Petronas - Kế hoạch tìm kiếm dầu khí 5 năm tới

15:04 | 08/07/2019

|
(PetroTimes) - Mang trên vai trách nhiệm của công ty lớn nhất Malaysia, là nguồn thu chính của quốc gia, Petronas rất chú trọng phát triển dầu khí, bất cứ nơi nào có thể.    
petronas ke hoach tim kiem dau khi 5 nam toi
Giàn Yetagun của Petronas ngoài khơi Myanmar

Petronas tìm kiếm hydrocarbon ở trong nước, ở Đông Nam Á, châu Mỹ nhằm duy trì sản lượng trung bình hằng năm dự kiến ở mức 1,7 triệu BOE/D cho 5 năm tới. Petronas cũng tìm kiếm quan hệ đối tác với các nhà điều hành trên thế giới có kỹ thuật, công nghệ ở các khu vực trên.

Danh mục đầu tư của Petronas ban đầu là khí tự nhiên, hiện công ty này đang muốn gia tăng khai thác tiềm năng hydrocarbon và tăng tỷ trọng dầu trong danh mục.

Petronas là nhà sản xuất LNG đứng thứ ba thế giới, ở Malaysia, Petronas tiếp tục mục tiêu kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp khí từ các cơ sở hóa dầu tới các nhà máy hóa lỏng khí LNG. Hệ thống LNG của Petronas gồm công trình 39 triệu tấn/năm ở Sarawak, thiết bị chứa LNG nổi đầu tiên trên thế giới 1,2 mtpa PFLNG Satu, thiết bị chứa LNG nổi lớn thứ hai thế giới chuẩn bị hạ thủy vào năm 2020.

Petronas hưởng lợi từ thị trường khí đang tăng trưởng tốt ở Đông Nam Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc - những khách hàng LNG lớn ở khu vực.

Mục tiêu của Petronas là biến khối tài sản dự phòng to lớn của Malaysia thành trữ lượng được chứng minh. Công ty đã gia tăng hoạt động thăm dò ở Malaysia và tìm kiếm đối tác. Gần đây Malaysia đã sửa đổi các điều khoản Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) ở vùng nước sâu để thu hút các nhà đầu tư quốc tế và đã đạt được kết quả rõ rệt.

Khu vực nước sâu ở Sabah hoàn toàn chưa mở cho đến nay sẽ rất hấp dẫn đầu tư. Năm ngoái, Total khoan giếng Tepat-1 ở khu vực nước sâu Sabah, đã thử vùng cận biên Miocene carbonate và tin tưởng là đã tìm thấy dầu và khí, tuy kết quả thương mại chưa được khẳng định và công bố. Kết quả khoan giếng Tepat chứng tỏ rằng sẽ thử thêm các mẫu thăm dò trong khu vực và chắc chắn có đột phá.

Tại Đông Nam Á, Petronas sẽ đầu tư khu vực nước sâu Kelidang ngoài khơi Brunei, tiếp tục công tác thăm dò trên đất liền Sakakemang, Indonesia, nâng cấp thu hồi Lô Yetagun, Myanmar. Tháng 1 năm nay, Petronas farm-in Lô Sakakemang, nơi Repsol tuyên bố phát hiện thương mại một tháng trước đó với trữ lượng thu hồi dự tính ban đầu khoảng 2 TCF. Petronas cũng dự định thăm dò bể nước sâu Moattama, Myanmar và khu vực biên giới ngoài khơi Indonesia.

Phát triển phía Tây

Ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Petronas hướng tới châu Mỹ thông qua dự án Vaca Muerta Shale ở Argentina và ở Vịnh Mehico. Thị trường Mehico tạo cơ hội cho Petronas đặt chân lên địa bàn trước đây chưa từng mở cho đầu tư nước ngoài mà Petronas là người đầu tiên, đặc biệt ở khu vực nước sâu. Với lý do này, Petronas đầu tư nghiên cứu rất nhiều số liệu để chuẩn bị cho sự phát triển của Petronas ở Mehico. Petronas đang xem xét 10 lô, trong đó điều hành 5 lô ở cả vùng nước nông và nước sâu.

petronas ke hoach tim kiem dau khi 5 nam toi
Kho nổi Satu của Petronas chứa 1.2-mtpa LNG, thiết bị nổi chứa LNG đầu tiên trên thế giới.

Những thay đổi chính trị ở Mehico và chính quyền mới của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador là một thách thức đối với các công ty dầu quốc tế. Đấu thầu các lô dầu, khí bị ngừng từ tháng 12/2018 cho đến khi công cuộc cải cách năng lượng tiến triển với kết quả rõ rệt, hoặc các khoản đầu tư mới, sản lượng tăng. Các hợp đồng vẫn đang còn hiệu lực nên Petronas và các nhà điều hành dầu khí vẫn tích cực thực hiện.

