Tàu chở dầu Safer của Yemen

Quả bom sinh thái nổ chậm

19:29 | 16/08/2019

|
(PetroTimes) - Tàu chở dầu Safer, bị bỏ hoang 4 năm nay ở phía Bắc thành phố Hodeïda của Yemen với hơn 1 triệu thùng dầu trên tàu, có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Đây là kết luận của các nhà phân tích thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, được trình bày trong một báo cáo công bố cuối tháng 7-2019.

Mọi chuyện bắt đầu như thế nào?

Chiếc tàu chở dầu biến thành một quả bom nổi sau khi Yemen rơi vào cuộc nội chiến. Con tàu bị bỏ hoang, đã không được duy trì trong hơn 4 năm, có khả năng gây ra một thảm họa sinh thái chưa từng có ở Biển Đỏ.

Các thùng chứa dầu của nó nhiều gấp 4 lần so với tàu chở dầu Exxon Valdez, bị mắc cạn ở Alaska vào ngày 23-3-1989 sau đó đổ ra biển 260.000 thùng dầu bao phủ một khu vực rộng lớn 28.000km², cạnh vịnh Prince William. 2.000km đường bờ biển đã bị ô nhiễm. Thảm họa sinh thái này được coi là lớn nhất trên biển cho đến khi xảy ra sự cố khoan Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico vào ngày 20-4-2010.

“Nếu tàu chở dầu này bị phân rã hoặc phát nổ, toàn bộ bờ Biển Đỏ sẽ bị ô nhiễm. Tùy thuộc vào mùa và dòng hải lưu, sự cố tràn dầu có thể lan từ eo biển Bab el Mandeb đến kênh đào Suez, hoặc thậm chí đến eo biển Hormuz. Tôi thậm chí không dám ước tính con số thiệt hại sẽ gây ra bởi vụ nổ hoặc sự phân hủy của tàu Safer. Chính Liên Hiệp Quốc phải quyết định sẽ làm gì để ngăn điều đó lại”, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân đạo Mark Lowcock tuyên bố trước Hội đồng Bảo an.

Houthis, một nhóm phiến quân dòng Shiite, coi tàu chở dầu Safer là chiến lợi phẩm của họ và từ chối cho phép phái đoàn chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lên kiểm tra. Lượng hàng trên Safer ước tính khoảng 70 triệu USD.

qua bom sinh thai no cham
Tàu chở dầu Safer của Yemen

Hậu quả có thể xảy ra

Sự cố tràn dầu từ tàu Safer có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và có sức tàn phá môi trường khủng khiếp. Ô nhiễm hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt sẽ khiến hàng chục triệu người không có nước uống. Nó cũng sẽ phá hủy các hệ sinh thái biển bảo vệ các rạn san hô, có vai trò như một sự bảo vệ chống lại sự nóng lên toàn cầu cho phần còn lại của thế giới. Việc đóng cửa tạm thời các tuyến vận tải Biển Đỏ cũng sẽ là một cú sốc với nền kinh tế thế giới. Tình hình còn có thể sẽ gây ra một cuộc xung đột vũ trang mới trong khu vực vì nhu yếu phẩm cơ bản và sự sống còn.

Sự cố tràn dầu trên biển là hiện tượng phức tạp. Ngay cả một mô phỏng máy tính rất chi tiết cũng không thể dự đoán chính xác thảm họa sẽ xảy ra như thế nào. Tình hình không chỉ bị ảnh hưởng bởi dòng hải lưu, gió, thời tiết, mà còn bởi nhiều yếu tố bên ngoài khác. Thành phần của dầu tràn đóng vai trò quyết định. Bất kỳ sự cố tràn dầu nào cũng là một trường hợp khẩn cấp. Nếu là sự cố tràn 1 triệu thùng dầu ra biển, đó không khác gì thảm họa toàn cầu.

Tàu chở dầu Safer, được đóng tại Nhật Bản vào năm 1976 theo yêu cầu của công ty dầu mỏ nhà nước Yemen và được sử dụng cho đến năm 2015. 34 khoang chứa của tàu có thể chở tới 1,1 triệu thùng khác nhau. Khi cuộc nội chiến nổ ra cách đây 4 năm, con tàu được biến thành tàu FSO. Nó đã được kết nối với một đường ống từ đất liền, có khả năng chứa đầy hàng lên tới 200.000 thùng mỗi ngày.

Nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha nhớ lại vụ việc xảy ra khi lực lượng quân đội của nhà lãnh đạo Saddam Hussein từng đổ gần 1,2 triệu thùng xuống Vịnh Ba Tư trong Chiến tranh vùng Vịnh. Sự cố này tạo ra lớp dầu dày 10cm trên diện tích 10.000km².

Một sự cố tràn dầu ở Biển Đỏ sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Theo Mark Lowcock, việc vận chuyển dầu qua Biển Đỏ khoảng 5,5 triệu thùng mỗi ngày và chiếm 8-10% thương mại thế giới. Tuyến đường này sẽ buộc tất cả các tàu đi từ châu Á tới châu Âu phải đi qua châu Phi thay vì băng qua kênh đào Suez.

