Tin thị trường: Vitol nhận thấy nguồn cung dầu thô tiếp tục thắt chặt

15:51 | 17/01/2022

|
(PetroTimes) - Vitol nhận thấy mô hình giá dầu tăng tiếp tục do nguồn cung dầu thô toàn cầu thắt chặt; Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục xả kho dự trữ chiến lược...
Tin thị trường: Vitol nhận thấy nguồn cung dầu thô tiếp tục thắt chặt

Trung Quốc tiếp tục mở kho dự trữ chiến lược

Hãng Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc sẽ mở kho dự trữ dầu mỏ quốc gia giáp thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 1/2 tới trong khuôn khổ kế hoạch phối hợp với Mỹ và nhiều quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác nhằm "hạ nhiệt" giá dầu mỏ toàn cầu.

Nguồn tin nắm rõ nội dung các cuộc thảo luận giữa hai nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, cho hay Trung Quốc đồng ý sẽ xả một lượng dầu không xác định và tùy thuộc vào các mức giá.

Cụ thể, Bắc Kinh sẽ xả lượng dầu thô lớn hơn nếu giá một thùng nhiên liệu này trên 85 USD, trong khi lượng xuất kho sẽ nhỏ hơn nếu mức giá chỉ gần 75 USD/thùng.

Nguồn tin trên cho biết, Trung Quốc sẽ mở kho dự trữ dầu thô chiến lược vào thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Chính sách của OPEC+ hoàn toàn độc lập

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman mới đây nói rằng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+), hoàn toàn độc lập trong chính sách và không hề có sự can thiệp từ bên ngoài vào các quyết định của liên minh này.

Bộ trưởng Abdulaziz nhấn mạnh các chính sách của OPEC+ đã thành công trong việc duy trì và đảm bảo nguồn cung cho thị trường dầu mỏ bất cứ khi nào cần thiết.

Điều này cho thấy trách nhiệm và sự cẩn trọng của liên minh dầu mỏ này trước các thách thức trên thị trường năng lượng.

Trong cuộc họp ngày 4/1, OPEC+ đã nhất trí không thay đổi chính sách sản lượng. Các thành viên liên minh này sẽ cam kết duy trì lộ trình tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.

Đức trở thành nhà nhập khẩu điện ròng

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, dự kiến ​​sẽ trở thành nhà nhập khẩu điện ròng vào năm 2023 lần đầu tiên kể từ năm 2002 do các nhà máy than ngừng hoạt động và loại bỏ hạt nhân, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm 14/1.

Đức có kế hoạch ngừng hoạt động tất cả các máy phát điện hạt nhân còn lại vào cuối năm 2022, trong khi nước này cũng sẽ ngừng hoạt động một phần đội tàu chạy than từ năm 2022 đến năm 2024.

Gần đây, quốc gia này cho biết họ sẽ đặt mục tiêu loại bỏ than đá vào năm 2030 - sớm hơn 8 năm so với kế hoạch trước đó. Không sử dụng than đối với Đức có thể khó khăn hơn so với các nền kinh tế châu Âu khác, vì nước này có kế hoạch loại bỏ dần việc sản xuất điện hạt nhân vào cuối năm nay.

Vitol nhận thấy mô hình giá dầu tăng

Hãng kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới Vitol, cho biết giá dầu thô đã tăng hơn 10% trong năm nay, có thể còn tăng cao hơn nữa do nguồn cung khan hiếm.

Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của Vitol Group nói rằng, những mức giá này là hợp lý. Ông nói: "Mô hình bù hoãn bán (backwardation) là rất hợp lý", đề cập đến một mô hình tăng giá, theo đó giá của một hợp đồng kỳ hạn hay một hợp đồng tương lai được giao dịch thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn.

Dầu đã ghi nhận mức tăng thứ tư liên tiếp vào tuần trước, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10, trong bối cảnh tiêu thụ có dấu hiệu sẽ tăng bất chấp sự lan rộng của biến thể omicron. Đồng thời, công suất dự phòng đang giảm dần do một số nhà khai thác lớn nhất thế giới phải vật lộn để tăng sản lượng.

Bình An