Chính sách mới của EU về Ấn Độ-Thái Bình Dương, vấn đề an ninh biển

20:25 | 26/04/2021

|
Theo Reuters ngày 19 và 25/4, tạp chí The Diplomat 20/4, Cộng đồng Châu Âu đã thông qua văn bản 10 trang, tuyên bố về chính sách mới ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, với tên chính thức là “Chiến lược EU vì hợp tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, thể hiện nỗ lực của 27 nước thành viên EU xây dựng một lập trường chung, quyết tâm đẩy mạnh ảnh hưởng của mình ở khu vực, bảo vệ lợi ích của EU, từ an ninh tới y tế, đưa ra cách tiếp cận bao quát và cân bằng, ghi nhận sự cần thiết phải can dự, cũng như đối trọng với sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc.
Chính sách mới của EU về Ấn Độ-Thái Bình Dương, vấn đề an ninh biển
Tàu hộ tống Vendemiaire (F734) của Hải quân Pháp trong một chuyến thăm hữu nghị cảng Metro Manila, Philippines.

Ảnh: Reuters/Romeo Ranoco/Tư liệu

Các Bộ trưởng Ngoại giao EU trong tuyên bố khẳng định chiến lược của mình không nhằm chống Trung Quốc; nhấn mạnh “EU cần củng cố sự tập trung chiến lược, sự hiện diện và hành động ở Ấn Độ- Thái Bình Dương...trên cơ sở thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế”. Trong một hội nghị trực tuyến, các Bộ trưởng Ngoại giao EU nhất trí rằng tiếp theo 10 trang tài liệu này, một chiến lược chi tiết hơn sẽ được đưa ra trong tháng 9/2021.

EU sẽ tham vấn với “các đối tác cùng quan điểm” để ủng hội những quyền cơ bản trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Kế hoạch này có thể cho thấy một sự hiện diện ngoại giao lớn hơn của EU trong các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương, có thêm nhân sự và đầu tư của EU trong khu vực, cũng có thể là sự hiện diện về an ninh lớn hơn, như việc cử tàu tuần tra đi qua khu vực Biển Đông, hoặc đưa người của EU lên các tàu tuần tra của Úc; tuy nhiên, các chi tiết vẫn chưa được thống nhất.

Mặc dù không nêu tên Trung Quốc trong các chi tiết, ngôn ngữ trong tuyên bố của EU là sự lập trình ủng hộ đối với Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Biden trong cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao EU nói rằng các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mong muốn EU hoạt động tích cực trong khu vực để duy trì thương mại mở và bảo đảm rằng họ không phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, khi mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng trở nên đối đầu.

Tuyên bố của EU được đưa ra trong bối cảnh quan điểm của các nước EU đối với Trung Quốc đang ngày trở nên cứng rắn hơn, sau các vấn đề tranh cãi liên quan đến Hồng Công, người Hồi giáo ở Tân Cương, vấn đề Covid 19. Tuyên bố nêu rõ “EU sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối tác và sự cộng hưởng với các đối tác có cùng quan điểm và các tổ chức về an ninh và quốc phòng”, “phản ứng đối với những thách thức đối với an ninh quốc tế, bao gồm cả an ninh biển”. Hiện còn chưa rõ EU sẽ đi xa tới mức nào trong vấn đề an ninh. Hiện nay, EU rất mong muốn thúc đẩy thương mại mới và coi Ấn Độ-Thái Bình Dương như là một cơ hội tiềm tàng. EU muốn ký các thỏa thuận thương mại với Úc, Indonesia, New Zealand, ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trên cơ sở những nguyên tắc đã được nhất trí năm 2020.

Theo tạp chí Diplomat 20/4, có thể đúc rút ra 10 điểm chính trong chiến lược mới của EU ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đó là: (i) Làm việc với các đối tác, thúc đẩy hợp tác là nền tảng trong cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương. (ii) Trung Quốc: Nêu rõ sự cần thiết phải làm việc với Trung Quốc; đưa ra một cách tiếp cận cân bằng, bao quát, ghi nhận sự cần thiết can dự với Trung Quốc trong các vấn đề có lợi ích chung. (iii) Tránh “chỉ mặt đặt tên”, chỉ trích lên án; chỉ ra rằng các thách thức đối với sự ổn định trong khu vực dưới hình thức “cạnh tranh địa chiến lược”, “căng thẳng trong chuỗi cung ứng và trong các lĩnh vực kỹ thuật, chính trị và an ninh”. (iv) Quyết tâm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đối khí hậu, đa dạng sinh học, các ảnh hưởng kinh tế, xã hội do đại dịch Covid 19, thúc đẩy chương trình Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. (v) An ninh biển, EU sẽ triển khai nhiều hành động hơn. (vi) Kết nối chất lượng cao và bền vững: với các đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN. (vii) Cương quyết trong thương mại: bảo vệ các lợi ích kinh tế; sau các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, quyết tâm làm sâu sắc quan hệ kinh tế với các đối tác khác trong khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. (viii) An ninh xuyên quốc gia là trọng tâm: xử lý các thách thức an ninh xuyên quốc gia; hợp tác an ninh, giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như quản lý đại dương, phòng ngừa thiên tai, chống cướp biển. (ix) EU là một chủ thể an ninh có nguyên tắc, thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế; đóng góp cho an ninh toàn cầu. (x) Chiến lược là một dấu mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của EU.

Liên quan đến an ninh biển, việc đảm bảo các tuyến đường biển “tự do, mở và an toàn” là lợi ích chiến lược sống còn đối với EU. Ngoài Pháp và Anh, Đức và Hà Lan đang xem xét thúc đẩy sự có mặt của hải quân của mình trong khu vực, phục vụ lợi ích và tăng cường sự ý thức biển của tất cả các nước thành viên EU. Việc bảo vệ các tuyến đường biển thông qua hoạt động xây dựng năng lực, nâng cao ý thức biển (MDA) sẽ là hoạt động tập trung của EU, bên cạnh triển khai hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden từ năm 2008, sẽ được thúc đẩy tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.

Ngày 24/4/2021, Người Phát ngôn EU đã có tuyên bố: “Căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm cả việc hiện diện của các tàu lớn của Trung Quốc ở khu vực đá Ba Đầu, làm phương hại hòa bình và ổn định trong khu vực”; tái khẳng định quan điểm phản đối của EU đối với “các hành động đơn phương có thể làm phương hại ổn định khu vực và trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế”; kêu gọi các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế./.

Thanh Bình