Trung Quốc muốn giành “miếng bánh” nhiên liệu hàng hải

08:41 | 06/08/2021

|
(PetroTimes) - Trung Quốc đã và đang tăng nhanh doanh số bán nhiên liệu hàng hải trong những năm gần đây, cạnh tranh quyết liệt với Singapore - nhà cung cấp nhiên liệu hàng hải hàng đầu châu Á.
Trung Quốc muốn giành “miếng bánh” nhiên liệu hàng hải

Cảng Chu San hồi năm 2018

Theo Bloomberg, doanh thu nhiên liệu hàng hải của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Trung Quốc đang nỗ lực thu hút tàu thuyền tới các cảng biển gần những trung tâm kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cho tới nay, Singapore vẫn đang dẫn đầu với tư cách là nhà cung cấp chủ lực cho ngành nhiên liệu hàng hải trị giá hơn 30 tỉ USD của châu Á. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng, Trung Quốc đang tăng tốc rất nhanh.

Năm 2020, Singapore bán được khoảng 50 triệu tấn nhiên liệu hàng hải, tương đương 1/5 tổng sản lượng trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ Cơ quan Hàng hải và cảng Singapore (MPA). Trong khi đó, hãng tư vấn OilChem ước tính Trung Quốc đã bán tới 16,9 triệu tấn.

Trung Quốc đang nỗ lực để mở rộng hoạt động bán nhiên liệu hàng hải, đặc biệt là tại Chu San, Chiết Giang, nơi nhà chức trách đã cấp giấy phép kinh doanh nhiên liệu hàng hải cho hơn 10 công ty hoạt động trong khu vực thương mại tự do.

Trung tâm Nhiên liệu hàng hải Chu San nằm ở phía nam Thượng Hải. Một số cơ sở lọc dầu mới nhất của Trung Quốc đều được xây dựng tại khu vực này. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 80 triệu USD để mở rộng khu neo đậu và xây dựng các kênh vận chuyển mới tại Chu San. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, giúp ngành nhiên liệu hàng hải có thêm sức cạnh tranh.

Gần đây, Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh với Singapore về giá cả, nhưng giới phân tích vẫn coi Singapore là nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực nhiên liệu hàng hải ở châu Á do các hoạt động đã được thiết lập và tính hiệu quả, tốc độ cũng như độ tin cậy.

Giám đốc hãng tư vấn hàng hải Drewry, ông Jayendu Krishna, nhận định: “Singapore có lợi thế hơn những cảng châu Á khác về mọi mặt. Dù điều này đến nay vẫn đúng, song các cảng khác đang dần đuổi kịp. Chu San chắc chắn sẽ giành một phần tàu thuyền từ các cảng ở Đông Bắc Á”.

Trong khi đó, Phó chủ tịch hãng tư vấn năng lượng của IHS Markit, Victor Shum, cho hay: “Miếng bánh nhiên liệu hàng hải trong khu vực đủ lớn để hỗ trợ tăng trưởng cho các cảng quan trọng, song Singapore sẽ vẫn là trung tâm giao dịch nhiên liệu chính trong tương lai gần”.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường nhiên liệu hàng hải bằng cách tung ra hợp đồng tương lai dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (LSFO) trên sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE). Động thái này nhằm cải thiện tính minh bạch trong việc định giá dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp

Bình An