Chuyển đổi năng lượng là vấn đề cốt yếu hiện nay

20:48 | 15/04/2021

|
Reuters 14/4 có bài phân tích về yêu cầu cấp thiết chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh thế giới vẫn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hóa thạch và tiếp tục làm trầm trọng hơn nguy cơ thảm họa biến đổi khí hậu.
Ảnh minh hoạ.https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Một trạm điện chạy bằng than của công ty năng lượng khổng lồ của Đức RWE, ở Weisweiler, Tây Đức, ngày 26/01/2021. Ảnh: INA FASSBENDER | AFP | Getty Images

Các nhà hoạch định chính sách đang chịu áp lực ngày càng tăng để thực hiện những cam kết của Thỏa thuận Paris trước khi diễn ra COP26 ở Glasgow, Scotland, tháng 11/2021. Các chính khách và các doanh nhân thừa nhận sự cần thiết phải chuyển đổi sang một xã hội các-bon thấp, nhưng việc làm chậm quá trình trái đất nóng lên và đáp ứng những mục tiêu toàn cầu về giảm khí thải đang ngày càng trở nên khó khăn.

Theo Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường quốc tế Carroll Muffett, việc chuyển đổi năng lượng đang diễn ra quá chậm chạp khi nhìn từ góc độ biến đổi khí hậu, nhưng quan trọng nhất là sự thừa nhận vấn đề chủ yếu nằm ở ý chí chính trị và các lựa chọn kinh tế.

Các lãnh đạo thế giới và khối doanh nghiệp liên tục nhắc lại cam kết “chuyển đổi năng lượng”. Gần 200 nước đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhất trí theo đuổi nỗ lực giới hạn nhiệt độ nóng lên của trái đất là 1,5 độ C. Đây tiếp tục là trọng tâm chính của COP26, mặc dù một số nhà khoa học về biến đổi khí hậu cho rằng bây giờ mục tiêu này đã là “điều không thể đạt được”.

Nhóm tư vấn Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng trong thời điểm từ năm 2030 đến 2052, nhiệt độ trái đất sẽ nóng thêm lên 1.5 độ C; để giảm mức độ nóng lên của trái đất, cần phải giảm đi 45% khí thải các-bon vào năm 2030 so với mức của năm 2010, trước khi đạt mức cân bằng khí thải (net zero) vào năm 2050.

Vấn đề không nằm ở việc không có công nghệ hoặc khả năng chuyển đổi, hoặc lựa chọn kinh tế, mà nằm ở cơ cấu quyền lực và sự ủng hộ cho một ngành sẽ suy giảm. Chiến lược cân bằng khí thải của một số Chính phủ và công ty vẫn phụ thuộc vào việc ngày càng tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong “những thập kỷ tới”. Theo Carroll Muffett, có thể thấy thực tế này trong chính sách của Mỹ, đặc biệt trong kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho việc thu và giữ các-bon.

Con đường gập ghềnh phía trước. Theo Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia của Mỹ, mức độ khí các-bon của Trái Đất đang cao hơn bất cứ thời điểm nào trong 3.6 triệu năm qua; nếu muốn giảm thiểu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, cần phải tập trung vào việc giảm khí thải khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nghiên cứu ngăn chặn khí nhà kính đi vào khí quyển.

Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí và than thải ra một lượng lớn khí các-bon vào không khí. IPCC cho biết khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp chiếm tới 89% khí thải toàn cầu năm 2018.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự kiến khí thải các-bon toàn cầu từ các nguồn nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong các thập kỷ tới. Theo nhà phân tích tài chính năng lượng Clark William Derry, quá trình “chuyển đổi năng lượng” hiện nay giống như quá trình “chuyển đổi hệ thống năng lượng từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 21”; quá trình chuyển đổi diễn ra nhưng không rõ liệu có đủ nhanh để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, có đủ nhanh để cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố ở các nước đang phát triển như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam cũng như một số nước khác; con đường phía trước rất gập ghềnh.

Là vấn đề cốt yếu hiện nay. Nhóm tư vấn Liên chính phủ IPCC ghi nhận rằng quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch đang diễn ra và sẽ đòi hỏi những thay đổi “nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có tiền lệ” trong tất cả các khía cạnh của xã hội.

Tuy nhiên, báo cáo tháng 2/2021 của Liên hợp quốc cho thấy cam kết của các nước trong việc cắt giảm khí thải nhà kính “còn rất xa” so với những biện pháp sâu rộng cần thiết để tránh những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu. Hiện nay mới có 75/195 nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trình kế hoạch đóng góp quốc gia (NDC) về các giảm khí thải tới năm 2030. Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, là những nước khí thải lớn nhất thế giới vẫn chưa đưa ra NDC của nước mình.

Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Patricia Espinosa thúc giục các nhà hoạch định chính sách “đẩy nhanh” những kế hoạch tham vọng nhằm cắt giảm khí thải trong năm 2021, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ “cốt yếu” hiện nay./.

Thanh Bình

Thanh Bình