THẾ GIỚI 24H: Hy Lạp cầu cứu Nga và nhóm BRICS

06:00 | 08/07/2015

1,551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quá ngán các điều kiện của chủ nợ châu Âu, Hy Lạp bắn tiếng muốn nhờ Nga và Ngân hàng Phát triển BRICS giải cứu khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Tổng thống Nga Putin

Trong cuộc phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, Yuri Ushakov, Trợ lý Tổng thống Nga hôm qua nói rằng Moskva đã nghe thấy tín hiệu về nguyện vọng của Hy Lạp muốn liên kết với Ngân hàng Phát triển BRICS, nhưng đề tài này chưa được thảo luận ở cấp chính thức. Ông Ushakov lưu ý rằng Ngân hàng Phát triển BRICS chưa làm việc với Hy Lạp, mà còn phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ và vấn đề của mình trước hết.

"Ngân hàng còn cần dành ưu tiên hoạt động chức năng cho những vấn đề của mình, và có thể nói rằng đương nhiên Ngân hàng BRICS sẽ không khởi đầu công việc với vấn đề của Hy Lạp, mà tập trung giải quyết nhiệm vụ riêng đã đặt ra. Nhưng như tôi đã nói, đề tài Hy Lạp sẽ được thảo luận, nhưng không phải là trong bối cảnh liên kết với Ngân hàng Phát triển BRICS, ngay cả trong khoảng thời gian xa hơn"-Trợ lý Tổng thống Nga tuyên bố như vậy khi được yêu cầu bình luận về thông tin Hy Lạp có thể nhận các khoản vay cho một số dự án nào đó.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi, liệu có khả năng Nga giúp đỡ Hy Lạp bằng kinh phí trong Ngân hàng Phát triển BRICS, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga đã tuyên bố rằng đó là vấn đề quan hệ tương hỗ của Hy Lạp, các nhà cấp tín dụng và tổ chức tài chính.

Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, tổng số nợ nước này tính đến ngày 1/4/2015 là 312,7 triệu euro. Hy Lạp đàm phán với EU và IMF để giải quyết số nợ hình thành sau khi giải cứu ngân sách Hy Lạp trước nguy cơ phá sản năm 2010 và 2012.

Trong bối cảnh những áp lực từ chủ nợ, BRICS có thể là một lựa chọn tốt đối với Hy Lạp-Research Global viết. Hồi tháng 5/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Storchak đã đề xuất Thủ tướng Hy Lạp để nước này làm thành viên thứ sáu của BRICS. Thủ tướng Hy Lạp bày tỏ sự quan tâm vì đây là một giải pháp cho phép Hy Lạp tiếp cận Ngân hàng Phát triển BRICS. Tác giả bài viết cho rằng: "Mục đích ngân hàng Phát triển BRICS là chấm dứt sự thống trị của phương Tây trong các thị trường tài chính và trở thành một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu. Khả năng Nga và Trung Quốc có thể hỗ trợ được tài chính cho Hy Lạp. Hiện nay, Athens đang tiến hành đàm phán với các thành viên khác của BRICS về triển vọng tham gia tổ chức. Hoạt động sẽ được tiếp tục tại Hội nghị thượng đỉnh tại Ufa vào ngày 9-10 tháng 7".

Philippines điều trần tại Tòa án Trọng tài quốc tế

Hôm 7/7/2015, lần đầu tiên kể từ khi Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc vào năm 2013, liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Tòa án Trọng Thường trực của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, bắt đầu nghe đại diện chính quyền Manila trình bày lập trường của mình.

Tòa án sẽ xác định xem bên nào có quyền sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng biển mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN cũng như Mỹ theo dõi chặt chẽ vụ kiện này.

Nhóm chuyên gia Philippines đưa ra các lập luận và tài liệu để chứng mình rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này.

Theo giới chuyên gia, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ít có khả năng được thực thi, bởi vì Tòa án không có cảnh sát hoặc cơ chế pháp lý ràng buộc thực hiện quyết định của tòa.

Tuy vậy, nếu Tòa ra phán quyết có lợi cho Philippines thì đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của chính quyền Manila và có thể khuyến khích các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc đi theo con đường này.

Nga cảnh giác đảo chính tại Armenia

Các đơn vị quân đội Nga đóng tại Armenia đã được lệnh kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát tại quốc gia vùng Kavkaz này.

Trong một thông báo phát đi ngày 7/7, quân khu phương Nam của quân đội Nga cho biết một ủy ban kiểm tra sẽ thị sát khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị không quân đóng tại Erabuni và căn cứ Gyumri nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao. Nga đã đặt căn cứ quân sự tại Armenia từ năm 1995.

Một cuộc tập trận cũng sẽ được tiến hành tại khu vực vùng núi Kamkhud và Alagyaz, dưới sự giám sát của máy bay không người lái.

Quân đội Nga gần đây đã tăng cường kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội đóng từ Bắc Cực tới vùng Viễn Đông trong bối cảnh quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng do cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Động thái mới nhất diễn ra khi các cuộc biểu tình tại Armenia nổ ra từ hơn 2 tuần qua, sau kế hoạch tăng giá điện lên hơn 16%.

Chính quyền của Tổng thống Serzh Sarkisian đã cáo buộc các thế lực thù địch kích động biểu tình và việc tăng giá điện chỉ là cái cớ để khuấy động một cuộc cách mạng sắc màu như kịch bản diễn ra ở Ukraina.

Hình ảnh ấn tượng

Người dân trú ẩn dưới nóc một điểm dừng xe buýt trên đường cao tốc bị ngập lụt sau khi cơn bão nhiệt đới Linfa ập vào thị trấn Luna ở tỉnh La Union, miền bắc Philippines

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc