Shell bán 9,5 tỷ $ tài sản dầu khí cho ConocoPhillips, hướng tới năng lượng sạch

11:20 | 23/09/2021

|
(PetroTimes) - Royal Dutch Shell ngày 20/9 cho biết họ sẽ bán tài sản ở lưu vực Permian cho ConocoPhillips với giá 9,5 tỷ USD, trong một nỗ lực nhằm chuyển trọng tâm sang phát triển năng lượng sạch.
Shell bán 9,5 tỷ $ tài sản dầu khí cho ConocoPhillips, hướng tới năng lượng sạch

Đối với ConocoPhillips, đây là thương vụ mua lại lớn thứ hai trong một năm ở trung tâm ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, trong bối cảnh các nhà khai thác Mỹ và châu Âu đang cân nhắc có nên tập trung vào hydrocacbon trong tương lai hay không.

Giống như tất cả các công ty dầu mỏ lớn khác trên thế giới, Shell cũng đang chịu áp lực từ các nhà đầu tư trong việc giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, để giúp giảm lượng khí thải carbon toàn cầu và chống lại biến đổi khí hậu.

Các công ty tại châu Âu, bao gồm Shell và BP đã đặt mục tiêu từng bước rời khỏi sản xuất dầu thô trong khi tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng không hóa thạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, các công ty Mỹ như Exxon Mobil và Chevron đang tăng gấp đôi lượng hydrocacbon.

Thông qua thỏa thuận với Shell, ConocoPhillips trở thành nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trong 48 tiểu bang vùng hạ (Lower 48) chỉ sau Exxon, cũng như tăng thêm khoảng 200.000 thùng/ngày sản lượng dầu tương đương vào tổng sản lượng của mình. Mặc dù vậy, công ty này cũng tuyên bố sẽ thắt chặt các mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính.

Để có tiền thanh toán cho thỏa thuận, ConocoPhillips sẽ tăng mục tiêu thoái vốn của chính mình vào năm 2023 lên từ 4 tỷ đến 5 tỷ USD, tăng từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD.

Đối với Shell, việc bán tài sản tại Permian sẽ khiến hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Shell ở Mỹ hầu như hoàn toàn chỉ còn ở ngoài khơi Vịnh Mexico, nơi họ là nhà khai thác lớn nhất.

Thỏa thuận mua bán được công bố cùng ngày Shell tiết lộ thiệt hại đối với các cơ sở ngoài khơi sau cơn bão Ida, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng từ khu vực này vào đầu năm tới.

Lãnh đạo cấp cao của Shell, Wael Sawan nói với Reuters: "Chúng tôi vẫn tiếp tục tin rằng đây là một vị trí rất có giá trị".

Ông Sawan cho biết, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào các tài sản dầu khí hàng đầu của mình trên toàn cầu.

Mỹ sẽ tiếp tục chiếm khoảng 1/3 chi tiêu toàn cầu của Shell, tập trung chủ yếu vào vị trí Vùng Vịnh cũng như hóa dầu và năng lượng tái tạo.

Shell sẽ trả lại 7 tỷ USD tiền thu được cho các cổ đông dưới dạng cổ tức dựa trên các cam kết hiện có, phần còn lại sẽ dùng để trả nợ. Trong khi đó, Conoco cũng thông báo sẽ tăng 7% thanh toán tiền mặt hàng quý cho cổ đông kể từ ngày 1/12.

Shell đẩy nhanh kế hoạch trung hòa carbon Shell đẩy nhanh kế hoạch trung hòa carbon
Royal Dutch Shell bị loại khỏi mỏ dầu đang khai thác ở Nigeria Royal Dutch Shell bị loại khỏi mỏ dầu đang khai thác ở Nigeria

Bình An