Tin thị trường: cung dầu gặp khó, giá khí ngất ngưởng chưa lối thoát

09:22 | 23/09/2021

|
(PetroTimes) - Cơ hội bứt phá ngưỡng 75 USD/thùng và tiến tới 80 USD/thùng đến cuối năm 2021 là hoàn toàn có thể.
Tin thị trường: cung dầu gặp khó, giá khí ngất ngưởng chưa lối thoát

Giá dầu Brent bình quân tháng 8 đạt khoảng 71 USD/thùng. Nếu so sánh với dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ (EIA), ngân hàng BoA và Goldman Sachs, thì dự báo EIA sát thực nhất, trong khi Goldman Sachs lạc quan nhất. Tuy nhiên, cơ hội bứt phá ngưỡng 75 USD/thùng và tiến tới 80 USD/thùng đến cuối năm 2021 là hoàn toàn có thể. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định kịch bản này có xác suất cao hơn giảm sâu về 60 USD/thùng (BoA) bởi: nguồn cung hạn chế - sản lượng khai thác OPEC+ không tăng, thậm chí giảm 150.000 bpd trong tháng 8 (Angola, Kazakhstan và Nigeria); sản lượng Mỹ bị ảnh hưởng bởi bão Ida khiến 330.000 bpd bị đẩy khỏi thị trường, ít nhất đến cuối năm nay; nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng mạnh trong những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Mỹ mở cửa du lịch hàng không và thời tiết mùa đông lạnh có thể đẩy nhu cầu tăng thêm 2 triệu bpd; Brent được hỗ trợ bởi giá khí đốt thế giới tăng mạnh lên gần gấp 2 lần boe và các hàng hóa khác đã có tốc độ tăng giá nhanh hơn.

Tin thị trường: cung dầu gặp khó, giá khí ngất ngưởng chưa lối thoát
Giá dầu hiện tại và dự báo giá dầu quí 3, 4 năm 2021 và 2022.

Giá khí đốt tại châu Âu mở cửa tuần giao dịch đã tăng trở lại mốc 900 USD/1000m3 sau khi Gazprom từ chối đăng ký công suất trung chuyển bổ sung qua Ukraine trong tháng 10 và chỉ mua 1/3 (31,3 triệu trong tổng 89,1 triệu m3/ngày) công suất đường ống Yamal-Europe qua Ba Lan. Trong bối cảnh thâm hụt, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất EU – Equinor có kế hoạch tăng nguồn cung khí đốt thêm 2 tỷ m3/năm kể từ tháng 10 tới nhờ tăng sản lượng khai thác tại mỏ Oseberg từ 5 lên 6 tỷ m3/năm và Troll từ 36 lên 37 tỷ m3/năm. Na Uy năm 2020 đã xuất khẩu 112 tỷ m3, chiếm 20% thị phần khí đốt EU. Song song, Mỹ, cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đồng loạt kêu gọi Gazprom tăng nguồn cung sang thị trường châu Âu, đây là cơ hội tốt để LB Nga chứng minh là nhà cung cấp tin cậy khi tỷ lệ lấp đầy hệ thống kho chứa ngầm EU chưa đạt 72% ngay trước thềm mùa sưởi mới. Giá điện châu Âu tăng bình quân 2,5 lần so với năm 2020.

Tin thị trường: cung dầu gặp khó, giá khí ngất ngưởng chưa lối thoát
Dự báo giá điện của S&P Global Platts.

Mặc dù thị trường châu Âu đang có hiện tượng khan hiếm khí đốt, tuy nhiên, LNG chưa thể lấp đầy chỗ trống bởi:

  • Giá cả châu Âu (sàn TTF) chưa sánh kịp với châu Á (sàn JKM), nơi Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản ráo riết gom hàng trôi nổi chuẩn bị cho mùa đông tới, ngoài ra, nhu cầu Brazil phát sinh khi nước này trải qua mùa hè hạn hán kỷ lục và phải sử dụng LNG thay thế thủy điện.
  • Thị trường châu Âu mới chỉ rơi vào tình trạng thiếu hụt năm thứ 2, trong khi các luồng thương mại LNG chủ yếu giao dịch bằng hợp đồng dài hạn gắn với giá dầu thế giới, hiện đang thấp hơn nhiều so với thị trường giao ngay (spot), vì vậy, các nhà nhập khẩu đăng ký toàn bộ khối lượng hợp đồng, càng khiến hàng hóa spot khan hiếm. Để thu hút được nguồn hàng, giá châu Âu phải thật sự hấp dẫn.
  • Chi phí vận tải đến cảng nhập khẩu cao.
Tin thị trường: cung dầu gặp khó, giá khí ngất ngưởng chưa lối thoát
So sánh giá LNG Bắc Á (màu đen) và giá khí sàn TTF Hà Lan (màu đỏ)

Viễn Đông