Lượng phát thải CO2 sụt giảm lịch sử

16:23 | 01/05/2020

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại dịch Covid-19 có thể kéo theo sự sụt giảm chưa từng thấy về lượng phát thải CO2 trong ngành năng lượng trong năm 2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngày 30/4 nhưng đồng thời cảnh báo về khả năng lượng khí thải nhà kính này sẽ phục hồi mạnh mẽ.
luong phat thai co2 sut giam lich su

Lượng khí thải CO2 toàn cầu từ lĩnh vực năng lượng sẽ giảm khoảng 8% (tương đương gần 2,6 gigaton) trong năm nay, trở về mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Đây sẽ là mức giảm lớn nhất từng được ghi nhận, lớn hơn sáu lần so với mức giảm trước đó được ghi nhận trong năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, IEA ước tính trong một báo cáo được công bố ngày 30/4.

Theo cơ quan chuyên tư vấn cho các nước phát triển về chính sách năng lượng, nhu cầu năng lượng dự kiến ​​sẽ giảm 6% trong năm nay - tương đương với mức tiêu thụ của Ấn Độ trong một năm.

“Đây là một cú sốc lịch sử đối với ngành năng lượng thế giới nói chung. Với những khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có như hiện nay, sự sụt giảm nhu cầu là rất lớn đối với hầu hết các nguồn năng lượng, đặc biệt là than, dầu và khí đốt”, Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, nhận xét.

Đó là những loại năng lượng gây ô nhiễm nhất, bắt đầu từ than đá, chịu ảnh hưởng nhiều nhất do sự đình trệ trong hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc, nơi than vẫn được sử dụng rộng rãi.

Chỉ có năng lượng tái tạo, có chi phí đang giảm, là đang phát triển tốt bất chấp khủng hoảng.

"Sự suy giảm lịch sử về khí thải toàn cầu này hoàn toàn không phải là một điều đáng ăn mừng vì đây là hậu quả của khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới do Covid-19", ông Fatih Birol nói.

"Và nếu chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chúng ta sẽ sớm thấy sự phục hồi mạnh mẽ về khí thải sau khi các điều kiện kinh tế được cải thiện", ông cảnh báo.

Do đó, IEA nhân cơ hội này cổ vũ cho sự phục hồi kinh tế dựa trên các công nghệ xanh: tái tạo, tiết kiệm năng lượng, pin, hydro hoặc thậm chí thu hồi và hấp thụ carbon.

"Đầu tư vào các lĩnh vực này có thể giúp tạo ra việc làm, làm cho các nền kinh tế cạnh tranh hơn và thúc đẩy thế giới hướng tới một tương lai vững bền và sạch sẽ hơn", ông Fatih Birol lập luận.

luong phat thai co2 sut giam lich suViệt Nam có nguy cơ mất chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm từ sản xuất điện

Nh.Thạch

AFP