Giải pháp ứng phó với giá dầu suy giảm?

20:56 | 03/09/2015

|
(PetroTimes) - Phải nói rằng giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng là một nỗi lo, không những đến sự đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho Ngân sách Nhà nước, mà còn vì “con bò sữa lâu nay vẫn cho sữa, thì nay đã cạn nguồn và đang kiệt sức”.

TS Ngô Thường San
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Giá dầu thấp đe dọa sự phát triển ổn định của PVN từ khâu thượng nguồn, đến các khâu dịch vụ; nguồn lực bị dư thừa, đặc biệt lượng lao động kể cả lao động kỹ thuật không đủ việc làm… Nhiều mỏ có giá thành (bao gồm các sắc thuế) dao động ở 35-40 USD/thùng sẽ không còn lợi nhuận để tiếp tục đầu tư duy trì mỏ. Tác động này có ảnh hưởng lâu dài trong 5-10 năm tới nếu ta không có những giải pháp đối phó kịp thời… Liệu ta giảm sản lượng khai thác và nhập dầu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD) thì sao? Đúng, người dân vẫn có xăng dầu tiêu dùng nhưng ngoại tệ đâu để nhập?

gia i pha p u ng pho vo i gia da u suy gia m
Cần tạo sự liên kết hỗ trợ thực sự giữa các đơn vị dịch vụ dầu khí trong nước

Câu hỏi đặt ra là ngành Dầu khí cũng đã từng trải qua khủng hoảng khi giá dầu có lúc lên đến 25-27 USD/thùng (năm 1993 đến 1995) sau đó sụt thê thảm xuống có lúc chỉ còn 9-10 USD/thùng (1997 - 1999) có ảnh hưởng đến ngành Dầu khí không?

Phải nói là có, nhưng hiệu ứng tác động khi ấy còn nhỏ. Tuy ta không có tiền để đầu tư triển khai NMLD Dung Quất khi các công ty dự kiến liên doanh rút đi; ta phải bàn giải pháp với phía Nga để lại phần lợi nhuận của phía Nga ở Vietsovpetro để góp vốn vào NMLD Dung Quất. Ngân sách Nhà nước thiếu trầm trọng nhưng việc gia tăng sản lượng 1 triệu tấn để có 100 triệu USD đối với Vietsovpetro lúc đó chưa phải là trở ngại không vượt qua được. Hơn nữa dù giá dầu có giảm nhưng nhu cầu đầu tư của Vietsovpetro không lớn (đang ở thời kỳ lên sản lượng đỉnh) và với cơ chế hạch toán đặc thù của Liên doanh thì hoạt động của Vietsovpetro cũng ít chịu tác động tiêu cực. Thời gian đó, sản lượng dầu chủ yếu là từ Vietsovpetro, còn Petronas (PVC) và JVPC chưa cho sản lượng lớn, vì thế phạm vi và mức độ ảnh hưởng của giá dầu không cao đối với kinh tế Việt Nam khi họ chủ trương đầu tư phát triển “cầm chừng”...

Vậy giá dầu hiện nay vẫn còn cao hơn giá thời kỳ cao nhất của đầu những năm 90 thế kỷ trước thì tại sao ta lại bàn đến "bi kịch" của ngành Dầu khí?

gia i pha p u ng pho vo i gia da u suy gia m

Vấn đề ở chỗ là tất cả các mỏ đặc biệt mỏ lớn như Bạch Hổ mà ta đang khai thác đã chuyển sang thời kỳ suy giảm sản lượng mạnh. Các mỏ khác thì cũng đã qua thời kỳ sản lượng đỉnh và đang suy giảm; các bể chứa dầu truyền thống như Cửu Long và Nam Côn Sơn đã được “cày xới” do đó không còn các mỏ trữ lượng lớn có thể đưa được sản lượng lên để bù đắp cho sự suy giảm chung.

Vì thế, chi phí để gia tăng 1 tấn trữ lượng thu hồi và 1 tấn sản lượng khai thác bị đội lên gấp nhiều lần. Nếu ở thời kỳ của những năm 90 thế kỷ trước, trữ lượng thu hồi của một giếng thăm dò có thể cho bình quân 7-10 triệu tấn thì ngày nay một giếng thăm dò chỉ cho 2,5-3 triệu tấn. Sản lượng trên giếng trước đây ở Bạch Hổ khoảng 500-700 tấn/ngày và ổn định nhiều năm thì nay chỉ còn 100-150 tấn/ngày với sản lượng ổn định tính từng tháng… và nhiều giếng đã “chết”.

Ngày nay, chiều sâu khoan thăm dò và khai thác thường lớn hơn, bình quân trên 3.500m và tiến ra vùng nước sâu hơn (có nơi đến 800-1.000m nước), xa bờ với các công trình biển tốn kém hơn. Bên cạnh đó, các mỏ đã qua giai đoạn khai thác bằng năng lượng tự nhiên (sơ cấp) kết hợp có mức độ thứ cấp (bơm ép nước) thì nay phải đầu tư công nghệ khai thác thứ cấp tăng cường kết hợp với các giải pháp tam cấp… do đó tốn kém hơn nhiều.

