Tại sao liên minh OPEC+ sụt giảm sản lượng trong tháng 3?

09:01 | 25/04/2022

|
(PetroTimes) - Tháng 3 vừa qua là tháng đầu tiên trong vòng hơn một năm mà liên minh OPEC+ sa sút so với kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu, thậm chí phải ghi nhận sự sụt giảm.
Tại sao liên minh OPEC+ sụt giảm sản lượng trong tháng 3?

Theo dữ liệu sơ bộ từ S&P Global Platts, nếu 10 quốc gia OPEC tham gia thỏa thuận đã tăng nguồn cung thêm 80.000 bpd (so với tháng 2), nâng tổng nguồn cung lên 24,39 triệu bpd, thì 9 quốc gia ngoài OPEC đã sụt giảm sản lượng khoảng 160.000 bpd. Do đó, mức sụt giảm sản lượng chung của cả liên minh trong tháng vừa qua là 80.000 bpd.

Không chỉ Nga

Thoạt nhìn vào con số tổng hợp của S&P Global Platts, nhiều ý kiến cho rằng, sản lượng của OPEC+ sụt giảm là do tác động của các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, “bức tranh” sản lượng có phần phức tạp hơn. Theo S&P Global Platts, sản lượng khai thác dầu của Nga trong tháng 3 đã giảm 70.000 bpd, xuống còn 10,04 triệu bpd. Tuy nhiên, số liệu từ Cục điều tiết năng lượng, Bộ Năng lượng Nga lại cho thấy, sản lượng khai thác của Nga trong tháng 3 là 11,01 triệu bpd, chênh lệch lớn so với số liệu của S&P Global Platts. Cục điều tiết năng lượng cũng không ghi nhận mức sụt giảm sản lượng nghiêm trọng trong tháng 3 vừa qua. Mức sụt giảm so với tháng 2 là 50.000 bpd. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 4/2022, cơ quan này công bố, sản lượng khai thác tại Nga đã sụt giảm mạnh 810.000 bpd, xuống còn 10,2 triệu bpd.

Nhìn sang nhà sản xuất dầu mỏ láng giềng Kazakhstan, sản lượng dầu của nước này trong tháng 3/2022 đã giảm 100.000 bpd, xuống còn 1,55 triệu bpd. Bộ Năng lượng Kazakhstan cho biết, ngành công nghiệp dầu khí của mình bị ảnh hưởng do sự cố về neo đậu tàu ngoài khơi Biển Đen, cửa ra của Đường ống dẫn dần trung chuyển Caspian Pipeline Consortium (CPC). CPC là kênh xuất khẩu dầu chính của Kazakhstan. Vì lý do này, Bộ năng lượng Kazakhstan dự báo, sản lượng trong tháng 4 sẽ giảm 320.000 bpd. Trong số các nước khác của liên minh OPEC+ (mà không phải là thành viên của OPEC), Azerbaijan ghi nhận giảm 20.000 bpd trong tháng 3, Brunei giảm 10.000 bpd.

OPEC thì sao?

Hai thành viên Angola và Nigeria trở thành hai nhà sản xuất dẫn đầu về cắt giảm sản lượng trong tháng 3 vừa qua. Angola ghi nhận giảm 20.000 bpd, xuống còn 1,16 triệu bpd. Nigeria giảm 30.000 bpd, xuống còn 1,52 triệu bpd. Ngành dầu mỏ Angola đang gặp vấn đề suy giảm sản lượng trong dài hạn. Khối lượng khai thác của nước này đã giảm hơn 1/3 so với mức của năm 2016 (theo số liệu của BP là 1,8 triệu bpd). Các nhà chức trách Angola đã lên kế hoạch ngăn chặn đà suy giảm bằng cách cấp giấy phép sản xuất tại 10 khu vực ngoài khơi thuộc lưu vực Namibe và Benguela ở Tây Phi. Tuy nhiên, vào năm 2020, Cơ quan quốc gia về dầu khí và nhiên liệu sinh học, do gặp khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư, đã buộc phải hoãn đấu thầu, dẫn đến nguy cơ Angola phải cắt giảm sản lượng hơn nữa. Theo đánh giá của Rystad Energy, Angola sẽ giảm 6% sản lượng tiềm năng trong năm 2022. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% đến năm 2029.

Nigeria cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, xuất phát một phần từ mối đe dọa tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nhóm phiến quân Reformed Niger Delta Avengers. Theo Rystad Energy, trong giai đoạn 2021 - 2026, quốc gia này sẽ giảm sản xuất một số loại dầu ngọt nhẹ (Egina, Bonga và Qua IBoe) với mức giảm 180.000 bpd. Các nhà sản xuất Tây Phi khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Tổng sản lượng ở Gabon và Guinea Xích Đạo đã giảm 25% trong tháng 3, xuống còn 280.000 bpd. Đồng thời, không giống như hầu hết phần còn lại của thế giới, cả khu vực Tây Phi nói chung không thể chuyển sang tăng sản lượng trong thời kỳ hậu khủng hoảng Covid-19. Theo Rystad Energy, toàn khu vực đã sản xuất 4,12 triệu bpd trong năm 2019, sau đó giảm xuống mức 3,71 triệu bpd trong năm 2020 và xuống còn 3,39 triệu bpd trong năm 2021.

Nền tảng tăng giá cho thị trường

Khác với sụt giảm sản lượng ở khu vực Tây Phi, sự gia tăng nguồn cung ở các nước Trung Đông được ghi nhận ở mức rất vừa phải. Trong tháng 3 vừa qua, Iraq ghi nhận tăng thêm sản lượng 80.000 bpd, lên mức 4,34 triệu bpd. Kuwait tăng thêm 20.000 bpd, lên mức 2,62 triệu bpd. Như vậy, các quốc gia Trung Đông đang tiếp tục tụt hậu so với kế hoạch tăng sản lượng trong OPEC+ khi: Iraq sản xuất ít hơn 30.000 bpd so với hạn ngạch, Kuwait sản xuất ít hơn 19.000 bpd và KSA ít hơn 81.000 bpd. Cùng với sự sụt giảm sản lượng ở Libya trong tháng 3 (giảm 50.000 bpd), xuống còn 1,07 triệu bpd, những điều trên đã tạo nền tảng tăng giá cho thị trường dầu vốn đã quá “nóng” dưới tác động của tình hình địa chính trị.

Các kết quả thống kê của tháng 4 liên quan đến sản lượng sẽ là một tín hiệu tăng giá rõ rệt khác, có tính đến việc sụt giảm sản lượng ở Nga và Kazakhstan (như đã đề cập ở trên), cũng như việc đình chỉ tất cả các hoạt động tại mỏ dầu lớn nhất Libya Ash-Sharara. Điều duy nhất có thể phần nào giúp Iran trở lại thị trường dầu mỏ là triển vọng của việc tái ký kết thỏa thuận hạt nhân. Số phận của thỏa thuận này sẽ trở thành một ngã ba quan trọng trên thị trường dầu trong những tuần tới.

Tiến Thắng