Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ V)

06:11 | 02/01/2022

10,736 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau các hợp đồng tô nhượng thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty dầu khí quốc tế đã nêu ở kỳ trước, Chính quyền Abu Dhabi tiếp tục mở các vòng đấu thầu cạnh tranh đối với các lô dầu khí trên đất liền và ngoài khơi. Sau các vòng đấu thầu này, các hợp đồng tô nhượng đã được trao cho: (i)Tổ hợp các công ty con thuộc sở hữu 100% của Eni và PTT Exploration and Production Public Company Ltd (PTTEP-Thái Lan); (ii) Occidental Petroleum (Oxy-Mỹ); (iii) Tổ hợp của hai tập đoàn dầu khí Ấn Độ là Indian Oil Corporation và Bharat Petroleum Corporation Ltd.; Cosmo Energy Holdings Co. (Nhật Bản); Tập đoàn 4 công ty Pakistan do Pakistan Petroleum Limited đứng đầu.
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ V)
Một hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên của ADNOC. Ảnh: ADNOC.

Việc cấp phép các hợp đồng này cho thấy UAE thúc đẩy xu hướng phù hợp với Chiến lược 2030 của ADNOC, khuyến khích mô hình quan hệ đối tác mở rộng và cách tiếp cận tích cực hơn để quản lý doanh nghiệp và danh mục tài sản của mình. Trọng tâm chính trong quan hệ đối tác và đồng đầu tư mới của ADNOC là sự chia sẻ và phát triển công nghệ trên toàn bộ chuỗi giá trị, với các yêu cầu về chia sẻ công nghệ là đặc điểm chính của các vòng thầu gần đây.

Hợp tác quốc tế trong hoạt động trung nguồn và hạ nguồn

Bên cạnh đó, ADNOC đã tập trung vào các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn. Tháng 6/2020, ADNOC cho biết một nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP), Quỹ đầu tư Brookfield Asset Management, Quỹ đầu tư nước ngoài của Chính phủ Singapore (GIC), Quỹ Hưu trí Giáo viên Ontario, Tổ hợp NH Investment & Securities and Snam, sẽ đầu tư vào một số tài sản đường ống dẫn khí đốt của ADNOC trị giá 20,7 tỷ USD.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ V)
Tổ hợp nhà máy lọc dầu Ruwais của ADNOC có công suất 835.000 thùng dầu mỗi ngày. Ảnh: Meed.com

Khoản đầu tư bao gồm 49% cổ phần của ADNOC Gas Pipeline Assets LLC, công ty con mới thành lập của ADNOC, cùng với quyền được thuê 38 đường ống dẫn khí. ADNOC cũng đang mở rộng khả năng sử dụng và lưu trữ, thu giữ carbon và đã ký một thỏa thuận khung với Eni để tìm hiểu các cơ hội hợp tác mới.

Trong lĩnh vực hạ nguồn, ADNOC và Tập đoàn Điện lực Abu Dhabi (ADPower) đã công bố vào năm 2019 một gói thầu cho hệ thống truyền tải điện dưới biển một chiều, điện áp cao đầu tiên ở Trung Đông sẽ kết nối các cơ sở sản xuất ngoài khơi của ADNOC với lưới điện trên bờ của ADPower. ADNOC cũng đã cam kết đầu tư 3,5 tỷ USD để nâng cấp khả năng lọc dầu thô tại Nhà máy lọc dầu Ruwais.

Năm 2019, UAE đã xuất khẩu 2,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Trong số dầu xuất khẩu đó, 2.800 thùng dầu xuất khẩu sang Bắc Mỹ, 2,368 triệu thùng dầu xuất khẩu sang Châu Á-Thái Bình Dương và 43.000 thùng được xuất sang châu Phi.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ V)
Trụ sở ADNOC tại Abu Dhabi. ADNOC có kế hoạch chuyển đổi, đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa. Ảnh: Reuters.

Năm 2020, công ty đường ống dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Israel, Europe Asia Pipeline Company (EAPC) và MED-RED Land Bridge, công ty liên doanh giữa UAE và Israel đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc chuyên chở dầu từ UAE tới châu Âu thông qua một đường ống dẫn dầu nối thành phố Eilat (Israel) ở Biển Đỏ với cảng tàu chở dầu Ashkelon (Israel) ở Địa Trung Hải. “Cây cầu đất liền” này giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và chi phi so với vận chuyển dầu qua Kênh đào Suez và cũng tạo thuận lợi cho các siêu tầu chở dầu quá to không thể đi qua Kênh đào Suez. Với nguồn dầu mỏ của UAE, thỏa thuận này cũng hướng tơi việc vận chuyển dầu tới các nước khác và tiềm tàng mở ra một con đường nhanh chóng hơn để các nhà sản xuất dầu mỏ khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen tiếp cận các khách tiêu thụ dầu ở châu Á. (Còn tiếp)

Thanh Bình

DMCA.com Protection Status