Thời gian qua do giá dầu cao, nên các chi phí dịch vụ kỹ thuật, giá vật tư thiết bị dâng cao theo giá dầu; nay tốc độ giảm có độ trễ chưa tương ứng với tốc độ giảm giá dầu. Song song đó, yêu cầu đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường khắt khe hơn đòi hỏi chi phí cao hơn.

Những yếu tố trên đây đồng thời tạo ra hiệu ứng khách quan làm tăng chi phí đầu tư cho thăm dò khai thác.

Về chủ quan, công tác quản trị, đặc biệt trong đầu tư, quản lý chi tiêu thời gian qua còn nhiều bất cập; công tác quản lý ở các công ty cổ phần có vốn của PVN, các liên doanh (trong nước) còn lỏng lẻo làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của ngành Dầu khí.

Để ứng phó với việc suy giảm giá dầu hiện nay, PVN cần có những giải pháp kịp thời và chủ động. Xin đưa ra một số ý kiến trao đổi như: Cần nhanh chóng đầu tư nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để tăng sản lượng và trữ lượng trên đầu giếng, tăng xác xuất thành công các giếng trong tìm kiếm và phát triển mỏ, tăng hiệu quả công tác thăm dò, khai thác, giảm thiểu rủi ro trong thăm dò-thẩm lượng. Tăng cường công tác quản trị về chất lượng và minh bạch tài chính trong tất cả các khâu sản xuất - kinh doanh của PVN. Tăng cường công tác giám sát và phản biện để giảm thiểu các rủi ro trong đầu tư và chi tiêu. Phát huy nội lực tối đa, tạo sự liên kết hỗ trợ thực sự giữa các đơn vị dịch vụ trong nước tạo sức cạnh tranh với nước ngoài, “các đơn vị trong ngành ưu tiên dùng dịch vụ trong ngành và của Việt Nam”. Bên cạnh đó cần phát triển ngành cơ khí sửa chữa và chế tạo thiết bị dầu khí, công nghiệp hỗ trợ, từng bước giảm thiểu và hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài. Nhà nước cần “bơm tiền” để PVN mua lại (tích cực đàm phán nhanh chóng mua lại cổ phần) các mỏ dầu, đặc biệt mỏ khí ở Việt Nam để tự phát triển và tự tổ chức khai thác..., cho dù PVN lãi ít thì Nhà nước cũng được lợi từ thu thuế tài nguyên và các sắc thuế khác, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các đơn vị dịch vụ và xây lắp trong ngành, duy trì sự ổn định của ngành.

Đây là các giải pháp cần nhanh chóng triển khai để ứng phó với các khó khăn mà PVN sẽ đối mặt trong thời gian không xa…

Dầu thô trong nền kinh tế Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam biến động mạnh chủ yếu do tác động của giá xuất khẩu. Theo cơ chế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ dầu thô, quy mô đóng góp của dầu thô vào NSNN đã tăng liên tục từ 26,5 ngàn tỉ đồng năm 2002 lên đến kỷ lục 89,6 ngàn tỉ đồng năm 2008 rồi lại giảm xuống trong 2 năm 2009-2010 trước khi tăng vọt lên trên 140 ngàn tỉ đồng năm 2012 và duy trì ở mức trên 100 ngàn tỉ đồng những năm 2013-2014.

Suốt từ năm 2002 đến nay, chỉ duy nhất thu NSNN từ dầu thô năm 2009 không đạt dự toán, còn lại năm nào cũng thu vượt dự toán, thậm chí vượt thu tới gần 90% như năm 2004 hay vượt trên dưới 60% dự toán các năm 2003, 2011 và 2012.

Ngay 2 năm gần đây, so với dự toán, thu NSNN từ dầu thô cũng vượt tới trên 20%. Tuy vai trò của khai thác và xuất khẩu dầu thô đối với nền kinh tế giảm xuống kéo theo tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô cũng có xu hướng giảm rõ rệt với tốc độ giảm có chậm hơn song khai thác và xuất khẩu dầu thô nói chung, thu NSNN từ dầu thô nói riêng vẫn đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là cứu cánh trong một số giai đoạn phát triển của nước ta, chẳng hạn suốt giai đoạn 2002-2008, dầu thô liên tục đóng góp từ 20-30% tổng thu NSNN.

Dự báo thu NSNN từ dầu thô năm 2015 khó có thể đạt dự toán thu 93.000 tỉ đồng do việc tăng sản lượng khai thác không dễ dàng, thậm chí còn cần giảm sản lượng khai thác do diễn biến giá cả không thuận lợi. Tuy nhiên, tổng thu NSNN vẫn có thể đạt dự toán do có thêm các khoản thu khác bù đắp cho hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô.

(Năng lượng Mới 452+453)