Nga đang nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn giữa Ả Rập Xê-út và UAE nhằm cứu vãn thỏa thuận OPEC+

18:38 | 08/07/2021

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 7/7/2021 đưa tin cho rằng Nga đang dẫn đầu trong các nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn giữa Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhằm giúp đạt một thỏa thuận tăng sản lượng dầu trong những tháng tới. Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) vẫn chưa ấn định ngày cho cuộc họp về chính sách dầu mỏ tiếp theo của họ.

Mâu thuẫn giữa hai đồng minh vùng Vịnh OPEC được lộ diện công khai trong tuần trước, khi Riyadh và Abu Dhabi bất đồng liên quan đến đề xuất gia tăng sản lượng dầu và gia hạn thỏa thuận quản lý nguồn cung. Cuộc tranh cãi hy hữu đã buộc OPEC+ phải ngừng các cuộc đàm phán về gia tăng sản lượng dầu trong thời gian tới. Các nước sản xuất dầu mỏ cho biết họ sẽ quyết định ngày cho cuộc họp mới trong thời gian thích hợp nhưng không đưa ra tín hiệu về việc liệu có thể có bất cứ thỏa hiệp nào trong những ngày tới hay không.

Nga đang nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn giữa Ả Rập Xê-út và UAE nhằm cứu vãn thỏa thuận OPEC+
Trụ sở OPEC tại Vienne, Áo. Ảnh: Leonhard Foeger/Reuters.

Ba nguồn tin cho biết, do muốn thúc đẩy tăng sản lượng dầu, Nga hiện đang hoạt động hậu trường để đưa cả Riyadh và Abu Dhabi quay trở lại bàn đàm phán nhằm tìm ra con đường đạt được thỏa thuận. Nga có quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ với cả Ả Rập Xê-út và UAE. Một trong những nguồn tin từ phía Nga bày tỏ hy vọng sẽ có cuộc họp trong tuần tới và thỏa thuận sẽ được ký kết: "Họ có thời gian để đưa ra quyết định, hy vọng chúng tôi sẽ gặp nhau vào tuần tới và thỏa thuận sẽ được ký kết". Hai nguồn tin khác cho biết rằng Kuwait, cũng là thành viên OPEC vùng Vịnh, cũng đang nỗ lực để hòa giải những khác biệt giữa Ả Rập Xê-út và UAE.

Hôm thứ Ba, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán của OPEC và các đối tác và đã có các cuộc đối thoại cấp cao với các quan chức ở cả Ả Rập Xê-út và UAE.

Bên cạnh đó, hai nguồn tin khác nhau của OPEC cho biết hiện chưa có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán và không đề xuất ngày họp mới. Một nguồn tin thông báo rằng "Chưa có thông tin cập nhật nào ở giai đoạn này".

UAE hôm thứ Sáu ngày 2/7 đã chấp nhận đề xuất của ​​Ả Rập Xê-út về việc tăng sản lượng theo từng giai đoạn, 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, trong khoảng thời gian từ tháng 8 tới tháng 12, đạt tới 2 triệu thùng/ngày đến tháng 12 năm 2021, nhưng không đồng ý gia hạn thỏa thuận quản lý sản lượng sau tháng 4 năm 2022 (khi thỏa thuận hiện tại hết hạn) nếu không điều chỉnh hạn ngạch định mức sản lượng cơ bản của nước mình. UAE đề xuất lấy mức sản xuất của nước mình vào tháng 4 năm 2020 làm hạn ngạch định mức sản lượng cơ bản mới, nhưng Ả Rập Xê-út không đồng ý, cho rằng sự điều chỉnh như vậy có thể làm suy yếu cam kết của các thành viên khác đối với định mức sản lượng cơ bản của nước mình.

Năm 2020, OPEC+ đã nhất trí với mức cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày (bpd), bằng khoảng 10% sản lượng thế giới, khi đại dịch Covid bùng nổ. Việc cắt giảm sản lượng dầu đã dần được nới lỏng và hiện đang ở mức khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.

Thanh Bình