Châu Âu: Cơ hội duy nhất để thay đổi mô hình thị trường năng lượng

20:32 | 09/12/2022

|
(PetroTimes) - Điện sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí, than đá) hiện nay giá cao do nhiên liệu đầu vào leo thang bởi khủng hoảng địa chính trị, trong khi điện được tạo ra từ nguồn phi hóa thạch (tái tạo) không bị ảnh hưởng nhưng được hưởng lợi theo xu hướng chung. Làm sao để tách hai lĩnh vực này ra?
Châu Âu: Cơ hội duy nhất để thay đổi mô hình thị trường năng lượng

Châu Âu đang đứng trước một cơ hội duy nhất để thay đổi mô hình thị trường năng lượng và đây là lần đầu tiên trong một thời gian dài, khối này có thể tách chi phí điện ra khỏi khí đốt.

Đó là nhận định của hãng tin Bloomberg. Hãng tin này lưu ý rằng nếu thành công, châu Âu sẽ tạo ra một thị trường “năng lượng xanh” mới về cơ bản không phụ thuộc vào hydrocacbon, về lâu dài sẽ tách biệt hoàn toàn giá điện khỏi hydrocacbon truyền thống.

EU sẽ thực hiện các bước quan trọng để phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Hiện tại, giá điện được ràng buộc và được xác định theo giá khí đốt trên thị trường. Việc tăng giá điện ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sản xuất ở châu Âu, bao gồm cả “năng lượng xanh”, một lĩnh vực với chi phí sản xuất thấp. Giá hydrocacbon cao kỷ lục đang ảnh hưởng đến tổng chi phí điện ở châu Âu, mặc dù “sản xuất năng lượng xanh” không phụ thuộc vào hydrocacbon. Giải pháp cho một vấn đề như vậy có thể được thực hiện “trong khoảng một thế hệ”, nhưng một bước sai lầm có thể làm chệch hướng đầu tư vào các dạng năng lượng mới.

Các chuyên gia được Bloomberg phỏng vấn cho biết, các quốc gia châu Âu đang cân nhắc giới hạn giá khí đốt, nhưng phương pháp này mang lại nhiều rủi ro hơn so với tiềm năng lợi nhuận. Hơn nữa, nếu Thụy Sĩ và Anh từ chối tham gia, một cơ chế như vậy đơn giản sẽ không hoạt động, bởi vì các dòng khí đốt sẽ chảy sang các thị trường có định giá dựa trên cơ chế thị trường.

Steffen Köhler, Giám đốc của Sàn giao dịch Năng lượng Châu Âu cho biết: “Đừng cố gắng chống lại thị trường. Điều này là cần thiết để giảm rủi ro. Hãy để thị trường xác định giá trước. Nhưng nếu thực sự muốn áp dụng hạn chế, hãy thực hiện càng muộn càng tốt”.

EU đang nghiên cứu cái được gọi là mô hình Iberia như một giải pháp ngắn hạn, hoạt động ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các công ty sản xuất điện chạy bằng khí đốt phải hạn chế giá sản xuất, nhưng tùy theo tình hình kinh tế, họ có quyền chuyển một phần chi phí cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá điện bán ra.

Một cách khác để giảm bớt hậu quả của việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga, cần thiết cho một “quá trình chuyển đổi xanh” tốt đẹp, là hạn chế doanh thu “cao không thể đoán trước” của các công ty năng lượng. EU đã đồng ý áp dụng một hạn chế như vậy đối với tất cả các nhà cung cấp điện, từ 12/2022 đến 6/2023, giới hạn sẽ được đặt ở mức 180 EUR/MWh. Theo Bloomberg, đó là khó khăn chính trong cách tiếp cận này. Mọi người đều phải chịu những hạn chế: các công ty năng lượng “xanh” và “không xanh”, làm giảm doanh thu và đầu tư, kể cả trong lĩnh vực “xanh”.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, các nhà chức trách châu Âu cần chia thị trường điện thành hai phần, “xanh” và “không xanh”, cũng như đặt ra mức trần đối với chi phí điện sản xuất bằng hydrocacbon truyền thống. Cơ chế chuyển đổi đã hoạt động ở nước Anh thông qua “hợp đồng bồi thường” cho các nhà sản xuất năng lượng sạch với môi trường, trên thực tế, cơ chế này đã cố định sự ổn định về doanh thu của các công ty “xanh”, cho phép họ tăng cường đầu tư và năng lực.

Đồng thời, mặc dù các nước châu Âu có ý định đa dạng hóa ngành năng lượng và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, tỷ trọng của họ trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng vẫn còn rất nhỏ. Các nguồn năng lượng chính của tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn là dầu mỏ (30,95%), than đá (26,9%) và khí đốt (24,42%). Trong khi tỷ trọng của các nguồn tái tạo không vượt quá 6,7% vào năm 2021.

Năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá) chiếm 70% năng lượng tiêu thụ, trong khi khu vực này thiếu các mỏ hóa thạch (Đức, Bỉ và Tây Ban Nha đã quyết định từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân). Đây là lý do tại sao EU phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hydrocacbon.

Nga đang lấy lại đòn bẩy định giá trong thị trường năng lượng eo hẹpNga đang lấy lại đòn bẩy định giá trong thị trường năng lượng eo hẹp
Phân tích mới nhất về thị trường năng lượng toàn cầuPhân tích mới nhất về thị trường năng lượng toàn cầu
Shell lần đầu xâm nhập thị trường năng lượng tái tạo châu PhiShell lần đầu xâm nhập thị trường năng lượng tái tạo châu Phi

Nh.Thạch

AFP