Chiến thuật cắt giảm sản lượng của các công ty dầu Nga đảm bảo phục hồi nhanh khi cần

11:00 | 12/05/2020

|
(PetroTimes) - Thỏa thuận OPEC+ đã chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 01/05. Theo các hãng tin Reuters và Interfax, sản lượng khai thác dầu tại Nga trong ngày 01/5 là khoảng 8,75 triệu thùng/ngày, cao hơn 250.000 thùng so với cam kết trong OPEC+.
chien thuat cat giam san luong cua cac cong ty dau nga dam bao phuc hoi nhanh khi canMỹ cắt giảm số giàn khoan dầu khí xuống mức thấp kỷ lục
chien thuat cat giam san luong cua cac cong ty dau nga dam bao phuc hoi nhanh khi canSyria tiếp tục cắt giảm trợ cấp xăng dầu
chien thuat cat giam san luong cua cac cong ty dau nga dam bao phuc hoi nhanh khi can

Giá dầu thế giới phản ứng tăng nhẹ. Tổng thống V.Putin và người đồng cấp Mỹ D.Trump đều ghi nhận tính kịp thời của thỏa thuận OPEC+ lần này. Tuy nhiên, triển vọng cân bằng cung cầu thị trường vẫn còn khá xa và chưa rõ liệu thỏa thuận hiện tại có đủ để hỗ trợ giá dầu hay các nhà sản xuất sẽ phải tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận cắt giảm mới. Theo thống kê của Trung tâm điều phối năng lượng quốc gia LB Nga, sản lượng khai thác dầu, bao gồm condensate, trong 2 tháng đầu năm 2020 của Nga đạt 11,32 triệu thùng/ngày và tăng lên 11,35 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Theo Interfax, sau khi thỏa thuận OPEC+ đi vào hiệu lực, sản lượng khai thác dầu thô trong 5 ngày đầu tiên của tháng 5/2020 đã giảm 16% so với tháng 4/2020 xuống còn 8,6-8,7 triệu thùng/ngày.

Điều này cho thấy các công ty dầu khí hàng đầu của Nga có thể cắt giảm kỷ lục sản lượng trong thời gian rất ngắn. Hiện chưa có thông tin chính thức nào từ các nhà sản xuất về phương pháp cắt giảm cũng như sản xuất tại các mỏ dầu nào bị cắt giảm. Theo nguồn tin từ Telegram, tập đoàn dầu khí Rosneft giảm 39-46% sản lượng tại các xí nghiệp “RN-SevernayaNeft”, “RN-Nyaganneftegaz”, “RN-Shelf Dalniy Vostok”. Xí nghiệp “RN-Yuganskneftegaz” cũng giảm sản xuất 18%. Tập đoàn dầu khí Lukoil giảm sản xuất 21% tại các xí nghiệp “JV Voldemin Oil”, “Lukoil-Kaliningrad Morneft”, “Lukoil-Zapadnaya Sibir”, “Lukoil Komi”, RITEK. Công ty dầu khí “Gazprom Neft” giảm 37% sản xuất dầu tại “Gazpromneft Noyabrsk Neftegaz”, 18% sản xuất tại Gazpromneft-Santos”.

Trong những ngày qua, Bộ Năng lượng Nga nhận định, LB Nga có thể hoàn thành 100% nghĩa vụ cắt giảm sản lượng trong thời gian ngắn, đồng thời cho biết các công ty dầu khí Nga có thể tăng sản lượng trở lại nhanh trong trường hợp cần thiết. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin, Nga có đủ khả năng khôi phục mức sản xuất của tháng 2 và tháng 3 trong vài tuần. Đối với các nhà sản xuất độc lập hoặc các công ty liên doanh, quá trình này có thể kéo dài hơn một tháng.

Giới chuyên gia dầu khí Nga cho rằng, chiến thuật cắt giảm sản xuất của các công ty Nga là đảm bảo có thể phục hồi nhanh lên mức tối ưu trong trường hợp cầu thiết. Cùng với đó, hiện tại họ chưa thấy những chuyển biến đáng kể trên thị trường dầu mỏ. Điều đó có nghĩa là ngành dầu khí Nga không kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu sớm cũng như chưa tính đến việc đàm phán về việc cắt giảm thêm sản lượng.

