Tin thị trường: tồn kho giảm, cung tăng

09:13 | 12/07/2021

|
(PetroTimes) - Trong 20 năm đầu thế kỷ 21, tỷ trọng dầu thô, năng lượng hạt nhân có xu hướng giảm liên tục, trong khi NLTT và khí đốt tăng đều.
Tin thị trường: tồn kho giảm, cung tăng

Tiêu thụ năng lượng thế giới năm 2020 đã lần đầu tiên kể từ năm 2009 giảm 4,5% so với năm 2019, chủ yếu do tiêu thụ dầu thô giảm 9,7%, mặc dù vậy, tỷ trọng dầu thô trong cán cân năng lượng toàn cầu vẫn chiếm 31,2%, tiếp đến là than 27,2% (+0,1%), khí đốt 24,7%, thủy điện 6,9%, điện NLTT 5,7%, điện hạt nhân 4,3%. Trong 20 năm đầu thế kỷ 21, tỷ trọng dầu thô, năng lượng hạt nhân có xu hướng giảm liên tục, trong khi NLTT và khí đốt tăng đều.

Tin thị trường: tồn kho giảm, cung tăng
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu (xanh lá cây - dầu thô, đỏ - khí đốt, xám - than, vàng - hạt nhân, xanh dương - thủy điện, cam - năng lượng tái tạo).

Theo Reuters, các nền kinh tế nhập khẩu ròng dầu thô chiếm tới 80% GDP toàn cầu, giá dầu trên 80 USD/thùng sẽ buộc ngân hàng trung ương những nước này điều chỉnh mục tiêu lạm phát, LB Nga, Brazil đã buộc phải tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát, mặc dù đều là các quốc gia xuất khẩu dầu lớn. Nếu giá dầu vượt 100 USD/thùng, tỷ lệ lạm phát các nền kinh tế mới nổi có thể lên tới 20%/năm. Giá dầu thế giới tăng cao cũng ảnh hưởng mạnh đến lạm phát Mỹ, dự báo có thể tăng lên mức 5%/năm và khu vực đồng tiền chung EUR tới 2%. Trong dài hạn, điều này sẽ buộc Fed điều chỉnh thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cơ quan Năng lượng Mỹ trong báo cáo ngắn hạn (STEO) tháng 7 dự báo OPEC+ vẫn sẽ tăng sản lượng khai thác theo kế hoạch đến cuối năm 2021 (riêng khối OPEC sẽ tăng 2,9 triệu bpd so với nửa đầu năm 2021 lên 28,2 triệu bpd và 28,6 triệu bpd năm 2022) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng 5,3 triệu bpd trong năm 2021 (so với năm 2020) và tiếp tục tăng 3,7 triệu bpd lên 101,4 triệu bpd trong năm 2022 – vượt mức trước đại dịch 2019. Trong đó, tiêu thụ Mỹ tăng 1,5 triệu bpd trong năm nay lên 19,6 triệu bpd và 20,7 triệu bpd năm 2022. EIA dự báo giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm 2021 đạt 72 USD/thùng, năm 2022 giảm xuống còn 67 USD/thùng.

Tin thị trường: tồn kho giảm, cung tăng
Bảng so sánh Sản lượng nhiên liệu lỏng (bên trái) và nhu cầu nhiên liệu lỏng (bên phải) của các nước OPEC, ngoài OPEC và OECD, ngoài OECD

Theo dữ liệu của EIA, trữ lượng dầu thương mại Mỹ tiếp tục giảm mạnh - 6,9 triệu thùng (giảm 1,5%) trong tuần qua, kết thúc ngày 02/07 tồn kho chỉ còn 445,5 triệu thùng – thấp nhất kể từ tháng 02/2020, dự trữ dầu chiến lược (SPR) cũng giảm 1,2 triệu thùng (0,2%) xuống 621,3 triệu thùng. Cùng kỳ, tồn kho xăng cũng giảm 6,1 triệu thùng (2,5%) xuống 235,5 triệu thùng, sản phẩm chưng cất tăng 1,6 triệu thùng (1,2%) lên 138,7 triệu thùng. Sản lượng khai thác dầu thô tuần tăng nhẹ 200.000 bpd lên 11,3 triệu bpd, trung bình 4 tuần cuối đạt 11,175 triệu bpd.

Giá khí giao ngay spot sàn TTF Netherland đầu tuần này tăng 9%, lên 451 USD/1000m3, sau khi giảm 11% tuần trước. Đáng chú ý, giá cả đang có dấu hiệu bị thao túng, biến động trái chiều nguồn cung trong bối cảnh kết quả đàm phán OPEC+ không rõ ràng.

Viễn Đông