Nga siết chặt thị trường khí đốt tự nhiên của châu Âu

15:00 | 15/04/2021

|
Người phương tây có mượn một câu tục ngữ của người phương đông là “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Điều này ám chỉ tầm quan trọng của quốc gia láng giềng lớn nhất và quan trọng nhất đối với EU là Liên bang Nga. Thực tế đã cho thấy, các nền kinh tế châu Âu và Nga có tính bổ trợ cho nhau mặc dù sự tương tác giữa hai bên đang gặp nhiều khó khăn khi quan hệ Nga - EU đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Sự bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế châu Âu và Nga đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Nga xuất khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô và nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ cao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga sang EU chủ yếu gồm dầu thô và khí đốt thiên nhiên. Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình (03/2014), các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây đã làm giảm khả năng tiếp cận tài chính của các công ty Nga tại thị trường EU. Tuy nhiên, xuất khẩu năng lượng sang EU vẫn ổn định, ngoại trừ trong thời gian đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lâu dài của nhiều nền kinh tế EU đối với nguồn cung năng lượng từ Nga.

Các nền kinh tế EU có mức độ phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga khác nhau. Do những yếu tố lịch sử, thị phần của Gazprom đạt mức cao nhất ở khu vực đông u. Ngược lại, phía tây u và bắc u có mức phụ thuộc thấp hơn vào Gazprom do phần lớn khí đốt đến từ các mỏ dầu khí ở Biển Bắc. Vì phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga nên các nước đông Âu thường lên tiếng phản đối các thỏa thuận năng lượng với Nga.

Trong khuôn khổ chiến lược năng lượng dài hạn của mình, EU đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng phục hồi của thị trường và giảm sự phụ thuộc và một nhà sản xuất khí đốt duy nhất (ám chỉ Gazprom). Đầu tiên, các quy định và luật mới được các nước thành viên EU ban hành để giảm bớt ảnh hưởng của các công ty năng lượng và bảo vệ khách hàng. Tiếp đến là xây dựng bổ sung cơ sở hạ tầng đường ống khí đốt xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên nhằm tăng cường khả năng phân phối nguồn cung khí trong liên minh. Thứ ba là đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để củng cố vị thế của EU trước các nhà cung cấp nước ngoài trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, theo S&P Global Platts, bất chấp những nỗ lực của EU, Nga sẽ vấn là nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng nhất đối với thị trường này trong nhiều thập kỷ. Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU được dự báo sẽ tiếp tục tăng và thị phần khí đốt Gazprom tại EU sẽ còn tăng hơn nữa. Hiện tại, 30% nguồn cung khí đốt cho châu Âu đến từ các mỏ dầu khí ở khu vực Siberia. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 40% vào năm 2040.

Sơ đồ: Tỷ lệ phụ thuộc khí đốt nhập khẩu từ Nga của các nước Châu Âu theo mức độ từ 0 đến 100 và từ nhạt đến đậm.

Nga siết chặt thị trường khí đốt tự nhiên của châu Âu
Nga siết chặt thị trường khí đốt tự nhiên của châu Âu

Lý do lớn nhất cho sự gia tăng thị phần của Nga là sản lượng khai thác khí đốt tại EU đang suy giảm nhanh chóng và cần nguồn cung thay thế. Bên cạnh đó, nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu cho EU là Na Uy đang chứng kiến suy giảm tự nhiên sản lượng dầu khí trong nước. Nước này hiện xuất khẩu khoảng 110 tỷ m3/năm cho EU. Sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm xuống 100 tỷ m3/năm vào năm 2025 và có thể xuống mức 60 tỷ m3/năm vào năm 2040.

Trong khi đó, cơ sở tài nguyên của Nga đang tiếp tục được mở rộng do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Khu vực Bắc Cực thuộc Nga được cho là có trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên trị giá lên tới 35.000 tỷ USD, ngày càng có triển vọng thăm dò và khai thác. Hiện tại Nga sản xuất trung bình 650 tỷ m3 khí đốt thiên nhiên mỗi năm. Con số này có thể tăng lên 750 tỷ m3 vào năm 2025 và thậm chí đạt 850 tỷ m3 vào năm 2040. Trong số đó, khoảng hơn 50% sản lượng khai thác, tương đương 390 tỷ m3 sẽ dành cho xuất khẩu.

Mặc dù có nhiều thuận lợi về cơ sở tài nguyên dồi dào, con đường dẫn đến sự thống trị năng lượng của Nga không dễ dàng. Vẫn tồn tại một số mối đe dọa đối với vị thế xuất khẩu năng lượng của Nga mà chính quyền nước này không kiểm soát được. Thứ nhất là chính sách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của EU đã đạt được một số kết quả đáng chú ý ở khu vực đông nam châu Âu khi nguồn cung khí đốt từ Biển Caspi sẽ được vận chuyển qua đường ống TANAP đến EU. Nga đã nhanh chóng phản ứng bằng việc đưa vào vận hành đường ống Turkstream vào đầu năm 2020. Thứ hai là các sáng kiến chuyển đổi năng lượng và khử carbon đang nhanh chóng tạo ra sức hút lớn đối với giới đầu tư, có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch và tác động tiêu cực đến xuất khẩu năng lượng của Nga vào thị trường EU. Cho dù Nga đưa vào vận hành đường ống khí đốt Power of Siberia nhằm gia tăng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, EU vẫn đang là khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất đối với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Nga đang khảo sát khả năng xây dựng đường ống xuất khẩu khí đốt thứ hai sang Trung Quốc, mang tên Power of Siberia 2, cung cấp nguồn khí đốt từ các mỏ khí lớn từ khu vực Yamal. Đây được coi là một biện pháp bảo hiểm chống lại sự suy giảm nhu cầu từ thị trường EU.

Trong tương lai, Nga sẽ làm mọi thứ trong khả năng để duy trì vị thế là nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu vì các lợi ích từ nguồn thu từ dầu khí. Khí đốt của Nga đang có giá cạnh tranh nhất ở châu Âu. Hơn nữa, Chính phủ Nga chắc chắn sẽ không “ngồi yên” mà sẽ tích cực tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu mới, trong đó có năng lượng hydro. Nga sẽ vẫn là nước xuất khẩu năng lượng quan trọng cho thị trường EU trong một thời gian khá dài, bất chấp những nỗ lực giảm phụ thuộc của EU vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Viễn Đông