Giới hạn giá dầu Nga: “Gậy ông đập lưng ông”?

09:01 | 06/12/2022

|
(PetroTimes) - Hiện nay, giá dầu thô Urals của Nga dao động quanh mức 65 USD/thùng, chỉ cao hơn mức trần 60 USD một chút. Như vậy, chính sách áp trần đối với dầu Nga của EU, G7 và Úc đang tạo ra tác động khá hạn chế trong ngắn hạn.
Giới hạn giá dầu Nga: “Gậy ông đập lưng ông”?

Theo Reuters, thị trường thế giới càng mất nhiều dầu Nga thì giá cả càng chịu tác động lớn. Điều này có thể mang lại lợi thế cho Nga và những nước xuất khẩu lớn khác, đồng thời gây thiệt hại lên người tiêu dùng phương Tây - những người đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, ảnh hưởng phần lớn bởi chi phí năng lượng. Thật vậy, ông Igor Galaktionov thuộc công ty môi giới BCS Mir Investitsiy cho biết: “Ngay cả khi xuất khẩu của Nga sụt giảm nhiều hơn dự kiến, ngân sách vẫn được bù đắp bằng giải pháp tăng giá. Do đó, nguồn thu ngân sách sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể”.

Vào hôm 1/12, chính phủ các nước EU đã tạm thời thống nhất mức trần 60 USD/thùng cho dầu thô Nga, kèm theo đó là cơ chế điều chỉnh để đảm bảo mức trần thấp hơn 5% so với giá thị trường. Trước đây, các nước G7 từng đề xuất mức trần 65-70 USD/thùng, dựa vào chiều giá trung bình của dầu Urals. Trong khi đó, Ba Lan yêu cầu đặt mức trần 30 USD/thùng. Phần lớn dầu Urals của Nga được bán sang châu Âu. So với giai đoạn đầu năm nay, giá dầu Urals đã giảm khoảng 23,5 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent chỉ giảm khoảng 2 - 3 USD/thùng. Hiện nay, dầu Brent đang được giao dịch trong khoảng 87 USD/thùng, gần với mức giá trong hợp đồng tương lai.

Theo ông Alexei Gromov - chuyên gia tại Viện nghiên cứu Năng lượng và Tài chính (FIEF - Nga): “Tôi nghĩ rằng mức giá trần do EU đề ra khá gần với giá dầu đang được giao dịch trên thị trường hiện nay. Nếu giá trần chỉ nằm trong khoảng 60 USD/thùng, Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu một cách thoải mái”. Như vậy, Nga chỉ không hưởng lợi nếu người mua từ chối trả cao hơn mức giá trần, và khi giá dầu trên thị trường quốc tế tăng cao.

Hiện tại, chỉ từ lời đề xuất thiết lập chính sách áp trần giá dầu của Mỹ và G7, doanh thu của Nga và cả những nước sản xuất dầu mỏ khác đã giảm, khiến triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu, tạo thêm áp lực lên thị trường dầu mỏ quốc tế. Ông Yevgeny Suvorov - nhà kinh tế thuộc Ngân hàng CentroCredit (Nga) cảnh báo: Nếu giá dầu của Nga giảm xuống còn 45-50 USD/thùng trong năm 2023, ngân sách của Nga sẽ thâm hụt 2 nghìn tỷ rúp (32 tỷ USD). Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga, ​​​​tổng doanh thu từ ngành dầu khí năm 2023 của Nga sẽ đạt 8,9 nghìn tỷ rúp. Đáng chú ý, doanh thu được xác định qua hai yếu tố: Giá dầu thô và tỷ giá hối đoái tại thời điểm bán.

Nếu đồng rúp tiếp tục duy trì thế tương đối mạnh như hiện nay, nguồn thu ngân sách bằng nội tệ sẽ giảm, khiến Bộ Tài chính khó cân đối sổ sách. Bộ Tài chính Nga đặt giả định như sau: Giá dầu Nga trung bình đạt 70,1 USD/thùng; tỷ giá hối đoái trung bình đạt 68,3 rúp/USD. Bộ Tài chính sẽ sử dụng dữ liệu này để đối chiếu với các mức hiện tại tương ứng: 65 USD/thùng cho giá dầu; 61-62 rúp/USD.

Gần đây, tuy đồng rúp đã suy giảm, giá trị vẫn đạt mức cao hơn nhiều so với phạm vi ưa chuộng của chính phủ: 70-80 rúp đổi 1 USD. Vì vậy, các doanh nghiệp Nga đã thúc giục ngân hàng trung ương lập các quỹ dự trữ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và thực hiện chính sách phá giá tiền tệ.

Ngoài chính sách áp trần giá dầu và lệnh cấm vận từ châu Âu, ngành dầu mỏ của Nga cũng chịu ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid ở Trung Quốc, vì quốc gia này cũng là một khách hàng rất lớn của ngành công nghiệp dầu mỏ Nga. Thật vậy, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã mua khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Như vậy, so với đầu năm, sản lượng mua đã tăng 1,6 - 1,8 triệu thùng/ngày. Từ đó, ông Matt Smith - chuyên phân tích cấp cao về dầu mỏ tại Công ty phân tích dữ liệu Kpler (Pháp), cho biết: “Tin tức từ Trung Quốc sẽ tiếp tục rung chuyển thị trường dầu mỏ, vì chính sách phong tỏa đang tác động đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của quốc gia có sức tiêu dùng mạnh thứ nhì trên toàn thế giới”.

Giới hạn giá dầu của Nga, Tổng thống Putin nói gì?Giới hạn giá dầu của Nga, Tổng thống Putin nói gì?
Nga: Giới hạn giá dầu là một biện pháp phản thị trườngNga: Giới hạn giá dầu là một biện pháp phản thị trường
Ba Lan thông qua mức giới hạn giá dầu của G7Ba Lan thông qua mức giới hạn giá dầu của G7

Nh.Thạch

AFP