Mỹ không tham vấn các đối tác năng lượng toàn cầu về quyết định xả dầu dự trữ kỷ lục

08:26 | 11/05/2022

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 9/5/2022 đưa độc quyền các nguồn thạo tin, cho rằng vào tháng 3/2022, Mỹ đã không tham khảo ý kiến các đối tác trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khi thông báo quyết định giải phóng dầu thô từ dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) ở quy mô kỷ lục, 180 triệu thùng dầu với tốc độ 1 triệu thùng mỗi ngày trong 6 tháng, khiến họ phải cố gắng phối hợp với Mỹ về các đợt xả dầu dự trữ của riêng mình.
Mỹ không tham vấn các đối tác năng lượng toàn cầu về quyết định xả dầu dự trữ kỷ lục
Đường ống dẫn dầu thô và van khóa tại kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của Mỹ ở Freeport, Texas. Ảnh: Reuters/Richard Carson.

Nguồn tin cho rằng hành động đơn phương của Washington nhằm giải quyết các vấn đề về giá cả hoặc nguồn cung toàn cầu có nguy cơ làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với IEA, thường giám sát các nguồn cung quốc tế từ các kho dự trữ dầu khẩn cấp.

IEA có trụ sở tại Paris, gồm 31 quốc gia chủ yếu là các nước công nghiệp phát triển, được thành lập sau cú sốc giá dầu năm 1973 để đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục cho các thành viên trong trường hợp có lệnh cấm vận, chiến tranh hoặc bão tàn phá.

Do tính chất nhạy cảm, các nguồn tin giấu tên cho biết các thành viên IEA trở nên lo lắng rằng Tổng thống Joe Biden đang sử dụng dự trữ dầu mỏ chiến lược để làm giảm lạm phát lan tràn trong nước Mỹ vì lý do chính trị, thay vì bảo vệ các quốc gia tiêu dùng dầu khỏi sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Một nguồn tin quen thuộc với giới ngoại giao xung quanh thông báo này cho biết: "IEA cảm thấy bối rối trước việc xả dầu chiến lược (của Mỹ) mà ngay từ đầu, về cơ bản là do Mỹ đơn phương thực hiện". Một nguồn tin dấu tên khác từ một quốc gia thành viên IEA cho biết, thông báo của Mỹ gây bất ngờ mặc dù “các thành viên IEA đều hiểu rằng chúng ta phải hợp tác chung”.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Mỹ đã "liên lạc thường xuyên" với IEA và các quốc gia thành viên về an ninh năng lượng khi đưa ra thông báo, nhưng xác nhận quyết định giải phóng dầu dự trữ của Mỹ là "độc lập" với IEA. Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết. “Mỹ và các nước thành viên IEA khác có thể và độc lập giải phóng dầu từ các nguồn dự trữ chiến lược của mình, riêng biệt với bất kỳ hành động tập thể nào của IEA”. Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Mỹ không tham vấn các đối tác năng lượng toàn cầu về quyết định xả dầu dự trữ kỷ lục
Nhà máy dầu Idemitsu Kosan Co., ở Ichihara, phía đông Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/via Reuters.

Trả lời Reuters, IEA nói rằng họ liên hệ chặt chẽ với tất cả các nước thành viên, bao gồm cả Mỹ trong thời gian chuẩn bị cho việc xả dầu dự trữ trong năm nay: “Việc tham vấn này cũng như các quyết định về hành động tập thể đã được tiến hành theo các thủ tục của IEA.”

Thông báo xả dầu dự trữ chiến lược của Mỹ được đưa ra một ngày trước khi các thành viên IEA họp để thảo luận về việc phối hợp giải phóng dầu dự trữ. Sau cuộc họp do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm chủ trì, IEA thông báo về một sự phối hợp giải phóng dầu dự trữ đã được nhất trí nhưng không đưa ra chi tiết về khối lượng. Tại thời điểm đó, ban lãnh đạo của IEA đã bắt đầu các cuộc họp song phương với các thành viên khác để tập hợp các đề xuất phối hợp.

Sau một tuần hoạt động ngoại giao, IEA đã đảm bảo các cam kết từ các thành viên khác, trừ Mỹ, để khai thác thêm 60 triệu thùng nữa. Tuy nhiên, con số 60 triệu thùng là tương đối nhỏ. Theo các quy định của IEA, đóng góp của một quốc gia thành viên trong việc phối hợp giải phóng dầu khẩn cấp phải tương ứng với tỷ lệ tiêu thụ dầu của quốc gia đó trong nhóm. Với việc Mỹ chiếm một nửa lượng dầu tiêu thụ giữa các thành viên, đóng góp của IEA lẽ ra phải gần tương đương với mức xả dầu của Mỹ.

Các đối thủ đảng Cộng hòa của Tổng thống Biden chỉ trích động thái giải phóng 180 triệu thùng dầu dự trữ của Mỹ, cho rằng quyết định này là mang tính chính trị và thay vào đó nên khuyến khích sản xuất dầu trong nước.

Giá xăng cao kỷ lục ở Mỹ được coi là vấn đề nhạy cảm hàng đầu đối với Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022. Tổng thống Biden đã đưa ra lời hứa sẽ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để giúp chống biến đổi khí hậu, nhưng chính quyền Mỹ đã không áp đặt thành công bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với ngành công nghiệp dầu khí Mỹ và trong những tháng gần đây đã phải kêu gọi các công ty khoan tăng tốc khai thác để hạ giá thành dầu./.

Thanh Bình