Thị trường dầu mỏ: Liệu có sự “đổi ngôi”?

10:44 | 26/04/2019

|
(PetroTimes) - Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thị trường dầu mỏ trong 5 năm tới có thể có sự “đổi ngôi”. Mỹ đang vươn lên sánh ngang với Arập Xêút trong sản xuất và Nga có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Liệu Nga có đánh mất vị thế của mình? Dầu khí đá phiến có thể trở thành luồng hơi tiếp sức cho thị trường dầu mỏ hay không?

Những dự báo tươi sáng

Theo dự đoán từ IEA, Mỹ có thể trở thành nhà xuất khẩu ròng về dầu mỏ cùng các sản phẩm liên quan vào năm 2021 và sẽ nhanh chóng vượt qua Nga vào năm 2024. Chính sự phát triển vượt bậc trong việc khai thác và sản xuất nhiên liệu lỏng đã giúp Mỹ tiến đến vị trí “đầu tàu” về nguồn cung dầu mỏ, các chuyên gia phân tích.

thi truong dau mo lieu co su doi ngoi
Thị trường dầu mỏ: Liệu có sự “đổi ngôi”?

Vào tháng 3-2018, sản xuất của Mỹ đã tăng gấp đôi và bắt kịp Arập Xêút (Mỹ sản xuất 9,96 triệu thùng/ngày so với 9,92 triệu thùng/ngày của Arập Xêút) sau hơn 20 năm phấn đấu. Đến tháng 8-2018, sản lượng của Mỹ cán mốc kỷ lục (đạt 11,3 triệu thùng/ngày) giúp Mỹ vượt lên trước Nga (đang sản xuất 11,2 triệu thùng/ngày). Đây là phép màu kỳ diệu chưa từng xảy ra kể từ năm 1999.

Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, Nga đã nhanh chóng chiếm lại vị thế. Nhưng IEA cho biết, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã sẵn sàng để tiến xa hơn. “Đến năm 2024, Mỹ có thể chiếm 70% tổng mức tăng sản xuất toàn cầu và cung cấp thêm cho thị trường 4 triệu thùng/ngày”, IEA thông tin.

Chính việc đẩy mạnh sản xuất dầu đá phiến là hậu phương vững chắc giúp Mỹ vươn lên. “Làn sóng cách mạng dầu khí đá phiến lần hai của Mỹ đang ở ngay trước mắt”, Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA nói.

Những tranh cãi phía sau

Nếu thỏa thuận OPEC không tiếp tục gia hạn trong 6 tháng cuối năm 2019, sản lượng dầu của Nga có thể tăng đến mức kỷ lục 11,8 triệu thùng/ngày từ nay đến năm 2021. Đây là kết quả tốt đẹp nhờ việc khai thác các mỏ dầu mới của Tập đoàn Rosneft, cũng như việc sản xuất khí ngưng tụ ở các mỏ Messoïakha, Kouïoumbine và Dự án Yamal LNG của ông lớn Novatek. Tuy nhiên, đến năm 2024, con số trên có thể giảm còn 11,6 triệu thùng/ngày do trữ lượng dầu từ các mỏ dần cạn kiệt, IEA dự đoán.

Riêng các nhà phân tích của VTB Capital cho rằng: Sản lượng dầu mỏ của Nga sẽ tiếp tục tăng chứ không hề tụt giảm như IEA dự đoán, vì Nga có đủ tất cả tiêu chí để tiến xa trên thị trường dầu mỏ.

“Nga vẫn có thể tăng đều đặn, đạt tới 11,9 triệu thùng/ngày nhờ nguồn cung dồi dào từ các mỏ dầu đang hoạt động của Rosneft và Kouïoumbine (do Rosneft và Gazprom Neft đồng điều hành), cũng như Tatneft đang tăng cường việc sản xuất của mình”, VTB Capital khẳng định.

Các chuyên gia của VTB Capital cũng bày tỏ nghi ngờ về tiềm năng của làn sóng cách mạng dầu khí đá phiến ở Mỹ. “Đây là khu vực có sản lượng tăng đáng kể nhất, nhưng chỉ trong 6 năm nữa, nguồn cung này có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn trước nhu cầu tăng mạnh của thị trường”, các chuyên gia nói.

