Tại sao cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc lại là một vấn đề lớn

08:46 | 02/10/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 30/9/2021 có bài phân tích một số nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng điện ở Trung Quốc và tác động của nó đến thị trường và nền kinh tế. Một số nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo của mình về tăng trưởng GDP của Trung Quốc, một số nhà quan sát khác vẫn đang chờ xem quy mô của tác động.

Nguồn cung than giảm, giá tăng

Cuối năm 2020, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Úc, từng là nguồn nhập khẩu than lớn nhất của Trung Quốc. Căng thẳng chính trị giữa hai nước tác động đến quan hệ thương mại song phương. Thời tiết lạnh giá lịch sử vào mùa đông năm 2020 đã làm tăng nhu cầu về than. Một số thành phố báo cáo là đã phải hạn chế sử dụng điện gia đình và nhà máy. Cùng với sự gia tăng giá hàng hóa toàn cầu, than nhiệt, nhiên liệu chính để sản xuất điện, đã tăng giá hơn 40% trong 12 tháng, lên khoảng 777 NDT/tấn (119,53 USD) vào tháng 12/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu. Đầu năm 2021, Trung Quốc đã công bố các mục tiêu trong 5 năm để đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030. Trung Quốc đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tăng tỷ trọng của nhiên liệu không hóa thạch lên 20% so với mức 15% hiện nay.

Năng lượng tái tạo giảm

Trong khi Trung Quốc cố gắng chuyển sang năng lượng tái tạo, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã ập đến trung tâm thủy điện của tỉnh Vân Nam. Thủy điện đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước vào tháng Bảy và tháng Tám. Năng lượng gió tăng chậm lại, tăng 7% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng trưởng 25,4% trong tháng 7. Các nhà phân tích cho rằng các mục tiêu về khí hậu của Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm mới nhất là thấp hơn so với dự kiến. Trong báo cáo ngày 15/9, tổ chức quốc tế Theo dõi Hành động Khí hậu (Climate Action Tracker), chuyên đánh giá nỗ lực của các quốc gia về đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đánh giá chính sách và hành động của Trung Quốc là “không đủ”. Phần lớn điện ở Trung Quốc vẫn được tạo ra từ than đá. Tốc độ tăng trưởng sử dụng điện năng hàng năm đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Tại sao cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc lại là một vấn đề lớn
Một nhà máy nhiệt điện tại Thượng Hải. Ảnh:Hector Retamal/AFP/Getty Images.

Bắt đầu việc phân phối điện

Ngoài vấn đề nhiệt độ khắc nghiệt, các nhà máy đang ngày càng cần nhiều điện năng hơn khi gấp rút thực hiện các đơn đặt hàng toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng hai con số trong bối cảnh đại dịch. Tháng 5/2021, các nhà phân tích của tổ chức tư vấn Eurasia Group cho biết nhu cầu về năng lượng điện đã tăng lên cùng với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Họ lưu ý rằng một số trung tâm công nghiệp dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc, bao gồm Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông, đã cảnh báo về khả năng thiếu điện tạm thời trong mùa cao điểm mùa hè.

Tháng 6/2021, việc hạn chế điện đã diễn ra ở một số khu vực của trung tâm xuất khẩu Quảng Đông. Nguồn cung than giảm do các mỏ đóng cửa trong nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải carbon. Tháng 8/2021, dự trữ than của các nhà máy nhiệt điện lớn đã ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tuần qua, việc cắt điện lớn đã xảy ra tại các nhà máy ở thành phố Đông Quan, trung tâm sản xuất của Quảng Đông. Tình trạng mất điện đột ngột cũng diễn ra tại nhiều nơi phía đông bắc Trung Quốc, trong đó có các khu dân cư của tỉnh Liêu Ninh. Theo dữ liệu chính thức từ tháng Giêng đến tháng Tám, tỉnh Quảng Đông chiếm 23% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc, Liêu Ninh chiếm 1,6%.Việc cắt điện đồng nghĩa là sản phẩm không thể giao đúng hạn. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Thượng Hải và cảng Ninh Ba. Sự sụt giảm sản xuất đã làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng ra nước ngoài. Giá vận chuyển đến Bờ Tây nước Mỹ đã giảm từ 15.000 USD/container xuống còn 9.000 USD/container. Sự sụt giảm đã diễn ra từ ngày 24/9/2021. Reuters đưa tin hơn 10 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc đã bị hạn chế sử dụng điện.

Tại sao cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc lại là một vấn đề lớn
Mạng lưới điện tại tỉnh Triết Giang. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Mạng lưới điện Nhà nước của Trung Quốc cam kết đảm bảo nguồn điện, đặc biệt là cho người dân và sẽ cho phép sản xuất nhiều than hơn và tăng nhập khẩu than. Cơ quan chức năng cho biết nhu cầu điện trong mùa đông này có thể vượt mức cao nhất của mùa hè và mùa đông vừa qua. Giá than nhiệt đã tăng gần gấp đôi trong năm nay, giao dịch ở mức gần 1.319 NDT/tấn vào giữa ngày thứ Năm.

Ảnh hưởng kinh tế

Khi nói đến tác động kinh tế, có nhà phân tích cho rằng việc cắt điện chủ yếu là do chính quyền địa phương không có khả năng điều chỉnh giá điện, phần lớn giá điện do nhà nước ấn định. Tác động của việc hạn chế điện tương đương với một thảm họa thiên nhiên. Một số nhà kinh tế khác cho rằng việc hạn chế điện sẽ có tác động nghiêm trọng hơn. Ngân hàng đầu tư Nomura đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc, tiếp theo là Goldman Sachs. Trưởng chuyên gia kinh tế tại Pinpoint Asset Management Zhiwei Zhang cho biết việc cắt điện tự nó có thể không đủ đáng kể, nhưng kết hợp với tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và bùng phát đại dịch Covid trong khu vực, các nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn về tăng trưởng GDP trong Quý IV. Zhiwei Zhang đã hạ dự báo cho Quý IV từ 5% xuống 4%. Hầu hết các chuyên gia kinh tế tại các tổ chức tài chính khác chưa điều chỉnh dự báo mà đang chờ xem mức độ sụt giảm sản xuất sẽ như thế nào./.

Thanh Bình