Khách hàng châu Á được hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt Nga

20:18 | 18/08/2022

|
(PetroTimes) - Khi phương Tây và Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt khiến việc buôn bán dầu của Nga trở nên khó khăn hơn, các phương tiện truyền thông đã nhấn mạnh rằng Nga không thể thay thế châu Âu bằng châu Á như khách hàng dầu lớn nhất của mình.
Khách hàng châu Á được hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt Nga

Dầu thô của Nga đã được giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với các chuẩn dầu khác trên thế giới kể từ tháng 3 năm nay. Các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ đã được hưởng lợi từ mức giá giảm tương đối lớn này. Tờ Thời báo phố Wall gần đây đưa tin, Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã công bố các số liệu tài chính mạnh mẽ trong quý I/2022, một phần là nhờ dầu thô giá rẻ của Nga.

Theo Reuters, Nga trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, vượt Ả Rập Xê-út nhờ lượng dầu thô xuất khẩu tăng đột biến trong tháng 5. Nga cũng đã vươn lên trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ trong tháng 5, đẩy Ả Rập Xê-út xuống vị trí thứ ba. Iraq hiện là nước cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho quốc gia Nam Á này.

Được biết, mức chiết khấu đã thu hẹp trong vài tuần qua, cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ đủ mạnh để giữ cho dầu của Nga chảy ra nước ngoài với khối lượng đủ lớn để giữ cho doanh thu từ dầu chảy trở lại Nga.

Hãng Bloomberg mới đây đưa tin rằng đã có sự sụt giảm trong các dòng dầu trong tuần tính đến ngày 12/8, với tổng lượng dầu Nga gửi đến các khách hàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3, sau khi đạt mức cao nhất khoảng 2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Sự thu hẹp trong chênh lệch giá dầu của Nga có thể là một trong những lý do khiến khối lượng xuất sang châu Á giảm.

Nhà báo Clyde Russell của Reuters nhận định rằng, sự chuyển hướng của dòng chảy dầu Nga khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào chỉ hai quốc gia châu Á. Ông Russell lưu ý rằng, Ấn Độ và Trung Quốc hiện chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Nga, tăng một nửa so với một năm trước. Đây hoàn toàn là sự phụ thuộc lẫn nhau khi Trung Quốc nhiều năm liền là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, trong khi Nga cần thị trường mới cho dầu thô của mình, đặc biệt là sau khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay.

Một khi lệnh cấm vận có hiệu lực, giá dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran không được "hồi sinh". Trung Quốc, Ấn Độ, cùng với những khách hàng nhỏ hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, hay thậm chí cả Sri Lanka sẽ là những người được hưởng lợi, vẫn được quyền tiếp cận dầu thô của Nga với giá ưu đãi.

Bài báo trên Thời báo phố Wall đưa ra nhận định rằng, nếu một liên minh mua dầu ra đời, điều đó cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Ấn Độ khi cả hai nước đều không tham gia sáng kiến ​​của G7 về liên minh này. Trên thực tế, khả năng một liên minh như vậy trở thành hiện thực là khá mong manh.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng này cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động rất hạn chế đối với sản lượng dầu của Nga, lưu ý rằng trong tháng 7, sản lượng dầu thô của Nga chỉ thấp hơn 310.000 thùng/ngày trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine. IEA cũng đã điều chỉnh tăng dự báo về sản lượng cho năm tới.

Bình An