Trung Quốc chuyển đổi năng lượng, phát triển siêu dự án hydro xanh

08:23 | 25/08/2021

|
(PetroTimes) - Trung Quốc có vẻ như đang dẫn đầu trong các nỗ lực khử carbon với mục tiêu đạt net-zero vào năm 2060. Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện siêu dự án sản xuất hydro xanh thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Trung Quốc  sẽ thực hiện siêu dự án hydro xanh do nhà nước tài trợ ở Nội Mông
Nhà máy hydro chạy bằng năng lượng mặt trời của Tập đoàn năng lượng Baofeng tại Khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc. Ảnh: Tập đoàn Năng lượng Baofeng.

Dự án ở Nội Mông là thông tin mới nhất về sự phát triển của ngành công nghiệp hydro ở Trung Quốc. Giá trị sản lượng của ngành công nghiệp hydro được dự báo là 1 nghìn tỷ NDT (154 tỷ USD) trong thời gian 5 năm và có thể đạt gấp 12 lần vào năm 2050.

Chính quyền Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc đã phê duyệt dự án điện lớn sử dụng năng lượng mặt trời và gió để sản xuất hydro xanh, với các cụm nhà máy điện được xây dựng tại các thành phố Ordos và Baotou, sử dụng 1,85 GW năng lượng mặt trời và 370 MW năng lượng gió để sản xuất khoảng 66,9 nghìn tấn hydro xanh mỗi năm. Dự án sẽ sản xuất lượng hydro sử dụng cho xe chạy bằng pin nhiên liệu đủ để thay thế khoảng 180 triệu gallon xăng mỗi năm. Việc phát triển dự án sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm nay. Khu phức hợp sẽ được đưa vào vận hành vào giữa năm 2023, sớm hơn so với nhiều dự án quốc tế khác về hydro sạch hiện đang được thực hiện.

Nội Mông là một trong những khu vực khai thác than lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng bây giờ Nội Mông có thể trở thành một trung tâm về năng lượng tái tạo. Theo Hiệp hội xúc tiến năng lượng hydro, khu vực này nhận được khoảng 3.100 giờ ánh sáng mặt trời mỗi năm để sản xuất năng lượng mặt trời và nằm trên kênh gió chính của Siberia có thể cung cấp năng lượng cho các tuabin gió hàng chục gigawatt.

Trung Quốc chuyển đổi năng lượng, phát triển siêu dự án hydro xanh
Một trạm cấp nhiên liệu đa dạng, có tthể nạp hydro, điện, khí tự nhiên và xăng, của Sinopec ở Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Điều đáng nói ở đây là các dự án hydro xanh lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay là từ các tập đoàn công nghiệp khổng lồ như Sinopec. Sinopec có kế hoạch sản xuất 500.000 tấn hydro xanh vào năm 2025 thông qua các dự án ở Nội Mông và Tân Cương và sẽ xây dựng 1.000 trạm nạp hydro trên khắp Trung Quốc.

Tập đoàn Năng lượng Baofeng Ninh Hạ và Tập đoàn Thép Baowu, triển khai các dự án hydro của riêng mình.

Tháng 4/2021, Tập đoàn Năng lượng Baofeng Ninh Hạ công bố đã đưa vào vận hành “dự án hydro chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới” tại Khu tự trị Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc. Baofeng đặt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải CO2 trong 10 năm tới, hy vọng việc phát triển năng lượng mới sẽ giảm tiêu thụ than xuống 254 nghìn tấn mỗi năm, từ đó giảm phát thải CO2 445 nghìn tấn mỗi năm.

Tháng 7/2021, Tập đoàn thép Baowu đã công bố quan hệ đối tác mới với Honeywell International để tạo ra năng lượng hydro, công bố kế hoạch xây dựng nhà máy điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo công suất 1,5 GW. Ngành kim loại đen hiện chiếm khoảng 15% lượng khí thải carbon của Trung Quốc.

Việc phát triển hydro “xanh”, thay vì hydro “xám” có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, mang lại cho Trung Quốc lợi thế cạnh tranh so với một số đối tác châu Âu khi nhiều công ty tiếp tục dựa vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) để chuyển đổi khí thải CO2 từ dầu và khí đốt thành hydro. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về lượng khí thải carbon toàn cầu, phát thải khoảng 10,17 tỷ tấn CO2 vào khí quyển hàng năm. Sự phát triển tích cực công nghiệp hydro xanh sẽ cho phép Trung Quốc giảm lượng phát thải khí thải.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hydro đang bùng nổ của Trung Quốc vẫn tồn tại những điểm nghẽn, trong đó có việc lưu trữ và sử dụng nhiên liệu, cần được giải quyết trong vòng 5 năm tới. Chi phí phát triển ngành công nghiệp hydro xanh của Trung Quốc cũng sẽ rất lớn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi các dự án hydro xám là vì giá thành thấp hơn. Để có thể thành công với tư cách quốc gia hàng đầu trên thế giới về phát triển hydro xanh, Trung Quốc phải sẵn sàng hỗ trợ các công ty bằng nguồn vốn của chính phủ.

Thanh Bình