Về phía Nga, quốc gia dầu khí này đã đánh dấu kỷ lục với 11,5 triệu thùng/ngày và 733 triệu m3 khí đốt trong năm 2018. Tổng mức xuất khẩu khí của Nga đạt 245 tỉ m3.

Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực dầu khí trên thế giới cũng tin chắc Nga vẫn là nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất.

Theo dự đoán của Tập đoàn Dầu khí Anh quốc - BP, Nga có thể đáp ứng 5% nhu cầu hydrocarbon toàn cầu và sản xuất dầu mỏ sẽ chiếm 14% trong vòng 20 năm tới, ước tính có thể chạm mốc 12,5 triệu thùng/ngày.

Ngành công nghiệp đầy rủi ro

Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đã mở đường cho sản xuất dầu mỏ của Mỹ phát triển mạnh mẽ. Nhưng trong năm 2014, việc sản xuất đã bị ngưng trệ do sự sụp đổ giá dầu mỏ toàn cầu gây ảnh hưởng lớn đến các dự án trong lĩnh vực dầu khí đá phiến. Chỉ khi Nga, Arập Xêút và hơn 20 quốc gia thỏa thuận điều tiết việc sản xuất của mình giúp tái cân bằng thị trường và giá cả, thì ngành công nghiệp đá phiến mới có cơ hội lấy lại vị trí đầu bảng ở Mỹ.

Hiện tại, sản xuất dầu mỏ của Mỹ đạt khoảng 11,5 triệu thùng/ngày, sánh ngang với Nga nhờ sự bùng nổ dầu đá phiến. Tuy nhiên, nhật báo Wall Street Journal cho biết, Mỹ rất khó để duy trì con số trên vì các nhà khai thác phải tốn rất nhiều chi phí để đầu tư cho việc khoan thêm nhiều giếng. Vấn đề là các nhà sản xuất không có đủ tiền, nhất là khi giá dầu đang giảm 40% buộc họ phải cắt giảm các khoản chi. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bắt đầu quay lưng với các dự án trong lĩnh vực đá phiến.

“Trong 5 năm qua, có đến hàng nghìn giếng dầu đá phiến được khoan, nhưng trữ lượng của chúng đang dần ít đi và thấp hơn nhiều so với những gì bên khai thác cam kết với nhà đầu tư. Do đó, liệu ngành dầu đá phiến có đạt được những triển vọng và lợi nhuận như đã đề ra? Mỹ có thể dựa vào ngành công nghiệp này để thỏa mãn tham vọng trở thành siêu cường quốc dầu mỏ không?”, Wall Street Journal viết.

Năm 2018, các nhà đầu tư đã nhận lấy sự thất vọng khi đặt một nửa số vốn vào lĩnh vực dầu đá phiến trong năm 2016. Đối mặt với tình hình thiếu ngân sách, họ buộc phải cắt giảm chi phí trong năm 2019.

Theo các chuyên gia, các công ty dầu khí đá phiến đang bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn, do đặc thù của các giếng dầu đá phiến rất mau cạn kiệt (sau khi khoan, các giếng này không có khả năng phục hồi trữ lượng).

Ngoài ra, dầu đá phiến cũng bị phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu. Ông Robert Dudley - CEO của BP cho biết, đây là thị trường không có trung tâm đầu não, nhưng lại rất nhạy với giá cả.

Chi phí cho một thùng dầu thô WTI thường dao động trên dưới 57 USD. Mức giá như thế không thể mang đến lợi nhuận cho các công ty. Để có thể thu lãi, mức giá phải trên 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, dù giá dầu có được cải thiện, thị trường dầu đá phiến vẫn bị hạn chế rất nhiều. Trước tình hình trữ lượng đang dần suy giảm, ông John Hess - CEO tập đoàn dầu đá phiến Hess đã lên tiếng: Không thể để dầu đá phiến tiếp tục dẫn dắt thị trường dầu mỏ Mỹ.

Hiện tại, sản xuất dầu mỏ của Mỹ đạt khoảng 11,5 triệu thùng/ngày sánh ngang với Nga nhờ sự bùng nổ dầu đá phiến. Tuy nhiên, Mỹ rất khó để duy trì con số trên vì các nhà khai thác phải tốn rất nhiều chi phí để đầu tư cho việc khoan thêm nhiều giếng.

S.Phương