Chuyên gia phân tích cao cấp của Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Nga Igor Yushkov cho biết, chưa rõ các quyết định cụ thể của các nhà sản xuất về đóng cụ thể giếng khai thái thác nào, song họ đều có chung chiến lược: giếng nào hoạt động lâu hơn sẽ nhanh bị đào thải khỏi quá trình khai thác hơn, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo khả năng khôi phục và vận hành an toàn, thậm chí có lợi nhuận cao hơn.

Đối với câu hỏi liệu các thông số trong thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ sẽ thay đổi trong thời gian ngắn hay không, chuyên gia Yushkov cho biết, vai trò của thỏa thuận OPEC+ chủ yếu mang tính tình thế khi một mặt sản xuất dầu tại Mỹ giảm khá nhanh, mặt khác sự phục hồi nhu cầu dầu đang diễn ra chậm hơn so với dự báo. Tại Trung Quốc, các hoạt động sản xuất đang phục hồi song các thị trường tiêu thụ vẫn còn trong tình trạng trì trệ. Vì thế mà Trung Quốc chưa thể khôi phục nhu cầu dầu thô về mức trước khủng hoảng. Chuyên gia Yushkov nhấn mạnh, sản lượng cắt giảm và thời hạn của thỏa thuận sẽ phụ thuộc và nhu cầu của thị trường. Nếu tốc độ phục hồi nhanh thì nghĩa vụ cắt giảm sản lượng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Cũng trong bối cảnh giá dầu thấp hiện nay cộng với nghĩa vụ trong thỏa thuận, nhiều quyết định đầu tư cuối cùng đối với các dự án dầu khí có chi phí cao tại Nga sẽ bị hoãn ít nhất một năm. Các công ty sẽ chưa tính đến việc đầu tư mới cho đến mùa xuân năm 2021. Nếu việc trì hoãn đầu tư kéo dài một năm thì thị trường dầu mỏ không bị ảnh hưởng đáng kể. Còn nếu tình trạng này kéo dài hai năm thì thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung mới, đẩy giá dầu lên cao.

Tình hình thị trường hiện nay cũng gây thiệt hại nặng nề đến các công ty dịch vụ dầu khí và địa chất thăm dò. Giám đốc phân tích thông tin của “Alpari” Alexander Razuvaev nhận định, ngành dầu khí liên bang Nga đủ khả năng linh hoạt để cắt giảm sản lượng khai thác. Trên cơ sở giá dầu giảm, chi phí đầu tư, chi phí sản xuất cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, Nga có thể nhanh chóng khôi phục sản lượng khai thác như trước đây. Khi kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tăng trở lại thì phía Nga có thể không cần phải xem xét thêm thỏa thuận OPEC+ mới.

Nói về việc giá dầu hồi phục, Chuyên gia phân tích hàng đầu của “BKS Premier” Anton Pokatovich cho biết, tình hình thị trường hiện này cho thấy, giá dầu phục hồi không bền vững. Hiện nay, sự lạc quan của các nhà đầu tư xuất phát từ hai yếu tố. Một là các nhà sản xuất dầu trong OPEC+ cắt giảm sản lượng trong tháng 5. Hai là, giới đầu cơ phản ứng tích cực đối với việc nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và kỳ vọng các hoạt động kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, tình hình thực tế phức tạp hiện nay tiếp tục áp lực lên giá dầu. Nhu cầu dầu mỏ vẫn ở mức thấp kỷ lục; công suất lưu trữ dầu thô tiếp tục tăng. Do đó, sự tăng trưởng giá dầu hiện nay là rất mong manh. Theo chuyên gia Anton, sự phục hồi bền vững giá dầu có thể xảy ra trong quý III/2020 ở mức 40 USD/thùng nếu đại dịch kéo dài đến hết quý II/2020 và các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại.

Phạm TT