Giá dầu thô bắt đầu hồi phục

14:44 | 09/04/2019

|
(PetroTimes) - Giá dầu thô trong quý I/2019 đã tăng kỷ lục, một kỳ tích sau hơn 14 năm. Đây chính là thành công từ những nỗ lực của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu xuất khẩu từ Venezuela và Iran.

Hồi 15 giờ ngày 29-3-2019, giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch trên thị trường London giao tháng 5-2019 đạt 68,30 USD/thùng, tăng 48 cent so với ngày hôm trước và tăng tổng cộng 25,76% trong 3 tháng đầu năm 2019. Giá dầu WTI của Mỹ cũng chạm mức 59,94 USD/thùng, cao hơn 64 cent của giá dầu hôm 28-3, tăng 28,83% trong 3 tháng đầu năm 2019.

gia dau tho bat dau hoi phuc

Kể từ năm 2015, giá “vàng đen” thường trì trệ trong các quý đầu năm. Việc giá dầu tăng vọt trong thời điểm này chính là bước khởi đầu tươi sáng cho thị trường dầu mỏ.

“Sau thời gian dài sụt giảm, giá dầu đã bắt đầu hồi phục trở lại. Chính nỗ lực cắt bớt sản lượng dầu thô của OPEC và các đối tác bên ngoài đã mang đến thắng lợi hôm nay” - ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của UBS phát biểu với AFP.

Từ đầu tháng 12-2018, OPEC cùng Nga đã đi đến thỏa thuận về cắt giảm sản xuất dầu thô nhằm giúp đẩy giá cả lên cao.

Nỗ lực to lớn từ Arập Xêút

Arập Xêút - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - đã nỗ lực hết mình trong việc cắt giảm sản lượng khai thác mang đến cơ hội khôi phục giá dầu trong những tháng đầu năm 2019.

“Tuy nhiên, Arập Xêút phải cẩn trọng giữ giá không tăng quá cao để không gây áp lực cho Mỹ cũng như các nước tiêu dùng dầu mỏ khác” - ông Dan Smith, nhà phân tích của Hãng tư vấn Oxford Economics bày tỏ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích quyết định của OPEC, đồng thời buộc OPEC phải chịu trách nhiệm trước giá dầu và nhiên liệu đang tăng cao. Ông Trump cũng lên tiếng yêu cầu OPEC phải ngay lập tức tăng sản lượng dầu thô trở lại.

Trước những can thiệp gay gắt của Mỹ, giá cả trên thị trường “vàng đen” có chậm lại đôi chút, nhưng nhanh chóng tăng trở lại. Theo ông Stephen Brennock, chuyên gia của PVM, có vẻ như OPEC đang cố tình làm ngơ trước những lời cáo buộc của Mỹ.

Giữa năm 2018, OPEC và các đối tác đồng triển khai chiến lược mềm dẻo nhằm ứng phó với sự nóng giận từ phía Mỹ, trước khi Mỹ tái áp dụng lệnh trừng phạt nặng nề với Iran.

Sự can thiệp gắt gao của Mỹ

Nhưng đến phút cuối, Mỹ bỗng quay ngoắt thái độ, thực thi quyền miễn trừ cho một số nước chuyên nhập khẩu dầu. Vì thế, giá “vàng đen” đã giảm mạnh trong quý IV/2018. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 35%, giá dầu WTI giảm 38% trong 3 tháng cuối năm 2018.

OPEC ngay lập tức thể hiện động thái dứt khoát bằng cách thắt chặt các điều khoản thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Trong khi đó, Washington lại đang chuyển mục tiêu nhắm đến xuất khẩu dầu thô của Venezuela.

Trước mắt, thị trường dầu mỏ đang phụ thuộc vào các quyết định sắp tới của Mỹ về việc gia hạn thời gian miễn trừ cho các nước tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran. Chuyên gia phân tích Bjarne Schieldrop của SEB bình luận: “Mọi vấn đề đều xuất phát từ giá cả. Theo quan điểm của Tổng thống Trump, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ và ông Trump sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi cho công dân của mình”.

Gần đây, thị trường dầu đá phiến ở Mỹ bùng nổ mạnh mẽ giúp Mỹ nhanh chóng trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều này giúp dầu đá phiến trở lại vai trò lớn trong nền kinh tế Mỹ.

“Trên thực tế, lợi ích của người tiêu dùng và nhà sản xuất thường đối lập. Trong tương lai, trước sức lan tỏa của dầu đá phiến, Mỹ có thể buộc phải hành động như OPEC hôm nay”, ông Bjarne Schieldrop nói.

Sản lượng dầu OPEC giảm thấp

Sản lượng dầu của OPEC vào tháng 3-2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2015, do Arập Xêút cắt giảm nhiều hơn so với cam kết theo thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ và Venezuela, nơi tiếp tục bị các lệnh trừng phạt của Mỹ và đang đối mặt với một sự mất điện lớn - báo cáo thăm dò hàng tháng của Reuters cho biết hôm 1-4-2019. Báo cáo cũng cho biết, sản lượng tổng hợp của 14 thành viên của OPEC là 30,4 triệu bpd (thùng/ngày) vào tháng 3-2019, giảm 280.000 bpd so với tháng 2, đạt mức sản xuất thấp nhất của OPEC kể từ tháng 2-2015.

Các số liệu khảo sát trong tháng 3-2019 cho thấy. Arập Xêút tiếp tục cắt giảm quá nhiều so với cam kết kể từ khi thỏa thuận OPEC+ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1-2019. Theo thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 1 đến tháng 6-2019 của các thành viên trong và ngoài OPEC, phần giảm của Arập Xêút trong tháng 3-2019 là 322.000 bpd so với mức của tháng 10-2018, xuống còn 10.311.000 bpd.

Sản lượng tổng hợp của 14 thành viên của OPEC là 30,4 triệu bpd (thùng/ngày) vào tháng 3-2019, giảm 280.000 bpd so với tháng 2, đạt mức sản xuất thấp nhất của OPEC kể từ tháng 2-2015.

Sản lượng tổng hợp của 14 thành viên của OPEC là 30,4 triệu bpd (thùng/ngày) vào tháng 3-2019, giảm 280.000 bpd so với tháng 2, đạt mức sản xuất thấp nhất của OPEC kể từ tháng 2-2015.

S.Phương