, kể cả mùa sinh sản, trong lưới thôi thì đủ các loại cá to nhỏ, màu sắc như dải cầu vồng, những chú cá sặc sỡ như trong hoạt hình. Mặc dù kiểm ngư phạt nặng tới cả chục triệu nếu bắn cá bằng súng điện, cá vẫn chẳng còn. Theo lời Thủy, ngư dân đi đến tận các đảo Phú Quí, bãi đá Chữ Thập, Song Tử Tây, sang cả vùng biển các nước lân cận. Thủy cũng đã ở Mã Lai ba tháng do đi vào vùng biển của họ. Lênh đêng kiếm sống, trang bị thô sơ, mải mê theo luồng cá là những nguyên nhân khiến cư dân của các nước láng giềng Việt Nam, In-đô-nê-sia, Ma-lay- sia, …đi vào vùng biển của nước kia. 99% tàu cá Việt Nam đóng bằng gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ.

yen binh ninh van

Buổi tối, ngồi ăn với gia đình Thủy, chúng tôi mới được vợ Thủy cho biết anh vừa nằm viện cả tháng ra do bị thiếu ô-xy não khi lặn biển. Khi được hỏi Thủy lặn sâu bao nhiêu? Trả lời: khoảng 100m gì đó – ôi – bao lâu mới từ dưới đó lên mặt nước? 25-30 phút. Ôi đó là độ sâu của chính thợ lặn dầu khí, được đào tạo, trang bị đầy đủ quần áo chuyên dụng, dụng cụ lặn, thở dưới nước. Vậy con thở bằng bình ô-xy à? Vâng, bình đặt trên thuyền, con ngậm ống thở. Ôi, thô sơ. 100m nước, 20 phút để xuống được độ sâu xung quanh là vực đen tối ngòm, 25 phút lên và phải lên từ từ với 3 chặng nghỉ để không bị sốc khí ni-tơ. Vậy bắt con gì ở độ sâu đó? Năm trước con bắt hải sâm, những con gần chục ký mới bõ công lặn. Trời, có loại đó sao??? Hải sâm là con đỉa biển, ở nhà hàng, quán nhậu nó to bằng ba ngón tay, cổ tay đã là to. 10 ký, to cả người ôm!!! Ôi giời thủy quái!!! Mỗi lần như vậy Thủy kiếm được 60-70kg hải sâm, giá thị trường khoảng 1 triệu đồng/kg. Số tiền quả là rất lớn, nhưng hai tuần nằm viện vì lần đó Thủy lên nhanh quá, não thiếu ô-xy. Có nhiều thanh niên lặn được như Thủy không? Dạ, nhiều.

Để đến được biển xa, tìm tòi dưới đáy biển sâu ấy, nơi chúng ta chỉ biết đến qua các câu chuyện kinh dị hay viễn tưởng của thuyền trưởng Nê-mô, với thủy quái bằng cả cái nhà, bạch tuộc giương vòi cuốn cả con thuyền của Jack Sparow, Thủy đã từng lôi về vỏ sò to như mái nhà – kinh khủng, mắt tròn, mắt dẹt…Chả cần bằng mái nhà, mà những vỏ ốc tôi thấy trong làng chai này cỡ to hơn đầu người, không óng ả sang bóng như trong quầy lưu niệm mà xù xì, trắng vôi, mang trên mình cả đàn các loại vỏ ốc khác khiến tôi nhớ con tàu của David Jones trong phim cướp biển Ca-ri-bê. Tôi tự hỏi phải mất bao lâu con ốc mới tích tụ đủ tinh hoa của trời đất biển cả để tạo ra lớp vỏ xà cừ với sắc màu ảo diệu như vậy? có đến triệu năm chăng? Hôm sau trên bàn ăn trong phố, cả đĩa ốc biển phong phú, đa dạng về chủng loại lẫn màu sắc được phục vụ cho thực khách. Ôi biển của tôi!!!

yen binh ninh van

Việt Nam biển bạc rừng vàng, mà trên hết là con người. Con người Việt Nam không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, cả về con người, trí tuệ, tài năng. Ai sẽ sử dụng những tiềm năng này, tài nguyên này? Cha ông, đất nước ta đã có những Lý Thường Kiệt, Yết Kiêu, lúc nào cũng có anh hùng. Không chỉ người dân chài mà ai đã đến vùng biển vùng đất nên thơ đều yêu cảng cá mỗi sớm bình minh để chờ đón những con tàu thân thương, phía xa chân trời đang dần biến đổi từ sẫm đen sang vàng, hồng, xà cừ. Biển cũng đổi màu, sóng vịnh lăn tăn hiền hòa cứ xanh mơ màng như nàng thiếu nữ, rồi rực dần sắc xuân xanh thẳm đại dương trong ánh nắng chan hòa của một ngày mới. Cái náo nhiệt của những thuyền cá dồn về, vợ gọi chồng, cha gọi con í ới. Người phụ nữ Ninh Vân rất đẹp, đẹp lạ lùng của vùng biển đầy nắng và gió, mà rất thuận hòa.

yen binh ninh van

Ít ai biết được đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi qua đây, Ninh Vân là nơi con tàu 235 của đoàn tàu không số huyền thoại đã đi vào lịch sử, để lại nơi đây 14 anh hùng liệt sĩ. Các anh vẫn ngự trên núi cao, tựa lưng vào dãy Hòn Hèo, ngày đêm trông giữ biển cả đất nước quê hương.

Hồ Tú Mai

Phóng sự từ Ninh Vân