Thời khắc quan trọng với thị trường dầu mỏ toàn cầu

18:38 | 02/07/2019

|
(PetroTimes) - Trong hai ngày 1 và 2/7, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu gặp nhau tại Vienna, để bàn về khả năng có nên gia hạn hay không thỏa thuận hạn chế sản xuất dầu.
thoi khac quan trong voi thi truong dau mo toan cau
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih và người đồng cấp Nga tại một cuộc họp báo của khối OPEC+

Một ngày trước cuộc họp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, rằng Nga và Arab Saudi đã đồng ý gia hạn thêm từ 6 đến 9 tháng thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho giá dầu.

Thỏa hiệp này, mặc dù được Nga và Arab Saudi đồng ý, nhưng phải được sự chấp thuận của tất cả 14 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 đối tác không thuộc OPEC.

24 quốc gia này, nơi bơm một nửa lượng dầu của thế giới, đã quyết định vào tháng 12/2018 giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày (mbd) để hỗ trợ giá.

Ba năm trước, Nga đã cùng hợp tác với OPEC để ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu. Tuy nhiên, mong muốn của đôi bên có sự khác biệt. Với nguồn ngân sách hiện tại, Arab Saudi mong muốn giá dầu vào khoảng 85 đôla một thùng, trong khi Moscow hài lòng với mức giá dầu Brent hiện tại, 60-65 đô la một thùng.

Khi đến Vienna, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khaled al-Falih giải thích rằng "ưu tiên" của ông là gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng nữa.

Người đồng nghiệp UAE, Suhail Mohammed Faraj Al Mazroui cũng cho biết ngày 30/6 rằng "việc gia hạn thỏa thuận là cần thiết" để "tái cân bằng" thị trường.

Thị trường dầu mỏ thế giới ngày càng phức tạp. Về phía cung, sự gia tăng căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh (các cuộc tấn công tàu chở dầu, máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ...) làm dấy lên lo ngại về an ninh nguồn cung, nhưng lại không khiến giá dầu tăng vọt.

Những rủi ro địa chính trị dường như bị lấn át bởi nhu cầu năng lượng toàn cầu suy giảm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu không sáng sủa. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hai lần cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu cho năm 2019.

Nhưng trước nhu cầu suy yếu này, nguồn cung dầu thô vẫn dồi dào. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng, cạnh tranh với OPEC và làm tăng lượng tồn kho thế giới, vốn đã cao.

Lo lắng, Arab Saudi đã giảm nguồn cung vượt xa mức cắt giảm trong thỏa thuận, chỉ bơm 9,70 triệu mbd vào tháng 5/2019, thấp hơn nhiều so với mức thỏa thuận 10,31 mbd. Hầu hết các quốc gia tham gia thỏa thuận cũng đã làm điều tương tự.

Bất chấp sự phối hợp tại G20 giữa Moscow-Ryad về gia hạn thỏa thuận cắt giảm, "tiếng nói của mọi quốc gia đều được coi trọng, mọi người đều có thể phủ quyết", Bộ trưởng UAE cho biết, và nói thêm rằng thời hạn kéo dài việc cắt giảm sản xuất (sáu hoặc chín tháng) sẽ được đưa ra tranh luận.

Theo Bloomberg, Venezuela và Nigeria đã bày tỏ "hỗ trợ có điều kiện" cho việc gia hạn thêm 9 tháng.

Mặc dù theo truyền thống, OPEC thường đặt mục tiêu cho sáu tháng, nhưng có thể lần này họ sẽ thiết lập một cam kết đến đầu năm 2020 để đẩy giá dầu tăng lên rõ ràng.

"Chúng tôi tin rằng các thỏa thuận ổn định nguồn cung của chúng tôi (...) đã có tác động tích cực", ông Putin nhận định trên tờ Financial Times của Anh ngày 28/6. Chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC + cho đến nay đã được đền đáp, vì giá của một thùng dầu Brent đã tăng 22% kể từ tháng 1/2019.

Nhưng với Điện Kremlin, điều đó không phải là quan trọng nhất. Việc tham gia liên minh OPEC+ còn đem lại cho Nga một lợi thế ngoại giao quan trọng, cho phép Moscow tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông.

thoi khac quan trong voi thi truong dau mo toan cauTổng thống Putin tiết lộ thỏa thuận giữa Nga và Arab Saudi về thị trường dầu mỏ
thoi khac quan trong voi thi truong dau mo toan cauArab Saudi muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ
thoi khac quan trong voi thi truong dau mo toan cauNga lo sợ kịch bản giá dầu 30 đôla/thùng tái diễn
thoi khac quan trong voi thi truong dau mo toan cauNga không muốn mất thị phần dầu khí vào tay Mỹ

Nh.Thạch

AFP