Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/4 - 23/4

15:32 | 23/04/2022

|
(PetroTimes) - Chính quyền Đức cho phép khoan khí đốt tại một trong những vùng lãnh thổ gây tranh cãi; người mua khí đốt của Nga sẽ phải thanh toán cho Gazprombank... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/4 - 23/4

1. Trong một động thái phối hợp nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, chính quyền Đức cuối cùng đã nhượng bộ và cho phép tiến hành khoan khí đốt tại một trong những vùng lãnh thổ gây tranh cãi nhất của nước này.

Ngày 20/4, một cơ quan có thẩm quyền của Đức chịu trách nhiệm quản lý Quần đảo Wadden đã bật đèn xanh cho một công ty Hà Lan để khoan khí đốt ở Biển Bắc, phía trên quần đảo Wadden.

2. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov mới đây cho biết, người mua khí đốt của Nga sẽ phải thanh toán cho Gazprombank, một tổ chức độc lập. Các khách hàng sẽ không thể thanh toán khí đốt bằng tài khoản ngân hàng của Gazprom ở nước ngoài nữa.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, yêu cầu của Nga thay đổi phương thức thanh toán đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang đồng rúp là "hiển nhiên và dễ hiểu" trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn đã đóng băng một nửa tài sản nước ngoài của Nga.

3. Người đứng đầu ngành tư pháp của 16 tiểu bang đã viết thư cho Tổng thống Biden kêu gọi ông khôi phục dự án đường ống Keystone XL để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu dầu thô của Canada.

Nhấn mạnh với truyền thông rằng Mỹ muốn tăng cường tiêu thụ dầu thô của Canada, Tổng chưởng lý Alaska, Treg Taylor nói rằng đây chính xác là mục đích mà đường ống Keystone XL được xây dựng.

Sau đó, họ tiếp tục kêu gọi Nhà Trắng đảo ngược lập trường về dự án và cho phép hoàn thành việc xây dựng.

4. Phát biểu trước báo giới hôm 21/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng một lệnh cấm hoàn toàn của EU đối với nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga có thể gây ra những hậu quả kinh tế không lường trước cho cả Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Theo bà Yellen, châu Âu cần giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, nhưng cần thận trọng khi nghĩ về lệnh cấm hoàn toàn của châu Âu đối với nhập khẩu dầu mỏ.

5. Trong tuyên bố dứt khoát nhất của Đức về việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã cam kết rằng nước này sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga hoàn toàn vào cuối năm 2022.

Bà Baerbock ngày 20/4 cho biết, vào mùa hè này, Đức sẽ giảm một nửa nhập khẩu dầu của Nga và tiến tới không nhập khẩu vào cuối năm, trong khi Đức sẽ chỉ dần dần ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

Bình An