Luật Dầu khí (sửa đổi) cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí

14:08 | 24/12/2021

8,038 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đứng về góc độ vĩ mô, việc xác định rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với tư cách là đại diện nước chủ nhà sẽ tăng trách nhiệm cho Petrovietnam thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí đã ký kết, trong đó quan trọng là khi xử lý các tranh chấp/kiện tụng liên quan đến hợp đồng dầu khí.
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí
Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Quốc Thập trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) cho hay, Luật Dầu khí hiện hành được sửa đổi từ Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 trên cơ sở thống nhất và xác định cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí đó là Bộ Công Thương. Ở thời điểm năm 2021, nhìn nhận lại việc thực thi Luật Dầu khí có rất nhiều kết quả rất đáng đáng ghi nhận ở nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên một số bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế về tiềm năng, triển vọng dầu khí của Việt Nam, khả năng duy trì và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư rủi ro trong tương lai.

Đó là, về hợp đồng dầu khí, ngoài Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là xí nghiệp liên doanh theo Hiệp định liên Chính phủ, cho tới nay ở nước ta mới chỉ được áp dụng hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) và các điều kiện của hợp đồng đã không còn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư quan tâm ký kết các hợp đồng dầu khí. Bằng chứng là số lượng các hợp đồng dầu khí mới được ký kết từ sau khi Luật Dầu khí năm 2008 ra đời và Nghị định 33 về hợp đồng mẫu ban hành, đã bị giảm nghiêm trọng ngay cả trong giai đoạn chưa có khủng hoảng giá dầu. Trên cơ sở các thông tin, số liệu khoan, khảo sát, nghiên cứu khoa học trong mấy chục năm qua đã cho thấy, tiềm năng dầu khí của Việt Nam cả trên đất liền và biển chỉ ở mức trung bình của khu vực. Các phát hiện dầu khí gần đây đa phần là mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Đặc biệt, số lượng các mỏ khí nhỏ và cận biên chiếm tỷ trọng lớn trong bối cảnh thiếu thị trường tiêu thụ và cơ sở hạ tầng. Các mỏ đang khai thác đa phần đã vào giai đoạn suy giảm sản lượng cần phải có những hình thức hợp đồng khác để kêu gọi đầu tư nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu, tiếp tục khai thác và tận thu nguồn tài nguyên còn lại. Do vậy, VPA cho rằng cần thiết phải mở rộng linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí trong lần sửa đổi Luật Dầu khí này.

Bên cạnh đó, triển khai dự án dầu khí theo chuỗi thì khung pháp lý của Luật Dầu khí hiện tại chưa đủ để đảm bảo phát triển dự án dầu khí theo chuỗi một cách có hiệu quả cho cả nhà dầu tư và nước chủ nhà; các loại hình dự án và điều khoản về thuế và kinh tế thương mại hiện tại đã không còn đủ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; về vấn đề quyết định đầu tư, mua bán, sang nhượng các dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí của Petrovietnam và các đơn vị thành viên của Petrovietnam đang gặp nhiều bất cập.

Với những bất cập trên, nội dung Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã khắc phục và cải thiện được hay chưa? Theo nhìn nhận của VPA, nội dung của Dự thảo mới giải quyết được 35-45% bất cập cần phải sửa đổi.

Luật Dầu khí (sửa đổi) cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí
Toàn cảnh Hội thảo

Góp ý về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Quốc Thập đề xuất, cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí. Cụ thể, bổ sung định nghĩa hợp đồng dầu khí: “Hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc các hình thức hợp đồng khác bao gồm: Hợp đồng đầu tư/kinh doanh duy trì và gia tăng sản lượng, hợp đồng dịch vụ thăm dò và khai thác tận thu”.

Để bảo đảm khuyến khích đầu tư và duy trì hoạt động dầu khí cần xem xét bổ sung trường hợp: Sau giai đoạn thăm dò, các phát hiện dầu khí có quy mô nhỏ hoặc trong khi cập nhật FDP, các phát hiện hoặc các mỏ khó có khả năng phát triển khai thác thương mại hay duy trì tiếp tục khai thác, nhà đầu tư, nhà thầu có thể đề xuất các điều kiện để dự án có tính khả thi, chi tiết sẽ được thể hiện trong Nghị định 95 sửa đổi.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Quốc Thập cũng kiến nghị điều chỉnh và bổ sung các quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi; quy định về ưu đãi đầu tư; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán; quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam;…

Đặc biệt, về vị thế và vai trò của Petrovietnam, theo Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) VPA nhận thấy, Petrovietnam chỉ là người được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương ủy quyền thực hiện một số việc với tư cách là nước chủ nhà. Dự thảo chỉ cho phép Petrovietnam “xem xét” các báo cáo nhà thầu trình lên, còn trách nhiệm đánh giá và thẩm định (thay vì chỉ phê duyệt) thuộc về Bộ Công Thương (hoặc các bộ ngành liên quan). Điều này sẽ tạo gánh nặng cho Bộ Công Thương và các bộ ngành vì thiếu lực lượng để xử lý các vấn đề chuyên môn dẫn đến việc kéo dài thời gian phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. “Đứng về góc độ vĩ mô, việc xác định rõ vai trò của Petrovietnam với tư cách là đại diện của nước chủ nhà sẽ tăng trách nhiệm cho Petrovietnam thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí đã ký kết, trong đó quan trọng là khi xử lý các tranh chấp/kiện tụng liên quan đến hợp đồng dầu khí”, Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Quốc Thập khẳng đinh, VPA là tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên sâu về công nghiệp dầu khí, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - nơi tập hợp các cán bộ nguyên là lãnh đạo Petrovietnam, các chuyên gia, kỹ thuật, kinh tế và quản lý dầu khí mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này sẽ tháo gỡ được những khó khăn, bất cập đã và đang gặp phải trong hoạt động dầu khí và sẵn sàng cùng với các cơ quan hữu quan đóng góp ý kiến, trao đổi để xây dựng được một bộ luật đạt chất lượng, sát thực tế, nhằm thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam ngày một phát triển phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và thế giới hiện nay.

N.H

Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trườngLuật Dầu khí (sửa đổi) phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trường
CĐ DKVN tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW và thông tin, giải đáp về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)CĐ DKVN tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW và thông tin, giải đáp về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Sửa đổi Luật Dầu khí, hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khíSửa đổi Luật Dầu khí, hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí
Khung pháp lý cho hoạt động khai thác, phát triển mỏ còn nhiều vướng mắcKhung pháp lý cho hoạt động khai thác, phát triển mỏ còn nhiều vướng mắc
Hoạt động thăm dò khai thác Dầu khí ngoài khơi Việt Nam: Thực trạng và giải phápHoạt động thăm dò khai thác Dầu khí ngoài khơi Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

DMCA.com Protection Status