Ở Argentina, Petronas và YPF - Công ty dầu khí quốc gia Argentina đã thông qua kế hoạch phát triển tổng thể 30 năm cho vùng Vaca Muerta. Các nhà thầu đang đầu tư phát triển Lô La Amarga Chica, có thể cho sản lượng 54.000 BOE/ngày vào năm 2022.

Ở Canada, Petronas và các đối tác sở hữu 52Tcf trữ lượng khí và các nguồn dự phòng ở North Montney Shale, nhưng thách thức nhất ở châu Mỹ là vấn đề tiếp cận thị trường. Petronas tham gia 25% cổ phần trong dự án LNG Canada.

Theo số vốn đầu tư của Petronas có thể thấy Petronas dự định đầu tư lâu dài ở châu Mỹ và tìm kiếm cẩn trọng ở khu vực châu Mỹ, các lô trên bờ ở Mỹ có thể thuộc phạm vi tìm kiếm của Petronas.

Petronas cũng có mặt ở Trung Đông và Tây Phi. Năm ngoái, Petronas tham gia vào mỏ Khazzan của Oman với sản lượng dự tính 500 triệu cf/ngày vào năm 2021, tiến tới 1 tỷ cf/ngày.

Ở khu vực nước rất sâu thuộc Gabon, năm 2018, Petronas khoan 1 giếng thăm dò Boudji-1 Lô F14 (Likuale) ở độ sâu 90m đã tìm thấy hydrocarbon chất lượng tốt chứa cát muối. Petronas đang tiếp tục thăm dò khu vực này để có thể khẳng định bước phát triển tiếp theo. Petronas cũng vào Senegal tham gia vào Lô Rufisque ngoài khơi của Total với kế hoạch khoan sẽ triển khai trong năm nay.

Được thành lập từ tháng 8/1974, Petronas từ một công ty dầu khí quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia với hơn 400 công ty con và hơn 40 công ty liên doanh (trong đó Công ty mẹ nắm giữ ít nhất 50% cổ phần).

Petronas thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo bình chọn của Fortune Global (xếp thứ 75 năm 2013 với doanh thu năm 2012 đạt 94,2 tỷ USD và lợi nhuận ròng 16 tỷ USD). Petronas được thời báo tài chính Financial Times đánh giá là một trong các công ty dầu khí quốc doanh có ảnh hưởng nhất từ các quốc gia ngoài nhóm OECD. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Petronas sở hữu khoảng gần 200 mỏ đang khai thác, hàng trăm giàn khoan trên thềm lục địa, hơn 100 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC),...

Petronas và Petrovietnam có nhiều điểm tương đồng, đều là công ty dầu khí quốc gia, được nhà nước trao toàn bộ quyền kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ tại quốc gia của mình, có đầy đủ các công ty kinh doanh và dịch vụ từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn, từ khai thác đến hóa dầu, kinh doanh và tiếp thị các sản phẩm dầu. Mô hình phát triển của Petronas đã có thời là hình mẫu cho sự phát triển của Petrovietnam. Petronas vào Việt Nam rất sớm, từ 1991 với PSC Lô 01, 02 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Hợp đồng hết hạn vào 2017 dù Malaysia vẫn muốn hiện diện ở Việt Nam sau hơn 20 năm hoạt động.

Petronas cũng chịu tác động tiêu cực của giá dầu thấp và thiệt hại không hề nhỏ. Riêng quý II/2016, lợi nhuận của tập đoàn giảm 85% xuống còn 1,62 tỷ RM (Rigit Malaysia, tương đương 402 triệu USD) từ mức 11,07 tỷ RM của quý II/2015. Doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, còn 48,4 tỷ RM.

Petronas cũng tiến hành cải tổ, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh về nhân sự cấp cao nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời hoãn, bỏ các đề án ít hoặc không có khả năng mang lại lợi nhuận, tập trung vốn cho đầu tư phát triển công nghệ cao và các đề án được chọn lọc có lãi lớn, nhất là trong các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn.

Vào thời điểm khó khăn, Công ty tư vấn đầu tư Moody đánh giá cơ cấu chương trình tiền mặt của Petronas thuộc loại “excellent” (xuất sắc).

Việt Nam được đánh giá đứng vị trí thứ ba về công nghiệp dầu khí trong ASEAN sau Malaysia, nhưng thực tế Petrovietnam vẫn còn có một khoảng cách rất xa so với Petronas.

Tháng 3/2019, Petrovietnam và Petronas ký HOA mua bán khí bổ sung cho khu vực Cà Mau - Việt Nam với nguồn khí từ quyền nhận của Petronas theo PSC PM3CAA và từ các nguồn khí khác của Malaysia. Trên cơ sở HOA được ký kết vào ngày 15/3/2019, hai bên sẽ tiếp tục triển khai đàm phán Hợp đồng mua bán khí, làm cơ sở thực hiện việc cấp khí bổ sung cho cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Tú Mai

Theo Tạp chí Petroleum Technology