Một dự án khai thác khí than gây nhiều tranh cãi ở Pháp

20:19 | 04/02/2021

|
(PetroTimes) - Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Emmanuel Macron và Bộ trưởng Môi trường Barbara Pompili, một số tổ chức môi trường đã cảnh báo chính phủ về kế hoạch khai thác khí than ở Moselle, trên biên giới Pháp-Đức. Tác động của dự án đến môi trường làm dấy lên sự lo ngại ở địa phương.
Một dự án khai thác khí than gây nhiều tranh cãi ở Pháp
Khai thác khí than

Họ đã đào bới sâu vào lòng đất. Mỏ than cuối cùng còn hoạt động của Pháp nằm ở Moselle. Vào năm 2004, mỏ La Houve đóng cửa, kết thúc gần một thế kỷ khai thác mỏ. Từ giai đoạn này, những gì còn lại ở Moselle chỉ tồn tại trong các viện bảo tàng, những giàn trục quặng hiếm hoi - các cơ sở hạ tầng này được sử dụng để vận chuyển công nhân xuống mỏ và thu gom quặng - hiện chỉ còn nằm trong phòng trưng bày. Nếu những gì còn sót lại này đã bị bỏ quên một thời gian, nó dường như một lần nữa lại khơi lên sự ham muốn của người khác. Tuần trước, hiệp hội môi trường Apel57 đã công bố một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Emmanuel Macron và Bộ trưởng Môi trường Barbara Pompili tố cáo kế hoạch khai thác khí than của La Française de l'Energie ở Moselle.

Công ty này đã khởi động nghiên cứu vào năm 2006 để khai thác các nguồn tài nguyên bị mắc kẹt trong bể than Moselle. Vào tháng 11/2018 họ đã nộp đơn xin được cấp phép và chính phủ phải trả lời đơn xin này trong năm nay. 36 tổ chức môi trường đã ký vào thư ngỏ yêu cầu “chính phủ từ chối giấy phép này”.

Ô nhiễm nguồn nước ngầm

Các hiệp hội đặc biệt lo lắng về tác động lên môi trường của dự án này trên lãnh thổ Lorraine. “Khí than chưa bao giờ được khai thác ở Pháp. Nhưng ở nước ngoài, chúng tôi nhận thức rõ về sự ô nhiễm do kiểu khai thác này gây ra đối với không khí, nước và đất, chưa kể đến việc phát thải khí nhà kính”, Anaëlle Lantonnois, thành viên của Apel57 nhấn mạnh.

Khí than được tạo thành từ mêtan. Nó tích tụ một số lượng lớn trong các đường hầm mỏ và có thể gây ra những vụ nổ khủng khiếp. Điển hình có nhiều vụ nổ đã làm thiệt mạng không ít người ở hầm mỏ. Loại khí than này không liên quan đến khí mỏ, hiện được La Française de l'Energie để ý tới và đang được khai thác ở miền bắc nước Pháp. Nó nằm rất gần mặt đất. Nếu không được thu hồi, lớp khí nhà kính dày này sẽ thoát vào khí quyển, không giống như khí than bị mắc kẹt trong lòng đất, đôi khi cách mặt đất vài trăm mét.

Theo các tổ chức phi chính phủ, vấn đề họ muốn nói đến là lo ngại ô nhiễm nước ngầm thông qua khai thác khí đốt. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 bởi Viện Quốc gia về rủi ro và môi trường công nghiệp (Ineris) và Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai thác (BRGM) đã chỉ ra ô nhiễm nước là "tác động môi trường có khả năng nhất liên quan đến việc thực hiện dự án này”. "Tại Hoa Kỳ, các tài liệu xác định khá nhiều tình huống trong đó, trong quá trình khai thác khí than, sự di chuyển khác nhau của chất lỏng trong các tầng hầm đã góp phần làm ô nhiễm nguồn nước", báo cáo nói.

Đứng trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, Giám đốc điều hành của La Française de l'Énergie, Antoine Forcinal trấn an: “Những đường ống đi qua mạch nước ngầm của chúng tôi được thực hiện bởi các công ty chuyên sản xuất và khoan giếng để lấy nước sạch”, ông còn nhấn mạnh rằng chất lượng nước được đảm bảo bởi "một nhà địa chất thủy văn được chứng nhận có mặt tại địa điểm tại thời điểm giao cắt mực nước”. "Chúng tôi đã khoan ở khu vực này trong 15 năm, ô nhiễm ở đâu?". La Française de l'Energie hiện đang nghiên cứu các lỗ khoan tại 4 địa điểm. Theo yêu cầu xin phép, sẽ có tới 40 địa điểm được khoan.

“Không có bất kì một sự bảo đảm nào”

Những mối lo ngại về tài nguyên nước này cũng được phản ánh trong cuộc điều tra công khai được tiến hành vào tháng 10/2020. Thật vậy, “tác động đến nguồn nước” dường như là chủ đề được những người tham gia đề cập nhiều nhất, gần 26% công chúng. Hélène Zannier, nghị sĩ đảng LREM của quận 7 tỉnh Moselle, bày tỏ mối quan tâm chính: “Hiện tại không có gì đảm bảo rằng mực nước ngầm một ngày nào đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi dự án này".

Hiện đơn xin phép liên quan đến hai khu vực bao gồm 40 xã. Hélène Zannier cho biết lúc đầu các cư dân địa phương rất nhiệt tình với dự án. “Chúng tôi được giới thiệu đây là một việc rất dễ làm và là một nguồn tạo việc làm. Rằng nó giống như cắm một cái ống hút vào một quả cam, để hút nước từ nó ra. Tuy nhiên, công việc còn nhiều nguy hiểm và không chắc chắn", bà luôn nhắc nhở cần phải “phân biệt rõ ràng khí từ mỏ và khí than”.

Những tháng gần đây, bà Zannier đã gửi rất nhiều thư, trong đó bày tỏ sự dè dặt về dự án này. Bức thư mới đây nhất là vài tuần trước đã được gửi cho Bộ trưởng Barbara Pompili. Chính bà và người đồng nhiệm tại Bộ Kinh tế Bruno Le Maire sẽ chịu trách nhiệm quyết định vấn đề hóc búa này trong năm nay. Sự việc vẫn đang được theo dõi.

Gazprom và Wintershall Dea khai thác khí ở Bắc CựcGazprom và Wintershall Dea khai thác khí ở Bắc Cực
Lukoil rút khỏi RumaniLukoil rút khỏi Rumani
Na Uy: sử dụng máy bay không người lái trong vận tải thiết bị phục vụ giàn khai thác khíNa Uy: sử dụng máy bay không người lái trong vận tải thiết bị phục vụ giàn khai thác khí
Gazprom và Wintershall bắt đầu khai thác khí ở Biển BắcGazprom và Wintershall bắt đầu khai thác khí ở Biển Bắc

Nh.Thạch

AFP