Không cần phải tính toán chính xác chi phí bổ sung từ việc các tàu phải đi thêm hàng nghìn km, chi phí nhiên liệu và thời gian: chúng sẽ có giá cắt cổ. Giá nguyên liệu, đặc biệt là dầu, sẽ tăng vọt, dự đoán các chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương. Việc hiểu hơn về các điều kiện địa phương sẽ giúp tránh được thảm họa lớn.

Biển Đỏ là một đầm lớn, nửa kín, có một lối thoát (tự nhiên): eo biển Bab-el-Mandeb ở Vịnh Aden. Theo Viviane Menezes, một nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Woods Hale, có sự nhiễu loạn nghiêm trọng ở Biển Đỏ, cũng như hai mùa hải lưu. Vào mùa đông, dòng chảy chiếm ưu thế đi về phía Bắc đến Vịnh Aqaba. Sự cố tràn dầu chắc chắn sẽ đến đảo Kamaran, dòng hải lưu biên giới phía Đông có khả năng lan rộng một phần lớn dầu tràn tới biển Arập, trong khi một số trường hợp có thể lan tới lối vào kênh đào Suez. Vào mùa hè, dòng chảy về phía Nam chiếm ưu thế, đó là lý do tại sao sự cố tràn dầu có thể trải dài từ Bab-el-Mandeb đến Vịnh Eden.

Trách nhiệm của cả thế giới

Sự cố tràn dầu sẽ tàn phá đối với một số rạn san hô ở Biển Đỏ. Đây không chỉ là hệ thống đa dạng sinh học quan trọng có vẻ đẹp đáng kinh ngạc, theo Maoz Fine, giáo sư tại Đại học Bar-Ilan ở Ramat Gan, Israel, những rạn san hô này là nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai. Giáo sư Ove Hoegh-Guldberg, Giám đốc Viện Nghiên cứu về thay đổi toàn cầu tại Đại học Queensland và là một trong những chuyên gia về san hô hàng đầu chỉ ra rằng: “các rạn san hô cực kỳ nhạy cảm với dầu, bằng chứng là những gì chúng ta đã thấy với các rạn san hô ở vùng Vịnh sau Chiến tranh vùng Vịnh. Sự cố tràn dầu từ tàu Safer sẽ gây ra hậu quả hủy diệt đối với san hô ở vùng biển nửa kín của Biển Đỏ”. Theo Maoz Fine, các hệ sinh thái này có thể là lớp bảo vệ cuối cùng đối với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, sự cố dầu tràn ở Yemen, Oman và Somalia sẽ ngăn chặn (trong một thời gian dài nếu không vĩnh viễn) việc đánh bắt cá và các hoạt động ven biển khác của người dân, vốn đang rất khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ của phần còn lại của thế giới, những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố dầu tràn này chắc chắn sẽ cầm vũ khí và tiến hành các hoạt động cướp biển để “điều chỉnh tình hình”.

Làm thế nào để tránh thảm họa?

“Vấn đề lớn nhất là không khí trong bể chứa. Dầu dần dần lắng đọng, trên bề mặt chỉ còn lại các hợp chất bị oxy hóa theo thời gian dưới tác dụng của không khí. Các quá trình hóa học diễn ra bằng cách phát nhiệt. Tự đánh lửa tại một thời điểm nhất định sẽ được dự kiến - giống như cách mà giẻ thấm dầu được đốt cháy trong một căn phòng không thông gió”, báo cáo chi tiết của Hội đồng Đại Tây Dương viết.

Để tránh đánh lửa, hàm lượng oxy trong các bể phải được giữ dưới 11%. Vượt quá ngưỡng này, bể chứa dầu trở nên dễ cháy và có thể trở thành một quả bom khổng lồ. Sau 4 năm không bảo trì, không cần phải nói về sự an toàn của con tàu.

Vào đầu năm 2019, một trong những bể chứa dầu của tàu Safer thậm chí đã bị tách khỏi tàu do bị ăn mòn. May mắn thay, nó đã không rơi vào phần ngập của đường ống kết nối với FSO. Một vụ tràn đường ống này sẽ đổ ra biển gần 200.000 thùng dầu. Nhưng may mắn không nhất thiết phải mỉm cười với những bể chứa khác. Một tác động của con người cũng không thể được loại trừ: một kẻ hiếu chiến có thể có ý tưởng sử dụng quả bom dầu này để chiến đấu với đối thủ của mình và tìm ra một loại đạn có khả năng đâm vào bể chứa dầu gỉ sét. Chỉ cần một ngọn lửa sẽ khiến cả con tàu phát nổ.

Giải pháp đơn giản nhất là mua lại con tàu: trả 70 triệu euro cho Chính phủ Yemen được Liên Hiệp Quốc công nhận để mua lại toàn bộ số dầu trên tàu Safer. Nhưng vấn đề không đơn giản là tiền, mà là người thụ hưởng: con tàu thuộc sở hữu của phiến quân Houthis, nhưng Hội đồng Đại Tây Dương không ủng hộ việc đàm phán với họ vì “chúng tôi không thể đàm phán với những kẻ tống tiền và những kẻ khủng bố”. “Áp lực toàn cầu đối với Yemen là một lựa chọn, đó là cách duy nhất để đạt được kết quả tích cực và cứu thế giới khỏi thảm họa toàn cầu mới. Một khả năng trở nên cần thiết. Đây là một vấn đề đáng được nêu ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, báo cáo cho biết. Gần như không còn thời gian để suy nghĩ. Safer có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

S.Phương