Hoạt động dầu khí là hoạt động đặc biệt, đặc thù

12:16 | 15/11/2021

3,507 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đó là khẳng định của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc", sáng 12.11 do Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành dầu khí Việt Nam 27.11.1961 - 27.11.2021.

Sự kiện được tổ chức nhằm tuyên truyền, giới thiệu những nội dung cơ bản về Luật Dầu khí cũng như mong muốn đón nhận những ý kiến, quan điểm xây dựng của các nhà khoa học, chuyên gia về tính đặc thù của hoạt động dầu khí trong quá trình xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); vị trí, chức năng của PVN trong quản lý các hoạt động dầu khí.

Hoạt động dầu khí là hoạt động đặc biệt, đặc thù
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho Ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển Đông. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới phát triển ngành dầu khí, trong đó, điển hình là việc ban hành Luật Dầu khí 1993, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2008 cùng nhiều văn bản pháp luật liên quan. Hệ thống văn bản pháp luật về dầu khí cơ bản đơn giản, rõ ràng, dễ thực thi, bảo đảm quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà và đầu tư; tiệm cận, gần với thông lệ dầu khí quốc tế.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, đất nước có nhiều thay đổi, nền kinh tế thế giới cũng có chuyển đổi mạnh mẽ;nhiều quy định trong pháp luật dầu khí không còn phù hợp, chồng chéo, không rõ ràng; xuất hiện một số khoảng trống giữa các văn bản luật, quy định pháp luật chưa đủ để điều chỉnh thực tế phát sinh. Hoạt động dầu khí trên thực tế đang gặp nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật khác nhau, đòi hỏi phải chuẩn hóa lại hệ thống pháp luật, liên quan đến hoạt động dầu khí, đặc biệt là yêu cầu cấp thiết phải chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí.

Vì vậy, Nghị quyết 41 ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, đặt ra yêu cầu "hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí"; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đặt ra yêu cầu "sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả"...

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo nêu trên, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật và tổng kết thi hành Luật Dầu khí hiện hành, gồm các nội dung chính: (i) Đánh giá quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về dầu khí và thực trạng hoạt động dầu khí từ năm 1993 đến nay; (ii) Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn thi hành, và (iii) Đề xuất xây dựng dự án Luật Dầu khí thay thế Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 và ngày 23.9.2021 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.

Khẳng định việc sửa đổi Luật là tất yếu khách quan và hợp quy luật, không ít ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW; Nghị quyết 140/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55. Đồng thời, nhấn mạnh được vai trò của PVN thay mặt quản lý nhà nước về dầu khí, thể hiện đúng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực dầu khí nói chung… Làm sao để Luật Dầu khí phải khái quát được tất cả những vấn đề của ngành dầu khí.

Theo ông Lê Xuân Thành, Thư ký Khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh, nguyên Vụ trưởng Vụ công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), dự thảo Luật cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng...

Theo Đại biểu Nhân dân

Kỳ XVII: Nền tảng cũ, bối cảnh mớiKỳ XVII: Nền tảng cũ, bối cảnh mới
Tự hào Người lính Dầu khí trong hành trình Tự hào Người lính Dầu khí trong hành trình "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc"
Bài 2: Xóa rào cản, mở hướng phát triểnBài 2: Xóa rào cản, mở hướng phát triển

DMCA.com Protection Status