Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông

11:12 | 27/04/2021

|
Ngày 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển phụ cận trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Suga đã chuyển tải mối lo ngại của Nhật Bản tới người đồng cấp Ấn Độ Modi về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển phụ cận như Biển Đông và biển Hoa Đông. (Nguồn: Kyodo)
Thủ tướng Suga đã chuyển tải mối lo ngại của Nhật Bản tới người đồng cấp Ấn Độ Modi về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển phụ cận như Biển Đông và biển Hoa Đông. (Nguồn: Kyodo)

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Suga đã chuyển tải mối lo ngại của Nhật Bản về "các nỗ lực đơn phương tiếp diễn và ngày càng tăng của Trung Quốc hòng làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông".

Bộ trên cho hay, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục hợp tác để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cùng với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Australia.

Nhật Bản cùng Ấn Độ, Mỹ và Australia là các nước thành viên trong nhóm Bộ tứ (Quad), nhóm được thành lập với nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hồi giữa tháng 3, các nhà lãnh đạo Bộ tứ đã tiến hành cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên theo hình thức trực tuyến, trong đó cam kết thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ và bắt nguồn từ luật pháp quốc tế để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng cũng như chống lại các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Bộ tứ tuyên bố ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết làm việc cùng nhau và với nhiều đối tác.

Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ tứ đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung đồng thời khẳng định, nhóm sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và thúc đẩy hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhằm giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Dầu mỏ: Tổng thống Philippines không ngại điều tàu chiến đến Biển ĐôngDầu mỏ: Tổng thống Philippines không ngại điều tàu chiến đến Biển Đông
Cuộc Cuộc "so kè" hiếm thấy của tàu sân bay Mỹ - Trung tại Biển Đông
"Vũ khí" Trung Quốc dùng để bành trướng phi pháp ở Biển Đông

Theo Báo Quốc tế

Thế Việt