Trung Quốc dẫn đầu về năng lượng tái tạo

16:51 | 28/04/2020

4,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt... Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo.

Kế hoạch “Made in China 2025”

Trong kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025” của Trung Quốc, năng lượng tái tạo được xem là trọng tâm, nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên đặt mục tiêu giảm nhiệt điện than từ tháng 1-2017, đồng thời lập kế hoạch tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng vào năm 2020, giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.

trung quoc dan dau ve nang luong tai tao
Một trang trại điện gió ở Giang Tô với 58 tuarbin gió

Trung Quốc hiện được xem là quốc gia dẫn đầu về đầu tư, sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6/10 công ty sản xuất module điện mặt trời lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc về năng lượng tái tạo, Trung Quốc đầu tư 3 tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong năm 2004, đến năm 2015 tăng lên 103 tỉ USD, nhiều hơn Mỹ (44,1 tỉ USD), tương đương 36% đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016-2020), Trung Quốc đầu tư hơn 360 tỉ USD vào năng lượng tái tạo, ước tính tạo thêm khoảng 10 triệu việc làm. Trung Quốc hiện có 3,5 triệu lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Tiên phong về điện mặt trời

Trung Quốc hiện đang đi đầu về điện mặt trời và điện gió trên toàn thế giới, về cả năng lực và thị phần của các công ty.

Trong một tòa nhà văn phòng ở Thượng Hải, hàng chục công nhân của Envision Group, nhà sản xuất turbine gió lớn thứ 5 trên thế giới, vận hành một mạng lưới 100 GW công suất phát điện, tương đương với tất cả công suất năng lượng tái tạo của Nhật Bản. Hệ thống của Envision liên kết với hàng chục triệu thiết bị, bao gồm bộ sạc xe điện, thang máy và cảm biến nhiệt độ phòng. Dữ liệu từ thiết bị này có thể sử dụng để phân tích nhu cầu năng lượng, cho phép hệ thống xác định cách phân phối điện từ các nhà máy của Envision.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), đến nay, tại Trung Quốc, công suất điện gió đã tăng gấp 22 lần, điện mặt trời tăng gần 700 lần so với năm 2018. Đây là động lực chính giúp tổng công suất điện gió và điện mặt trời toàn cầu tăng gấp 33 lần.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), đến nay, tại Trung Quốc, công suất điện gió đã tăng gấp 22 lần, điện mặt trời tăng gần 700 lần so với năm 2018. Đây là động lực chính giúp tổng công suất điện gió và điện mặt trời toàn cầu tăng gấp 33 lần.

Trong bối cảnh năng lượng bằng nhiên liệu hóa thạch làm gia tăng ô nhiễm không khí vốn đã nghiêm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng tổng tỷ lệ sử dụng điện mặt trời và điện gió lên gần 30% vào năm 2030.

Sở hữu một trung tâm dài 250km, bao gồm các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và vật liệu nằm bên ngoài Thượng Hải, trong năm 2017, Bắc Kinh từng kiểm soát tới 71% thị trường tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu.

Thực tế tại Trung Quốc, chi phí cho điện mặt trời đã giảm gần đến mức có thể đạt được lợi nhuận ngay cả khi không có trợ cấp, Li Junfeng (chuyên gia của Trung tâm Chiến lược biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế của Trung Quốc) cho biết.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Điện mặt trời Trung Quốc (CPIA) Wang Bohua, nguồn thu từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện mặt trời tăng 1/3, lên 10,6 tỉ USD trong nửa đầu năm 2019, trong đó, xuất khẩu các tấm pin năng lượng mặt trời đã vượt tổng lượng xuất khẩu của cả năm 2018. Xuất khẩu của ngành công nghiệp điện mặt trời Trung Quốc sang các thị trường châu Âu đều tăng, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh bởi hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đối với thị trường turbine gió, 2 trong số 5 công ty hàng đầu thế giới là của người Trung Quốc, nắm giữ tổng cộng 22% thị trường trong năm 2018. Các công ty còn lại thuộc về Đan Mạch, Tây Ban Nha và Mỹ.

Biến năng lượng thành vũ khí mới?

Trung Quốc đang tận dụng sự phát triển vượt bậc của năng lượng tái tạo nhằm gia tăng sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

trung quoc dan dau ve nang luong tai tao
Điện gió, điện mặt trời của Trung Quốc có mức tăng trưởng ấn tượng

Với vị thế là quốc gia đứng đầu về sản lượng năng lượng tái tạo, Trung Quốc giờ đây đang có ảnh hưởng lớn mà các quốc gia khác cần phải chú ý, bởi Trung Quốc có thể sử dụng năng lượng như một “vũ khí mới” để thay đổi quan hệ thương mại, cũng như hình thành các liên minh mới, có thể tạo nên sự xáo trộn nào đó ở một số quốc gia vốn tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.

Chuyên gia của IRENA đánh giá, cho dù đó là điện mặt trời hay điện gió, năng lượng thủy triều..., hầu hết các quốc gia đều có tiềm năng tự phát triển một số nguồn năng lượng sạch. Bởi vậy, trong tương lai, nhiều quốc gia có thể phải nhập khẩu năng lượng tái tạo hoặc công nghệ để có thể tự tạo ra sức mạnh cho chính mình, qua đó cải thiện cán cân thương mại và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước những biến động của giá dầu mỏ, hiện đang phụ thuộc nhiều vào những ảnh hưởng địa chính trị.

Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang thiết lập vị thế trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, với những hạn chế về công nghệ, cùng sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ trên thế giới như Australia..., Trung Quốc có thể dễ dàng bị mất vị trí dẫn đầu.

Bình An (theo Nikkei/Ourworldindata)