Thị trường carbon - Những bước khởi đầu

08:00 | 03/03/2021

1,314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Qua 5 năm thực hiện, Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam (VNPMR) đã cơ bản hoàn thành bộ khung về cơ chế chính sách để doanh nghiệp có thể mua bán khí thải trong quá trình sản xuất kinh doanh. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thị trường mới mẻ này.
Thị trường carbon - Những bước khởi đầu

TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Lợi thế và cơ hội

Định giá các-bon là một cách tiếp cận nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng lớn trở thành cơ hội khi tăng đáng kể lợi thế cạnh tranh trong nước và quốc tế từ các lợi ích của việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm làm minh chứng cho việc tăng giá sản phẩm một cách minh bạch.

Nếu doanh nghiệp tận dụng được các cơ chế linh hoạt trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ có lợi nhuận từ chính các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.

Thị trường carbon - Những bước khởi đầu
Phát thải khí nhà kính
Thị trường carbon - Những bước khởi đầu

Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh - Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính: Vẫn còn nhiều hạn chế

Hiện nay, trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh đã có đầy đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn chưa được phát hành bởi thiếu các tiêu chí để định giá, chưa có cơ chế khuyến khích. Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu là tăng cường xây dựng thể chế, phát triển thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

Trong chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, chúng tôi đã sử dụng tổng hợp các biện pháp tài chính để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chưa có quy định trực tiếp đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cụ thể như thuế, phí đánh vào khí thải. Vẫn còn những tồn tại trong thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, phí và lệ phí..., có dấu hiệu chồng chéo, chưa minh bạch. Mặt khác, hệ thống văn bản còn cồng kềnh, chi từ nguồn chi thường xuyên về bảo vệ môi trường còn dàn trải, chưa có trọng điểm.

Thị trường carbon - Những bước khởi đầu

Ông Hoàng Văn Tâm - Phó chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và Phát triển môi trường xanh, Bộ Công Thương: Ngành thép đã sẵn sàng

Sản lượng thép thô tăng nhanh gấp 3 lần trong giai đoạn 2015-2019, dự báo đến năm 2030, sản lượng sẽ gấp đôi sản lượng hiện nay.

Phần lớn phát thải tiêu thụ năng lượng là do các nhà máy thép sử dụng công nghệ lò thổi ôxy BOF chiếm 77% tổng phát thải trong năm 2018 và tăng lên 92% vào giai đoạn 2025-2030.

Phát thải của toàn ngành thép năm 2025 dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với phát thải năm 2020, vào khoảng 49 triệu tấn CO2; năm 2030 khoảng 67 triệu tấn CO2.

Thông qua các kết quả hợp phần thép, dự án kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường cụ thể hóa nội dung nghiên cứu của hợp phần thép trong quá trình ban hành quy định về giảm phát thải khí nhà kính theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Có thể lấy ngành thép làm một trong những lĩnh vực thí điểm giai đoạn đầu của thị trường các-bon Việt Nam.

Thị trường carbon - Những bước khởi đầu

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng: Tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân

Ước tính các khoản đầu tư của khu vực tư nhân cho dự án, giải pháp hiệu quả năng lượng khoảng 100-300 triệu USD/ngành trong giai đoạn 2010-2015. Ước tính tổng đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 6 năm qua lên đến 9,75 tỉ USD (235 dự án) góp phần giảm hằng năm ít nhất 15 triệu tấn CO2 tương đương. Với sự linh hoạt và tăng trưởng mạnh, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn lớn nhất về vốn đầu tư.

Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng, thay vì một nguồn đầu tư duy nhất, mô hình kết hợp các công cụ huy động tài chính được đánh giá là khả thi nhất. Theo đó, mô hình định giá các-bon (dự kiến từ năm 2026) kết hợp nền tảng trái phiếu xanh được khuyến nghị là hai cơ chế cốt lõi để huy động tài chính.

Các cơ chế khác bao gồm các quỹ xanh cấu trúc (cả trong nước và quốc tế), cho vay thương mại như cho vay hợp vốn, mục tiêu năng lượng tái tạo, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối cũng là những kênh và công cụ phù hợp để tăng cường tài chính cho khu vực tư nhân.

Thị trường carbon - Những bước khởi đầu

Ông Lương Quang Huy - điều phối viên Dự án VNPMR: Học hỏi kinh nghiệm các nước

Để hình thành, phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam, đầu tiên chúng ta phải đánh giá một cách toàn diện tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường, hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai, chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã áp dụng các công cụ định giá các-bon và phát triển thị trường các-bon. Thứ ba, chúng ta phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Cuối cùng, chúng ta phải có một hệ thống tương đối toàn diện, bắt đầu từ các hoạt động thí điểm, tiến tới vận hành đầy đủ thị trường các-bon ở Việt Nam và kết nối với thị trường các-bon thế giới trong tương lai.

Đến nay, đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các-bon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát là 12 tỉ tấn CO2, chiến 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Thành Công

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc